Chia sẻ với chúng tôi, chị Lò Thị Liên, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ Vĩnh Yên cho biết: Hợp tác xã tập hợp 16 hội viên là những nông dân trong xã, tham gia trên tinh thần tự nguyện. Ngoài yếu tố kinh doanh đem lại nguồn thu cho các thành viên, hợp tác xã còn là cầu nối kết nối giữa các hộ dân sản xuất nông, lâm sản của xã với các nhà máy và thị trường.

Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ Vĩnh Yên thành lập năm 2020, hoạt động theo mô hình hợp tác xã kiểu mới, tự chủ và kết nối với nông dân xây dựng vùng sản xuất, gắn với tiêu thụ sản phẩm… Với sự năng động và nhạy bén với thị trường, hợp tác xã là một trong những mô hình hiệu quả, hướng đến sản xuất nông nghiệp xanh, an toàn và bền vững, mang lại thu nhập tốt cho nhiều hội viên.
Đóng chân trên địa bàn xã Vĩnh Yên, nơi được coi là “vựa quế” của huyện Bảo Yên và của tỉnh, mặt hàng chủ lực của hợp tác xã là tinh dầu quế. Mỗi năm vào những mùa thu hoạch quế, từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 8 đến cuối năm, các thành viên hợp tác xã “căng mình” làm việc. Công việc thường ngày là chia nhóm đến các thôn xa thu mua cành, lá quế và quế bóc vỏ của bà con, sau đó gom thành những chuyến hàng lớn bán cho nhà máy và bán cho các thương lái. Việc thu gom khá thuận lợi, bởi các thành viên đều là người của xã nên thông thuộc địa hình, lại có xe 5 tấn sẵn sàng đi đến các đồi xa và khó khăn nhất nên việc thu mua kịp thời. Hơn nữa, hợp tác xã thu mua bình ổn, không có việc ép giá như các thương lái, thậm chí giá thu mua của bà con còn cao hơn 1 - 2 giá so với các thương lái, do đó bà con thường tin tưởng bán qua hợp tác xã.

Với phần nguyên liệu thu mua được, hợp tác xã sẽ bán cho nhà máy ép tinh dầu, sau đó lại mua tinh dầu thô từ nhà máy về để chưng cất, chắt lọc ra tinh dầu nguyên chất. Mỗi năm, hợp tác xã mua từ nhà máy hơn 400 lít tinh dầu. sau khi chưng cất sẽ chiết xuất ra những chai, lọ có dung tích phù hợp với nhu cầu của thị trường để cung cấp ra các địa phương trong và ngoài tỉnh.
Chị Lò Thị Liên cho biết thêm: Liên kết, bao tiêu cho bà con sản phẩm chính là vỏ và cành lá quế. Tinh dầu thì hợp tác xã có hợp đồng liên kết với bà con để thu mua cành, lá về rồi bán lại cho nhà máy, hợp đồng liên kết lại bao tiêu tinh dầu cho nhà máy.
Ngoài việc tiêu thụ tinh dầu quế cho nhà máy, hợp tác xã cũng bao tiêu sản phẩm tinh dầu sả của nhà máy. Những loại tinh dầu quế, sả thô sau khi chưng cất đều được thị trường đón nhận. Hợp tác xã cũng tích cực tham gia các kỳ hội chợ, trưng bày để giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường. Như vào cuối năm 2024, hợp tác xã tham gia trưng bày sản phẩm tại Đà Nẵng theo chương trình của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh và ký được đơn hàng xuất bán với đối tác tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra còn có các mối khách hàng ở Quảng Ninh, Hà Tĩnh cũng rất ưa chuộng các sản phẩm tinh dầu do hợp tác xã cung cấp.

Mỗi năm, ngoài thu mua khoảng 380 - 400 tấn vỏ quế khô, hợp tác xã còn thu mua cành, lá quế, cây sả, chiết xuất khoảng trên 400 lít tinh dầu quế và sả đạt 4 sao OCOP để cung cấp cho thị trường.
Cùng với thu mua và bao tiêu sản phẩm từ quế, sả, Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ Vĩnh Yên còn thu mua sản phẩm củ sắn tươi của bà con bán cho thương lái. Với phương châm trợ giúp, bao tiêu sản phẩm cho bà con, hợp tác xã luôn niêm yết giá cả thu mua rõ ràng, tích cực tìm đầu ra ổn định, để giúp bà con nông dân được hưởng lợi, yên tâm sản xuất. Các sản phẩm đem lại doanh thu khá ổn định, tạo việc làm, thu nhập cho 19 xã viên với khoảng 4 triệu đồng/người/tháng, chưa kể hàng trăm lao động thời vụ.
Từ năm 2023, với sự hỗ trợ của Trung tâm Hợp tác và Xúc tiến lâm nghiệp quốc tế Nhật Bản (JIFPRO), hợp tác xã đã triển khai dự án SNRM, hỗ trợ người dân địa phương chuyển đổi sang sản xuất cây quế hữu cơ nhằm tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo đầu ra sản phẩm ổn định.

Chị Lò Thị Liên, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ Vĩnh Yên, huyện Bảo Yên cho biết thêm: “Giai đoạn 1, dự án cấp giống và phân cho 19 hộ, diện tích 16,5 ha; giai đoạn 2 đang triển khai, được hơn 26,5 ha”.
Trong định hướng phát triển, Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ Vĩnh Yên dự định đầu tư hệ thống chưng cất tinh dầu hiện đại, sử dụng nguyên liệu đốt hoàn toàn từ rác thải tự nhiên, không gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, hợp tác xã cũng sẽ tìm hiểu, liên kết để chuyển giao công nghệ trong việc làm phân bón từ bã lá quế sau khi ép, để tăng nguồn thu cho các thành viên và cung cấp sản phẩm phân hữu cơ an toàn cho vùng trồng nông, lâm nghiệp của xã cũng như các xã lân cận, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.