LCĐT - Bên cạnh sự quan tâm về giáo dục, học sinh rất cần được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, phòng, chống bệnh tật thường gặp và các bệnh do yếu tố học đường gây ra.
Chị Nguyễn Kiều Chinh, tổ 20, phường Bắc Cường (thành phố Lào Cai) có con gái năm nay vào lớp 1. Mỗi sáng, chị chuẩn bị cho con bình nước cá nhân, khẩu trang và chú trọng bữa ăn giàu dinh dưỡng. Chị Chinh chia sẻ: Sau tuần học đầu tiên, con rất hào hứng đến trường và có sức khỏe tốt. Ở nhà, tôi đã chuẩn bị bàn, ghế và thường xuyên uốn nắn tư thế ngồi học của con. Con đã tiêm 2 mũi vắc-xin phòng Covid-19, vắc-xin phòng cúm A, vì vậy tôi khá yên tâm.
Bác sỹ Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh khám sức khỏe cho học sinh trong buổi khám ngoại viện. |
Cũng như chị Chinh, trước khi vào năm học mới, chị Lê Hải Quỳnh (thị trấn Phố Lu, huyện Bảo Thắng) đã đưa con đi đến phòng khám kiểm tra thị lực. Chị Quỳnh cho biết, con bị cận 3,5 diop, bỏ kính là không nhìn rõ chữ trên bảng nên cho con đi cắt kính phù hợp để con học tập tiện hơn.
Hiện nay, tỷ lệ học sinh mắc các bệnh, tật học đường khá cao. Qua đợt khám sức khỏe của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho học sinh khối lớp 10, lớp 11 tại 2 trường THPT trên địa bàn huyện Bảo Yên cho thấy, 16% học sinh mắc tật khúc xạ; 0,17% học sinh bị lệch vai; 4,55% học sinh có nghi ngờ về rối nhiễu tâm trí; 40,22% học sinh mắc các bệnh về răng, miệng và 39,7% học sinh có cân nặng thấp.
Trường học tập trung đông người nên các bệnh truyền nhiễm cũng dễ lây lan tạo thành dịch. Học sinh hiếu động dễ dẫn đến tai nạn, thương tích. Bên cạnh đó còn có nỗi lo an toàn thực phẩm tại các trường có học sinh bán trú. Chính vì vậy, công tác chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ sức khỏe học sinh cần được quan tâm.
Năm học 2021 - 2022, các cơ sở giáo dục và trạm y tế trên địa bàn tỉnh đã phối hợp lập hồ sơ quản lý sức khỏe và tổ chức khám sức khỏe theo chuyên khoa cho học sinh. Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, năm học 2021 - 2022, có 251.922 học sinh tại 612 trường được lập hồ sơ quản lý sức khỏe. Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở các cấp học chiếm 1,83%; bệnh hô hấp chiếm 2,05%; bệnh răng, miệng chiếm 8,89%; các bệnh về mắt chiếm 1,71%. Về tai nạn, thương tích, trong số 571 trường có báo cáo, có 1.399 trường hợp học sinh bị trượt ngã; 30 trường hợp học sinh bị bỏng; 5 trường hợp bị đuối nước; 2 trường hợp bị điện giật; 71 trường hợp bị tai nạn giao thông...
Hằng năm, hầu hết cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh được cơ quan chuyên môn, các cấp có thẩm quyền kiểm tra hoạt động quản lý, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe học sinh, giám sát vệ sinh môi trường, điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm và công tác phòng, chống dịch bệnh. Bà Phạm Thị Hạ, Trưởng Khoa Sức khỏe Môi trường - Y tế trường học, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Khó khăn trong công tác y tế trường học hiện nay là thiếu nhân viên y tế học đường. Năm học 2021 - 2022, chỉ 298/612 cơ sở giáo dục có nhân viên y tế có chuyên môn y, chiếm 48,7%, trong đó nhiều nhân viên chưa đạt trình độ chuẩn theo quy định tại Thông tư liên tịch 13/TTLT-BYT-BGD&ĐT của Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo. Số trường còn lại do giáo viên hoặc nhân viên khác kiêm nhiệm công tác y tế trường học. Hơn nữa, số nhân viên y tế trường học kiêm nhiệm lại thường xuyên thay đổi theo từng năm học nên khó khăn trong tập huấn và triển khai các hoạt động y tế trường học. Có 150/612 trường chưa có phòng y tế. Một số trường có phòng y tế nhưng lồng ghép với các phòng khác. Tủ thuốc, trang - thiết bị y tế tại một số trường cũng chưa được quan tâm đầu tư.
Trong năm 2022, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh dự kiến tổ chức khám cho 3.400 học sinh tại 10 trường trên địa bàn huyện Mường Khương và huyện Bảo Thắng với mục tiêu 100% học sinh từ 6 đến 16 tuổi được khám, phát hiện sớm dấu hiệu nguy cơ mắc cận thị, vẹo cột sống và đánh giá tình trạng dinh dưỡng.
Ông Lục Hậu Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Sở đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức tốt hoạt động khám sức khỏe theo chuyên khoa cho học sinh; duy trì và mở rộng các mô hình điểm về mắt học đường, nha học đường và lồng ghép các hoạt động chăm sóc sức khỏe trong trường học như tiêm chủng mở rộng, cải thiện tình trạng dinh dưỡng học sinh, phòng, chống thiếu vitamin A và phòng, chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, các đơn vị y tế cũng sẽ phối hợp với các cơ sở giáo dục trên địa bàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19, theo dõi sức khỏe của học sinh, cán bộ, giáo viên. Phối hợp với phòng giáo dục và đào tạo các địa phương định kỳ kiểm tra, giám sát công tác vệ sinh trường học, vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm tra các cơ sở cung cấp suất ăn, nước uống cho học sinh, cửa hàng bán thực phẩm khu vực xung quanh trường học.
“Để công tác chăm sóc sức khỏe học đường hiệu quả, các trường cần sắp xếp lịch học tập, vui chơi, giải trí, luyện tập thể thao phù hợp với sức khỏe, độ tuổi và giới tính của học sinh. Phụ huynh cũng cần phối hợp, quan tâm đến sức khỏe, tâm lý của trẻ, đưa trẻ đi tiêm vắc-xin phòng bệnh đầy đủ, có chế độ dinh dưỡng hợp lý...”, Phó Giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh.