LCĐT - Đang là cao điểm mùa khô hanh, cơ quan chuyên môn, chính quyền các địa phương trong tỉnh “nơm nớp” nỗi lo cháy rừng, bởi bên cạnh yếu tố khách quan thì ý thức chủ quan của con người là một trong những nguyên nhân chính.
Vào giữa tháng 2/2023 xảy ra 3 điểm cháy rừng tại khu vực giáp ranh giữa xã Ngũ Chỉ Sơn (thị xã Sa Pa) và xã Nậm Pung (huyện Bát Xát). Nguyên nhân do người dân đốt đồi cỏ để nuôi gia súc, bất cẩn để lửa cháy lan. Các điểm cháy nằm ở vị trí giáp ranh với khu vực rừng tự nhiên, địa hình phức tạp, không có đường đi, gió lớn, nên khó tiếp cận điểm cháy và chữa cháy. Sau hơn 1 ngày - đêm, huy động gần 400 người tham gia chữa cháy, các đám cháy được dập tắt, tuy nhiên làm thiệt hại 11,8 ha rừng tái sinh (chủ yếu cây bụi, tế, guột).
Ông Ngô Kiên Trung, Trưởng Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát cho biết: Phần lớn vụ cháy rừng xảy ra do ý thức bất cẩn trong sử dụng lửa của con người. Để hạn chế thấp nhất tình trạng cháy rừng xảy ra, đơn vị phối hợp với các xã rà soát những điểm thường xảy ra cháy và có nguy cơ cháy cao nhằm cảnh báo, tuyên truyền cho người dân biết, phòng tránh. Cũng vào thời gian người dân tập trung làm nương, đốt dọn thực bì chuẩn bị cho vụ sản xuất mới, cán bộ kiểm lâm địa bàn phối hợp với cán bộ phụ trách nông - lâm nghiệp xã hướng dẫn người dân cách đốt nương đúng quy trình kỹ thuật.
Vào thời điểm khô hanh, nắng nóng kéo dài cộng với gió tây nam, nếu người dân bất cẩn khi đốt nương sẽ là mối đe dọa lớn gây cháy rừng. Vì vậy, ngay từ đầu mùa khô năm 2022 - 2023, hạt kiểm lâm các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với chính quyền cơ sở, đoàn thể xã cử cán bộ xuống các thôn tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng, ký cam kết bảo vệ rừng. Tuy nhiên, tình trạng cháy rừng vẫn liên tiếp xảy ra, theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 9 điểm cháy rừng, tuy chưa gây hại đến diện tích rừng tự nhiên, sản xuất, nhưng đã phải huy động tổng số người ứng phó chữa cháy gần 900 người.
Để giải quyết được vấn đề “gốc rễ” này, cần đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền theo hướng “mưa dầm thấm lâu” để ý thức về phòng cháy rừng, bảo vệ rừng đối với những người dân sống ở gần rừng, bìa rừng ngày càng được nâng lên, ý thức trong việc sử dụng lửa, nhất là thời điểm thời tiết nhiệt độ cao, nắng nóng, khô hanh, gió thổi mạnh. Đối với những vùng sản xuất có nguy cơ, những vùng người dân thường có thói quen đốt thực bì, đốt thảm thực vật cần được quản lý chặt chẽ và có những quy chế cụ thể trong việc sử dụng lửa gần rừng.
Giải pháp nữa đó là phát huy vai trò của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trong công tác phòng cháy rừng. Vào thời kỳ cao điểm nắng nóng, khô hanh thì tăng cường tần suất tuần tra, kiểm tra và thành lập các chốt để kiểm soát người ra, vào rừng.
Nội dung: Kim Thoa
Trình bày: Khánh Ly