Chính sách thuế của Mỹ: Nhiều quốc gia thúc đẩy đàm phán với Washington

Không vội vàng áp thuế trả đũa, nhiều quốc gia đang tìm kiếm các cuộc đàm phán hay các biện pháp thay thế nhằm giải quyết vấn đề thuế quan của Mỹ.

Quang cảnh cảng hàng hóa Long Beach ở California, Mỹ.
Quang cảnh cảng hàng hóa Long Beach ở California, Mỹ.

Phát biểu tại Quốc hội, Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba kêu gọi cách tiếp cận "bình tĩnh" trong đàm phán với Tổng thống Mỹ Donald Trump, cho dù các biện pháp thuế của Mỹ hiện nay đang tạo ra “khủng hoảng quốc gia” cho Nhật Bản.

Thủ tướng Ishiba cho biết Chính phủ Nhật Bản đang nỗ lực hết sức với tất cả các bên nhằm giảm thiểu các tác động. Ngoài ra, ông bày tỏ mong muốn sẽ đàm phán trực tiếp với Tổng thống Trump về vấn đề thuế quan và cho biết Tokyo đang sắp xếp một cuộc điện đàm với Nhà Trắng.

Trong một phát biểu ngày 4/4, Bộ trưởng Tài chính Pháp Eric Lombard nhận định Liên minh châu Âu (EU) không nên trả đũa thuế quan của Mỹ bằng chính công cụ này vì sẽ ảnh hưởng đến người tiêu dùng trong khối. Theo ông, châu Âu đang xây dựng gói phản ứng có thể vượt xa thuế quan, với mục tiêu đưa Mỹ vào bàn đàm phán và đạt được một thỏa thuận công bằng. Ông Lombard cũng để ngỏ khả năng chấp nhận gia tăng thâm hụt thương mại, đồng thời loại trừ việc tăng cắt giảm chi tiêu và tăng thuế để bù đắp cho tình trạng thiếu hụt tiềm ẩn.

Cùng ngày, Bộ trưởng Kinh tế Tây Ban Nha Carlos Cuerpo cảnh báo tác động từ loạt thuế quan của Mỹ có thể tác động tiêu cực đến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này ở mức gấp nhiều lần con số 10%. Trước đó, chính phủ cũng đã công bố một gói tài chính gồm các khoản vay và viện trợ trực tiếp trị giá 14,1 tỷ euro (khoảng 15,55 tỷ USD) để giúp các công ty vượt qua tác động của thuế quan mới từ Mỹ.

Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ Omer Bolat cho biết Ankara muốn đàm phán với Mỹ để dỡ bỏ mức thuế quan bổ sung 10%. Theo ông Bolat, nền tảng đàm phán là khoản thặng dư 2,4 tỷ USD nghiêng về phía Mỹ trong thương mại hai chiều năm 2024.

Papua New Guinea cũng cho biết không có kế hoạch trả đũa quyết định áp thuế 10% của Mỹ, mà thay vào đó sẽ tăng cường quan hệ thương mại với khu vực châu Á và Thái Bình Dương.

Theo baotintuc.vn

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Chính phủ Mỹ đứng trước nguy cơ vỡ nợ

Chính phủ Mỹ đứng trước nguy cơ vỡ nợ

Tổ chức tư vấn Trung tâm Chính sách Lưỡng đảng (BPC) của Mỹ ngày 24/3 cảnh báo chính phủ nước này sẽ đứng trước nguy cơ vỡ nợ đối với một phần trong khoản nợ 36.600 tỷ USD vào giai đoạn từ giữa tháng 7 đến đầu tháng 10/2025 nếu Quốc hội không hành động để nâng trần vay nợ của Washington.

fb yt zl tw