Dự phiên họp có các đồng chí: Hoàng Quốc Khánh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Lý Bình Minh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Giàng Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; Thường trực UBND các huyện, thành phố, thị xã.
Báo cáo của UBND tỉnh nêu rõ: Tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh trong tháng 3 và quý I/2024 phát triển ổn định, đà phục hồi tăng trưởng tương đối tốt. Cụ thể, các chỉ tiêu, kế hoạch về sản xuất nông nghiệp cơ bản hoàn thành theo tiến độ. Sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp có chuyển biến tích cực. Hoạt động kinh doanh thương mại - dịch vụ sôi động. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn được triển khai quyết liệt. Giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục nằm trong nhóm địa phương có tỷ lệ giải ngân cao của cả nước.
Chất lượng hoạt động văn hóa - xã hội được nâng lên; công tác giáo dục đạt được nhiều kết quả cao; công tác y tế chăm sóc sức khỏe Nhân dân được quan tâm, không để các dịch bệnh lớn phát sinh trên địa bàn; các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời; cải cách hành chính đạt kết quả tích cực; ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính được triển khai đồng bộ, hiệu quả. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế phát triển.
Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong tháng 3 và quý I/2024 còn gặp không ít khó khăn. Đó là nhiều đơn vị khai thác khoáng sản đang hoạt động cầm chừng hoặc tạm dừng hoạt động do vướng mắc về công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, thuê đất, không đủ diện tích đổ thải, hạn chế về công nghệ sản xuất… ảnh hưởng đến giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn, cũng như giá trị nộp ngân sách địa phương.
Việc quy hoạch hình thành mới hoặc mở rộng các khu, cụm công nghiệp để tạo mặt bằng “sạch” thu hút các dự án công nghiệp gặp nhiều khó khăn. Các dự án thủy điện đã được cấp chủ trương đầu tư nhưng chưa được khởi công do vướng mắc về đất đai, đền bù, giải phóng mặt bằng.
Giá trị công nghiệp điện, nước giảm so với thời điểm quý trước do bước vào mùa khô, lượng mưa giảm, các nhà máy thủy điện bắt đầu bước vào thời điểm thiếu nước để hoạt động tối đa công suất hằng năm.
Tổng giá trị xuất - nhập khẩu, mua bán, trao đổi hàng hóa qua các cửa khẩu đạt rất thấp so với kế hoạch đặt ra. Lưu lượng hàng hóa xuất - nhập khẩu hiện nay có sự chênh lệch rất lớn giữa lượng hàng xuất khẩu và hàng nhập khẩu (từ 4 - 5 lần).
Giá cả thị trường sản phẩm chăn nuôi chưa ổn định, còn có nhiều biến động. Công tác triển khai xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung còn gặp nhiều vướng mắc về thủ tục đất đai.
Trên cơ sở những khó khăn, vướng mắc, lãnh đạo các sở, ngành và địa phương đã phát biểu, phân tích, làm rõ nguyên nhân, đồng thời kiến nghị với tỉnh một số nội dung liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp; tiến độ triển khai các dự án xây dựng trường học, bệnh viện, giao thông; quy hoạch; các chương trình mục tiêu quốc gia…
Phiên họp đã dành thời gian để Sở Tư pháp báo cáo chuyên đề về tiến độ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh năm 2024; các nội dung cần lưu ý khi các văn bản quy phạm pháp luật mới của Trung ương, của tỉnh mới ban hành hoặc chuẩn bị có hiệu lực thi hành.
Cục Thống kê báo cáo chuyên đề về tình hình phát triển kinh tế - xã hội quý I/2024; định hướng, đề xuất để hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch năm 2024.
Sở Công Thương báo cáo chuyên đề về công tác phát triển cụm công nghiệp tại Lào Cai.
Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường cho rằng: Nếu như các chỉ tiêu về xã hội tương đối khả quan thì các chỉ tiêu về kinh tế chưa đạt như kỳ vọng, nhất là các trụ cột kinh tế (công nghiệp, xuất - nhập khẩu, nông nghiệp, du lịch) đòi hỏi các ngành, địa phương cần tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt để tạo sự tăng trưởng nhanh trong thời gian tới.
“Muốn vậy, các ngành, địa phương cần xác định rõ nguyên nhân, giải pháp cụ thể, phù hợp với thực tế và mục tiêu đã được xác định”, Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường yêu cầu.
Đi vào các lĩnh vực cụ thể, đối với nông nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu ngành nông nghiệp và các địa phương tập trung phát triển diện tích trồng chuối, mở rộng quy mô chăn nuôi, tìm đầu ra cho cây quế; nâng cao thương hiệu nông sản và sản phẩm OCOP của Lào Cai.
Đối với lĩnh vực quy hoạch, xây dựng, cần tập trung tháo gỡ khó khăn trong công tác quy hoạch, lãnh đạo địa phương phải “thuộc bài” về quy hoạch. Cùng với đó, tăng tốc giải phóng mặt bằng, trách nhiệm trước hết thuộc về các địa phương, “nếu không giải phóng được mặt bằng thì tỉnh sẽ điều chuyển các dự án vướng mắc về mặt bằng”, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
Đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án xây dựng cơ bản, đồng thời phải quản lý được chất lượng, tiến độ thi công, an toàn, môi trường; đề nghị các chủ đầu tư phải sát sao, trách nhiệm, nắm chắc, nắm rõ từng dự án.
Tập trung triển khai xây dựng các khu, cụm công nghiệp để thu hút nhà đầu tư, góp phần nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn. Chủ động, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án khoáng sản, đảm bảo nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất phốt pho, DAP.
Khẩn trương xây dựng danh mục xúc tiến đầu tư để có căn cứ, cơ sở kêu gọi, thúc đẩy thu hút đầu tư vào Lào Cai.
Nghiên cứu xây dựng và tổ chức thường xuyên các hoạt động văn hóa gắn với du lịch để thu hút khách du lịch đến Lào Cai; khẩn trương triển khai các nội dung theo kế hoạch đã được phê duyệt phục vụ cho Lễ hội sông Hồng.
Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường yêu cầu các ngành, địa phương tập trung chỉ đạo triển khai công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm; xóa nhà tạm…