Căng thẳng giữa Nga và phương Tây "nóng lên" ở Bắc Cực

Căng thẳng giữa Nga và phương Tây ở Bắc Cực đã gia tăng đáng kể, khi Moskva chỉ trích những tuyên bố của Washington về Bắc Cực cũng như việc Mỹ gia tăng hoạt động quân sự. Bất đồng đó có thể lên đến đỉnh điểm khi Lầu Năm Góc dự kiến ​​công bố Chiến lược Bắc Cực mới.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tàu chiến thuộc Hạm đội phương Bắc của Nga.

Theo nhận định của Paul Goble, chuyên gia về Á-Âu, từng Giám đốc nghiên cứu và xuất bản tại Học viện Ngoại giao Azerbaijan cũng như đã đảm nhiệm nhiều chức vụ khác nhau trong Bộ Ngoại giao và Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ, mặc dù bị lu mờ bởi cuộc xung đột ở Ukraine, nhưng những diễn biến ở Bắc Cực trong tháng qua đã tạo tiền đề cho khu vực này trở thành "điểm nóng" tiếp theo của cuộc đối đầu kinh tế, địa chính trị và quân sự giữa Nga và phương Tây.

Căng thẳng mới nhất trong cuộc đối đầu này xảy ra tại cuộc họp của Cơ quan quản lý đáy biển quốc tế ở Jamaica vào cuối tháng 3. Ở đó, các đại diện của Nga đã chỉ trích Mỹ vì những tuyên bố mới mà Washington đưa ra vào tháng 12 năm ngoái về Bắc Cực và đáy biển giàu khoáng sản.

Các đại diện của Nga nhấn mạnh rằng Mỹ đang "lạm dụng" luật pháp quốc tế để có lợi cho mình và gây ra xung đột với Nga, các cường quốc Bắc Cực khác và cả thế giới. Theo các nhà bình luận và chính trị gia Nga, phản ứng của Điện Kremlin có thể bao gồm việc rút khỏi Hội đồng Bắc Cực, Hiệp ước Luật Biển, bác bỏ thỏa thuận Baker-Shevardnadze năm 1990 liên quan đến việc thiết lập biên giới biển giữa Moskva và phương Tây, đồng thời tăng cường hiện diện quân sự ở Bắc Cực để chống lại NATO và Mỹ.

Ba diễn biến đang khiến Nga thêm tức giận trước những động thái mới nhất của Mỹ ở Bắc Cực. Thứ nhất, việc mở rộng NATO bao gồm Phần Lan và Thụy Điển khiến liên minh phương Tây "áp sát" đến gần Nga hơn bao giờ hết. Thứ hai, Moskva thừa nhận kỳ vọng của Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc mở rộng Tuyến đường biển phía Bắc đã bị đình trệ do các lệnh trừng phạt của phương Tây, phát sinh từ cuộc xung đột ở Ukraine. Thứ ba, Lầu Năm Góc cho biết sẽ công bố chiến lược Bắc Cực mới sớm nhất là vào cuối tháng 4 này, dựa trên ba cuộc tập trận quân sự gần đây ở Bắc Cực chỉ trong tháng qua.

Nhiều học giả Nga công khai tuyên bố rằng tất cả những điều này tạo thành "một cuộc tấn công trực diện" vào lợi ích quốc gia của Nga vì nó liên quan đến một khu vực mà Điện Kremlin tin rằng Moskva nên có quyền kiểm soát riêng.

Chuyên gia Goble cho rằng, 3 mối lo ngại khác đè nặng lên Nga đằng sau những yếu tố này, khiến nhiều khả năng Tổng thống Putin sẽ quyết định "vượt ra ngoài các công cụ ngoại giao". Đầu tiên và ngay lập tức nhất, Điện Kremlin cho rằng hành động của các nhà lãnh đạo phương Tây ở Bắc Cực xuất phát từ niềm tin Nga bị phân tâm và thậm chí bị suy yếu bởi cuộc chiến ở Ukraine. Nhiều nhà bình luận và quan chức Nga đang kêu gọi một cách công khai và nhấn mạnh rằng Tổng thống Putin phải đáp trả mạnh mẽ trước nguy cơ phương Tây làm suy yếu nước Nga ở nơi khác.

Hai là, Tổng thống Putin đã coi việc mở rộng Tuyến đường biển phía Bắc là trọng tâm trong kế hoạch “hướng về phía Đông” và nỗ lực tái khẳng định sức mạnh của Nga. Những dấu hiệu gần đây cho thấy tuyến đường đang gặp khó khăn đã không khiến ông thay đổi quyết định. Đúng hơn, nhà lãnh đạo Nga đã cam kết giành nhiều nguồn lực hơn cho nỗ lực này vì sợ rằng sự thất bại của dự án sẽ làm suy yếu Nga trong mối quan hệ với Trung Quốc và phương Tây.

Ba là, giống như nhiều người Nga, Tổng thống Putin có vẻ lo ngại rằng, nếu Moskva mất quyền kiểm soát đối với Tuyến đường biển phía Bắc, nước này có thể mất quyền kiểm soát đối với các khu vực phía Bắc nước Nga.

Tuy nhiên, Nga vẫn còn một số đòn bẩy ngoại giao, chẳng hạn như thu hút phần còn lại của thế giới và thậm chí cả các đồng minh của Mỹ phản ứng với Washington trong việc mở rộng sự hiện diện ở Bắc Cực. Các quan chức ngoại giao Nga đã nỗ lực thực hiện điều đó tại cuộc gặp ở Jamaica, nêu bật những khác biệt giữa Mỹ và Canada nói riêng và giữa Washington với các nước khác nói chung. Moskva cũng đã thực hiện những nỗ lực như vậy ở những địa điểm khác. Gần như chắc chắn rằng những nỗ lực như vậy sẽ tiếp tục và thậm chí còn tăng cường hơn trong thời gian tới. Tuy nhiên, những hành động ngoại giao như vậy khó có thể ngăn cản phương Tây và Mỹ gia tăng hiện diện ở Bắc Cực, trừ khi Nga thể hiện sức mạnh quân sự để hỗ trợ chúng.

Do đó, Moskva ngày càng nghiêng về việc sử dụng sức mạnh quân sự để ngăn chặn phương Tây ở Bắc Cực. Tuy nhiên, việc Nga có thể sử dụng lực lượng quân sự ở Bắc Cực thành công hay không vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ. Theo các chuyên gia, hạm đội Nga ở Bắc Cực đang gặp khó khăn, thiếu nguồn lực để đóng đủ tàu và cung cấp đủ nhân lực để thay đổi điều đó trong thời gian tới. Mặc dù vậy, những diễn biến tiếp theo ở Bắc Cực có thể khiến tình hình trở nên leo thang nguy hiểm hơn và việc không chú ý đến Bắc Cực sẽ có nguy cơ khiến tình hình có thể vượt khỏi tầm kiểm soát.

TTXVN/Báo Tin tức

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Liên hợp quốc cảnh báo nguy cơ nạn đói ở Dải Gaza

Liên hợp quốc cảnh báo nguy cơ nạn đói ở Dải Gaza

Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) phụ trách điều phối các vấn đề nhân đạo và cứu trợ khẩn cấp Martin Griffiths ngày 16/5 cho biết người dân ở Dải Gaza đang đối diện với nạn đói khi các nguồn lương thực cạn kiệt, đồng thời cho rằng chiến dịch của Israel ở thành phố Rafah gây ra nhiều khó khăn cho việc lập kế hoạch và phân phối hàng cứu trợ.

Tân Thủ tướng Singapore nhậm chức

Tân Thủ tướng Singapore nhậm chức

Ông Lawrence Wong, 51 tuổi, tối nay (15/5) sẽ tuyên thệ nhậm chức với tư cách là Thủ tướng thứ 4 của Singapore, hoàn thành quá trình chuyển giao quyền lực được chuẩn bị kỹ lưỡng để đảm bảo tính liên tục tại quốc đảo giàu có này.

Số ca nhập viện do Covid-19 tại Thái Lan tăng

Số ca nhập viện do Covid-19 tại Thái Lan tăng

Số ca nhập viện do mắc Covid-19 đang có xu hướng tăng cao tại Thái Lan, tuy nhiên tình hình không đáng lo ngại do vẫn nằm trong mức độ đã được dự báo và ở mức kiểm soát được. Cục Kiểm soát dịch bệnh Thái Lan vừa công bố số liệu từ 5-11/5, nước này có 1.880 ca nhập viện do nhiễm Covid-19, trong đó, có 11 ca tử vong, hầu hết là người cao tuổi.

Kuwait thành lập chính phủ mới

Kuwait thành lập chính phủ mới

Theo hãng thông tấn chính thức KUNA, ngày 12/5, Quốc vương Kuwait Sheikh Meshaal Al-Ahmad Al-Jaber Al-Sabah đã ban hành sắc lệnh, trong đó thông báo về việc thành lập nội các mới do Thủ tướng mới được chỉ định, Sheikh Ahmad Abdullah Al-Ahmad Al-Sabah, đứng đầu.

fb yt zl tw