Ngày 26/6, Bảo tàng Văn học Việt Nam (ngõ 275 đường Âu Cơ) chính thức khánh thành và đưa vào phục vụ bạn đọc cả nước.
Bảo tàng Văn học Việt Nam trực thuộc Hội Nhà văn Việt Nam, được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập từ năm 2011. Bảo tàng có chức năng sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu, trưng bày, giới thiệu các di sản văn hóa, phản ánh quá trình hình thành và phát triển của văn học Việt Nam.
Bảo tàng Văn học Việt Nam được xây dựng trên diện tích 3.600m2 diện với 3 tầng trưng bày khang trang, diện tích trưng bày 2.700 m2. Ngoài ra còn có các phòng chức năng và hội trường hơn 200 chỗ ngồi phục vụ sự kiện, hội nghị, lớp học và 30 phòng nghỉ cho các nhà văn tham dự trại sáng tác.
Tầng 1 của bảo tàng trưng bày văn học cổ - trung đại Việt Nam (từ thế kỷ X đến cuối thế kỷ XIX). Tại đây, người xem có thể chiêm ngưỡng nhiều bút tích văn học cổ. Ngoài ra, trong khuôn viên của tầng 1 còn trưng bày nhiều mô hình, mô phỏng cảnh lều chõng đi thi của các sĩ tử thời xưa, cảnh đèn sách một thời.
![]() |
Một góc trưng bày ở tầng 3 của Bảo tàng Văn học Việt Nam. |
Tầng 2 trưng bày, giới thiệu các nhà văn đoạt giải thưởng Hồ Chí Minh. Tại đây, độc giả có thể xem những hiện vật, tác phẩm nổi bật của hơn 30/44 các nhà văn từng đoạt giải thưởng Hồ Chí Minh như: Nguyễn Huy Tưởng, Nam Cao, Tô Hoài, Ngô Tất Tố, Nguyễn Tuân... Bên cạnh đó, ở tầng trưng bày này còn có mô hình khắc họa “Không gian văn hóa xóm Chòi”, nơi Hội Văn nghệ Việt Nam đóng trụ sở làm việc trong kháng chiến chống Pháp.
Tầng 3 trưng bày, giới thiệu các nhà văn đoạt giải thưởng Nhà nước, các kỳ đại hội của Hội Nhà văn Việt Nam.
Trong tổng số gần bốn vạn tài liệu, hiện vật sưu tầm được, hiện có 3.454 tài liệu, hiện vật được chọn trưng bày; nhiều hiện vật quý như chiếc bàn gỗ cách đây hơn 200 năm Nguyễn Du từng ngồi viết trong thời gian 10 năm sinh sống ở quê vợ Thái Bình; bức tượng Vua Trần Nhân Tông từ chùa Tiêu Sái (nay là chùa Báo Ân), tại Gia Lâm vào thế kỷ XIII, khi ông vừa xuống tóc bắt đầu hành trình lên Yên Tử; bộ bàn ghế gỗ gụ Bác Hồ từng tiếp Vua Bảo Đại năm 1946; viên gạch đá ong lấy từ Thành Đồ Bàn, nơi chứng kiến cuộc hôn nhân "ngoại giao" nổi tiếng trong lịch sử giữa Huyền Trân công chúa với Chế Bồng Nga; những tấm ván khắc gỗ của dòng họ Phan Huy; bộ sưu tập sách viết trên lá cây của các dân tộc Thái ở miền Tây Nghệ An, Chăm ở Bình Thuận, Khmer ở Trà Vinh; bản thảo viết tay của các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng, như Tố Hữu, Huy Cận, Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi...
Ngoài ra, bảo tàng còn lưu giữ được gần 500 phim tư liệu ghi lại hình ảnh, tiếng nói của các nhà văn. Một số hiện vật độc đáo, thú vị như cây gậy chống của nhà văn Nguyễn Tuân khắc tên những địa danh nổi tiếng ông từng đến; chiếc ba-toong gỗ, rút chuôi cầm ra bên trong là một lưỡi lê sắc, chiến lợi phẩm nhà văn Chu Lai thu được trên chiến trường Cam-pu-chia...
Ngoài việc trưng bày tư liệu, bản thảo, bút tích, đồ dùng của các thế hệ nhà văn; các tác phẩm in lần đầu hoặc được tái bản nhiều lần; kho tư liệu hình ảnh, tiếng nói của các nhà văn; tượng các nhà văn... Bảo tàng Văn học Việt Nam được trang bị hệ thống máy tính, máy tra cứu, máy chiếu hiện đại để độc giả có thể tra cứu các thông tin về các nhà văn Việt Nam.
Việc thành lập Bảo tàng Văn học Việt Nam là mong mỏi từ lâu của các thế hệ nhà văn, nhằm lưu trữ, cung cấp thông tin chuẩn xác nhất cho bạn đọc về nền văn học nước nhà. Bảo tàng Văn học Việt Nam được đưa vào sử dụng sẽ là địa chỉ lưu giữ những giá trị đặc sắc của nền văn học dân tộc trong những biến thiên lịch sử đất nước.