LCĐT - Khi đã sẵn sàng bỏ thuốc lá, chắc chắn bạn sẽ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong những ngày đầu. Cai thuốc lá không phải là việc dễ dàng nhưng cũng không quá khó khăn nếu bạn thực hiện một số thay đổi nhỏ trong lối sống hằng ngày.
Theo các chuyên gia y tế, thuốc lá là nguyên nhân của 87% ca tử vong vì ung thư phổi và 5,1 triệu người chết do hút thuốc lá chủ động. Ngoài ra, thuốc lá còn gây nhiều vấn đề về sức khỏe như bệnh tim mạch vành, hô hấp. Thậm chí, hút thuốc lá còn ảnh hưởng đến sức khỏe của những người xung quanh. Trao đổi về vấn đề này, Bác sỹ Chuyên khoa 1 Nông Đình Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế, Trưởng Ban chỉ đạo Phòng, chống tác hại của thuốc lá tỉnh Lào Cai cho biết: Khi đã sẵn sàng bỏ thuốc lá, người hút thuốc sẽ gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt trong những ngày đầu. Vì vậy, người hút thuốc cần kiên trì, giữ vững niềm tin, nghị lực để có thể cai thuốc lá hiệu quả, bảo vệ sức khỏe của bản thân cũng như những người xung quanh. Cụ thể cần:
Tránh xa những thứ liên quan đến thuốc lá
Khi đã quyết tâm cai thuốc, người hút hãy ném bỏ gạt tàn thuốc và bật lửa. Giặt quần áo, làm sạch thảm, rèm cửa và nệm ghế để nhà bạn thoát khỏi mùi của thuốc lá. Ngoài ra, bạn không nên đến những chỗ hút thuốc lá để tránh nhìn hoặc ngửi thấy mùi.
Tránh xa rượu, bia
Rượu, bia là một trong những cản trở lớn nếu bạn muốn bỏ thuốc lá. Chúng chứa các chất kích thích tác động lên não bộ, phá vỡ sự kiềm chế, khiến bạn dễ dàng lung lay ý định cai thuốc. Do đó, nếu bạn muốn cai thuốc lá, hãy tránh uống rượu, bia.
Hạn chế caffeine
Caffeine giúp bạn tỉnh táo vào buổi sáng hoặc khi mệt mỏi. Tuy nhiên, caffeine có thể làm cho một số người cảm thấy căng thẳng, bồn chồn. Những ảnh hưởng này có thể tăng lên khi bạn đang trong giai đoạn cai nghiện thuốc lá. Nếu caffeine ảnh hưởng tiêu cực đến bạn, hãy thử hạn chế để giảm bớt căng thẳng, mệt mỏi.
Không ăn thịt
Tiêu thụ quá nhiều thịt đỏ làm tăng nguy cơ ung thư, đặc biệt ở những người hút thuốc. Ngoài ra, thịt đỏ còn kích thích hương thơm của thuốc lá, khiến bạn cảm thấy thèm thuốc hơn.
Tránh xa thực phẩm nhiều dầu mỡ, chất béo
Khi bỏ thuốc, bạn nên thay đổi thói quen ăn uống hàng ngày. Ngừng hút thuốc có thể khiến tốc độ trao đổi chất của cơ thể chậm lại, dễ dẫn đến tăng cân. Vì vậy, bạn cần cắt giảm các thực phẩm không lành mạnh, giàu chất béo, nhiều dầu mỡ, đồ ăn nhanh để cơ thể trao đổi chất trở lại với tốc độ bình thường của nó, tránh tăng cân.
Thay thế bằng các sản phẩm khác
Khi dừng hút thuốc, cơ thể sẽ ngay lập tức gặp phải hiện tượng “thiếu nicotine” dẫn đến bồn chồn, lo lắng, bứt rứt, khó chịu. Điều này sẽ khiến cơn thèm thuốc tăng cao, thôi thúc bạn hút trở lại. Trong trường hợp này, bạn nên sử dụng một số sản phẩm có hàm lượng nicotine tương đương để thay thế như kẹo cao su, thuốc viên hoặc miếng dán.
Cảnh giác với tâm trạng xấu
Các cảm xúc tiêu cực như: Trầm cảm, tức giận, thất vọng là một trong những lý do phổ biến khiến bạn hút thuốc trở lại. Tâm trạng xấu có thể xảy ra với mọi người. Rất có thể bạn sẽ phải trải qua những cảm xúc tiêu cực này trong vài tuần đầu tiên bỏ thuốc. Hãy tham gia các hoạt động cùng bạn bè hoặc bất kỳ hoạt động nào mà bạn thích, những việc làm này sẽ cải thiện tâm trạng của bạn khiến bạn phân tâm và ít muốn hút thuốc lá hơn.
Khi vượt qua được hai tuần đầu tiên, người hút thuốc lá đã có hy vọng bỏ thuốc thành công. Nhưng đây là khoảng thời gian rất dễ tái hút thuốc lá, tái nghiện, thậm chí có những người hút nhiều hơn, nghiện nặng hơn trước lúc bỏ. Vì vậy người hút thuốc cần duy trì thói quen tốt về cả nhận thức và hành động, cần có quan điểm rõ ràng, nghị lực vững vàng để không bị cám dỗ hút thuốc trở lại.