LCĐT - Ngày 20/4, tại Trường Phổ thông DTBT THCS Nấm Lư (Mường Khương), Tổ chức Cứu trợ Trẻ em phối hợp với Cục Trẻ em, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Viện MSD tổ chức Hội thảo chia sẻ kết quả báo cáo khảo sát “Tiếng nói trẻ em Việt Nam” và trao đổi về thúc đẩy thực hiện quyền trẻ em tại Lào Cai.
Hội thảo có sự tham gia của trên 120 đại biểu đại diện cho Cục Trẻ em, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Tỉnh đoàn, Ban quản lý Chương trình phát triển Cộng đồng lấy trẻ em làm trọng tâm tại Lào Cai và ban giám hiệu, giáo viên, học sinh một số trường THCS trên địa bàn tỉnh.
Trong 2 năm (2019- 2020), Tổ chức Cứu trợ Trẻ em phối với Viện Nghiên cứu Quản lý phát triển Bền vững (MSD)đã triển khai khảo sát "Tiếng nói trẻ em Việt Nam" với sự tham gia của 1.692 trẻ em từ 11 tuổi đến 16 tuổi ở 7 tỉnh, thành phố trên cả 3 miền Bắc, Trung, Nam (Hà Nội, Hải Phòng, Lào Cai, Huế, Đăk Lăk, TP. Hồ Chí Minh và Tiền Giang). Mục tiêu của khảo sát nhằm thu thập ý kiến của trẻ em nhằm đảm bảo tiếng nói của trẻ em được lắng nghe; tạo điều kiện để trẻ em bày tỏ ý kiến của mình.
Tiếp nối thành công của báo cáo, MSD phối hợp với Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện chuỗi hội thảo chia sẻ kết quả báo cáo “Tiếng nói trẻ em Việt Nam”, trong giai đoạn tháng 3 – 4/2021 tại 7 tỉnh, thành phố có trẻ em đã thực hiện khảo sát. Chuỗi hội thảo nhằm mục tiêu chia sẻ, công bố các kết quả của báo cáo “Tiếng nói trẻ em Việt Nam”, đồng thời lắng nghe, tiếp nhận ý kiến phản hồi của các em và các bên liên quan nhằm thúc đẩy sự tham gia của trẻ em trong các vấn đề liên quan đến chính các em.
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em chia sẻ tại chương trình. |
Phát biểu tại hội thảo, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhấn mạnh: Sự tham gia của trẻ em luôn là nội dung ưu tiên trong các kế hoạch hoạt động của Cục Trẻ em. Kết quả báo cáo “Tiếng nói trẻ em Việt Nam” đã cung cấp, góp phần vào việc xây dựng và hoàn thiện các chương trình hành động vì trẻ em. Thông qua khảo sát “Tiếng nói trẻ em Việt Nam” do Viện MSD thực hiện, nhiều ý kiến, tâm tư, nguyện vọng, suy nghĩ, khó khăn của các em về cuộc sống, gia đình, học tập, phát triển… đã được bày tỏ. Những suy nghĩ, phát biểu của các em sẽ là cơ sở để ngày càng nhiều người hiểu các em hơn, từ đó góp phần tích cực thay đổi suy nghĩ, nhận thức, hoạt động, đảm bảo thực hiện quyền trẻ em trên toàn xã hội.
Hội thảo đã giới thiệu 15 phát hiện nổi bật của khảo sát “Tiếng nói trẻ em Việt Nam” và chia sẻ quá trình báo cáo đã được sử dụng để tham vấn và xây dựng các chương trình, chính sách quốc gia vì trẻ em, với sự tham gia tích cực của trẻ em.
Tại phần đối thoại, Hội thảo ghi nhận nhiều ý kiến, câu hỏi, vấn đề được đặt ra bởi chính các em học sinh.
Chuỗi hội thảo chia sẻ kết quả báo cáo “Tiếng nói trẻ em Việt Nam” sẽ tiếp tục được thực hiện tại các tỉnh, thành phố trong vùng dự án, hoàn thiện trong tháng 4/2021. Các ý kiến của trẻ em sẽ được thu thập, ghi nhận và đệ trình nhằm xây dựng các chương trình đảm bảo thúc đẩy sự tham gia và tiếng nói trẻ em trong các vấn đề của chính các em.