Như Báo Lào Cai đã đưa tin, vào lúc 8 giờ 49 phút ngày 15/11/2023, tại khu vực thi công kè bê tông xi măng Km 94 + 352,58, Quốc lộ 4D (tổ 2, phường Ô Quý Hồ, thị xã Sa Pa) xảy ra sự cố sạt lở taluy âm, gây thiệt hại lớn về tài sản của người dân. Tổng giá trị tài sản ước tính trên 800 triệu đồng.
Đặc biệt, vụ sạt lở đã làm đứt gãy một đoạn đường ống nước D200 (dẫn nước từ hồ thác Bạc về Nhà máy xử lý nước sạch Sa Pa (Chi nhánh cấp nước thị xã Sa Pa).
Ngày 6/12/2023, UBND tỉnh đã có Văn bản hỏa tốc số 6287/UBND-XD yêu cầu Sở Giao thông, vận tải – Xây dựng kiểm tra làm rõ nguyên nhân vụ sạt lở tại Km 94 + 352, Quốc lộ 4D để giải quyết theo quy định của pháp luật. Đồng thời, yêu cầu Công ty Cổ phần cấp nước tỉnh Lào Cai khẩn trương khắc phục, sửa chữa điểm đứt gãy đường ống nước D200 phục vụ cấp nước sạch sinh hoạt cho Nhân dân và cơ sở kinh doanh ở Khu du lịch Sa Pa. Tuy nhiên đến nay, việc triển khai sửa chữa đoạn đường ống nước D200 vẫn chưa được thực hiện.
Ai chịu trách nhiệm trong vụ sạt lở tại phường Ô Quý Hồ (Sa Pa)?
Sáng 12/12, trao đổi với phóng viên, ông Lê Văn Mật, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần cấp nước tỉnh Lào Cai cho biết, hiện nay đơn vị vẫn chưa thể triển khai việc sửa chữa theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Nguyên nhân là do người dân chưa đồng thuận với phương án thống kê và áp giá hỗ trợ, đền bù của các cơ quan chức năng đưa ra, nên không đồng ý để Chi nhánh cấp nước thị xã Sa Pa đưa máy móc, nhân lực vào khu vực đường ống nước bị hư hỏng để sửa chữa.
Trước đây, mỗi ngày, đường ống nước D200 chuyển khoảng 3.500 m3 nước cho Nhà máy xử lý nước sạch Sa Pa để xử lý, cung cấp nước sinh hoạt cho khu vực trung tâm thị xã Sa Pa. Từ khi đường ống bị đứt gãy và ngừng hoạt động, để bù đắp lượng nước thiếu hụt này, Nhà máy nước sạch BOO Sa Pa phải tăng công suất, điều này gây thiệt hại lớn về kinh tế, cũng như ảnh hưởng đến hệ thống cấp nước của Sa Pa.
"Chúng tôi rất mong thị xã Sa Pa và Sở Giao thông, vận tải – Xây dựng khẩn trương có giải pháp khắc phục những tồn tại sau vụ sạt lở, đồng thời vận động Nhân dân đồng thuận để Chi nhánh cấp nước thị xã Sa Pa sửa chữa đường ống D200 nhằm sớm cung cấp nước trở lại theo đúng chỉ đạo của UBND tỉnh"- ông Lê Văn Mật cho biết thêm.
Hiện nay, dù các cơ quan chức năng thị xã Sa Pa đã vào cuộc thống kê thiệt hại do vụ sạt lở Km 94 + 352, Quốc lộ 4D gây ra nhưng việc xác định nguyên nhân, quy trách nhiệm thì vẫn đang được Sở Giao thông, vận tải – Xây dựng và các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.
Do không đồng ý với phương án hỗ trợ mà Ban Quản lý bảo trì đường bộ và Công ty TNHH Vũ Thành đưa ra, nên các hộ dân vẫn không cho nhà thầu thi công kè và sửa chữa đường ống nước D200. Điều này vừa gây ảnh hưởng đến tiến độ dự án Công trình Xử lý cung đường tiềm ẩn tai nạn, ùn tắc giao thông trên Quốc lộ 4D và hoạt động của Nhà máy xử lý nước sạch Sa Pa.