LCĐT - Sau đợt rét đậm kéo dài, nắng đã bừng lên trên bầu trời Si Ma Cai. Trong gian nhà vách đất ở thôn Sản Chúng, xã Sín Chéng, già làng Giàng A Vẩu lần giở những tờ lịch cuối cùng của một năm. Với ông, việc xem ngày lập xuân quan trọng lắm, vì ông cũng như bao hộ đồng bào Mông nơi đây đang đợi chờ những “sứ giả mùa xuân” từ phương xa bay đến ngôi nhà mình mang theo phúc lộc, điềm lành về một năm mới thịnh vượng. Từ bao năm nay, khi mùa xuân đến là hàng vạn con én lại bay về thung lũng Sín Chéng để làm tổ bên khung cửa gỗ chuẩn bị cho mùa sinh sôi, một điều vô cùng đặc biệt và hiếm gặp trên mảnh đất “vòm nhô sông Chảy”.
Chim én về xôn xao
Sản Chúng và Sản Sín Pao là hai thôn người Mông nằm giáp nhau ở trung tâm xã Sín Chéng, ôm trọn lấy chợ Sín Chéng, nhìn ra bốn bên là ruộng bậc thang và những dãy núi đá cao chót vót. Ngày cuối năm, tôi đến thăm nhà Giàng Seo Giáo, một thầy giáo trẻ sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này. Nhấp chén chè nóng, phà hơi thở sương bay, nhìn ra bầu trời đang dần hửng nắng, Giàng Seo Giáo bảo, ở thôn đồng bào Mông này, chỉ ngồi trong nhà, không cần nhìn hoa đào nở cũng đã nghe được âm thanh mùa xuân đến.
![]() |
Đồng bào Mông luôn dạy con cháu bảo vệ “sứ giả mùa xuân”. |
Tôi chưa kịp hỏi vì sao, thì anh Giàng Seo Giáo đã làm hiệu đặt tay lên môi để giữ im lặng, rồi hỏi anh có nghe thấy tiếng chim kêu ríu rít ngoài kia không? Đó là tiếng kêu của bầy én mới từ phương xa bay về nhà mình đấy. Năm nào cũng vậy, khi mùa xuân tới, hàng trăm con chim én theo nhau bay về thung lũng Sín Chéng xây tổ. Điều đặc biệt là chúng không làm tổ trong hang, mà đều xây tổ ngay dưới mái ngói, hiên nhà của đồng bào Mông trong thôn. Khi mới bay về, chúng thường chao liệng quanh nhà, đậu ở dây phơi quần áo hay dây điện trước nhà, kêu ríu rít như bản hợp ca chào và xin phép gia chủ. Không biết từ bao giờ, ở Sản Chúng và Sản Sín Pao, người Mông và chim én sống cùng nhau trong một ngôi nhà như anh em, họ hàng.
Nghe anh Giàng Seo Giáo nói chuyện, tôi vô cùng ngạc nhiên vì đã đến rất nhiều thôn, bản vùng cao Lào Cai nhưng hiếm có nơi nào lại có chim én về nhà người dân xây tổ như vậy. Anh Giáo chỉ cho tôi xem tổ én cũ bằng đất vẫn còn ở trên hiên nhà mình. “Én là loài chim rất thông minh, chúng thường chọn vị trí làm tổ ở dưới mái ngói ngay trước cửa nhà, hiên nhà nơi có nhiều người qua lại, nhưng mèo, chuột không thể trèo tới được. Khi đã chọn được vị trí, chim bố, mẹ kiên trì tha bùn, đất về xây tổ và mỗi năm đẻ hai lứa vào tháng 3 và tháng 6 âm lịch. Mỗi lứa chúng đẻ từ 4 - 5 trứng. Mùa đông trên này rất lạnh, chim én thường bay đi tránh rét, nhưng khi xuân đến lại tìm về tổ cũ chuẩn bị cho mùa sinh sản. Ngay cả khi tổ cũ chẳng may bị rơi, bị vỡ, chúng cũng không bỏ đi, mà cùng nhau “sửa sang, xây ngôi nhà mới”, Giàng Seo Giáo chia sẻ. Tìm hiểu thêm, tôi được biết, không chỉ nhà Giàng Seo Giáo, mà các ngôi nhà quanh đó, như nhà anh Giàng A Phàng, Giàng A Phừ, Giàng A Nụ, Ly Seo Chẩn… mỗi nhà đều có 2 tổ chim én. Nhà Ly Seo Chẩn mới xây xong chưa lâu đã có đôi én mới bay về làm tổ. Tuy nhiên, chỉ ở hai thôn Sản Chúng, Sản Sín Pao mới có hiện tượng đặc biệt này.
Bảo vệ “sứ giả mùa xuân”
Câu chuyện về hai thôn người Mông ở xã Sín Chéng có chim én về làm tổ khiến tôi rất tò mò. Điều kỳ lạ là đồng bào Mông ở đây không bắt và không ăn thịt chim én bao giờ. Già làng Giàng A Vẩu, người trước đây đã có nhiều năm làm Trưởng thôn Sản Chúng chia sẻ: Theo quan niệm của người Mông ở đây, chim én là “sứ giả” của mùa xuân, từ phương Nam tới, mang đến phúc lộc, điềm lành. Nhà nào có chim én làm tổ sẽ gặp nhiều may mắn, làm ăn phát đạt, cuộc sống ấm no. Người Mông coi chim én như anh em trong gia đình đời trước. Đôi én nào làm tổ trước cửa nhà, trong nhà thì là anh em, họ hàng trong gia tộc, còn đôi én nào làm tổ sau nhà, trái nhà thì là anh em hàng xóm, láng giềng ngoài gia tộc. Đời này qua đời khác, ông bà, bố mẹ trong gia đình đều dạy bảo con cháu phải bảo vệ chim én, không được phá tổ, bắt chim, việc ăn thịt chim én là điều kiêng kị.
![]() |
Thôn Sản Chúng, Sản Sín Pao bình yên giữa núi rừng Sín Chéng. |
Tôi theo chân Giàng Seo Giáo và già làng Giàng A Vẩu đi thăm một số hộ dân trong thôn. Cách chợ Sín Chéng không xa là nhà của cặp vợ chồng trẻ Giàng A Phàng và Lừu Thị Dí. Gặp tôi, anh Phàng tươi cười: “Ngôi nhà gỗ vách đất này, bố mẹ em làm cách đây gần 20 năm. Ngay từ khi còn nhỏ, em đã thấy có chim én bay về làm tổ trước cửa nhà. Ông bà, bố mẹ em đều bảo, chim én về nhà làm tổ là điềm lành, không được chọc phá tổ. Khi em lớn lên, mỗi mùa xuân đều thấy chim én bay về nhà mình ríu rít xây tổ. Nhìn cặp vợ chồng chim én yêu thương nhau và chăm sóc đàn con, em thấy chim én sống với nhau rất hòa thuận, hạnh phúc, bình yên. Qua bao mùa đào nở, có lẽ đã có cả trăm con én nhỏ được sinh ra dưới mái hiên nhà này”.
Anh Giàng A Phàng cũng kể chuyện vợ chồng chim én hiền lành, nhưng rất dũng cảm khi đàn con bị đe dọa. Một lần, đang ngồi trong nhà, anh nghe thấy tiếng chim én kêu nháo nhác ngoài sân, thì ra có chú én non mới tập bay bị mưa ướt cánh rơi xuống sân nhà. Lúc đó, có con mèo rình vồ chim non, bị chim én bố mẹ từ trên cao bất chấp nguy hiểm lao xuống mổ tới tấp vào đầu để cứu con. Sợ chim non gặp nguy hiểm, anh Phàng đã “giải cứu” chú én nhỏ. Nhìn chim bố mẹ nâng cánh cho chim non bay vững vàng hơn trên bầu trời mà thấy cảm phục loài chim nhỏ bé, hiền lành, nhưng rất tình cảm này. Ở Sản Chúng, Sản Sín Pao, có nhiều gia chủ người Mông còn chủ động đan giỏ, đóng bát nhựa lên chỗ chim én làm tổ để tổ chúng vững chắc hơn, đề phòng chim non rơi xuống đất.
Chuyện ở nơi “đất lành”
Trong câu chuyện tản mạn về thôn Sản Chúng, Sản Sín Pao, già làng Giàng A Vẩu bảo, các cụ ngày xưa nói “đất lành chim đậu” quả không sai. Trong lịch sử hai thôn cũng đã trải qua nhiều thăng trầm, nhưng đời sống nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc. Nhớ lại cách đây hơn hai chục năm, thôn Sản Chúng có hai lần bị hỏa hoạn, khiến 14 ngôi nhà gỗ bị “giặc lửa” thiêu rụi. Nhưng may mắn, mọi người sơ tán kịp thời, không có ai bị thương. Từ đó đến nay, vượt qua nhiều gian khó, đồng bào Mông ở đây đã giúp nhau xây dựng lại bản làng ngày càng ấm no, sung túc.
![]() |
Già làng Vàng Seo Vẩu kể về những thăng trầm của mảnh đất này. |
Khi hỏi chuyện, ông Vàng A Vảng, Bí thư Đảng ủy xã Sín Chéng phấn khởi khoe: Mùa xuân mới này, Sín Chéng được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới với nhiều kết quả đáng tự hào. Mấy năm gần đây, đồng bào Mông ở cửa ngõ Sín Chéng không chỉ giỏi cấy lúa, trồng ngô cho năng suất cao, mà nhiều hộ còn tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng nông thôn mới. Điển hình là thôn Sản Chúng, Sản Sín Pao có 4 hiệu sửa chữa xe máy, 4 cửa hàng điện tử, điện dân dụng, 12 hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống, cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ, 4 cơ sở sản xuất, buôn bán vật liệu xây dựng… Riêng thôn Sản Chúng từ năm 2015 đến nay đã giảm 22 hộ nghèo, giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ hằng năm đều đạt trên 500 triệu đồng. Hiện nay, hai thôn chỉ còn 25 hộ nghèo, chiếm trên 10% tổng số hộ dân.
Lúc chia tay tôi, già làng Giàng Seo Vẩu nhìn ra khung trời nơi đàn én đang “đưa thoi” và cười hỉ hả: Mùa xuân năm nay, chim én về sớm hơn, ngày Tết cũng vui hơn hẳn vì xã Sín Chéng đạt nông thôn mới. Đồng bào Mông khắp vùng đất Si Ma Cai sẽ nô nức về đây tham gia Lễ hội Gầu tào ở thôn Sản Sín Pao. Sau Lễ hội Gầu tào, bà con lại cùng nhau tổ chức lễ cúng rừng đầu năm, cầu thần rừng phù hộ cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, người an, vật thịnh. Khi nào chim én còn về đây xây tổ, thì già tin rằng, đồng bào Mông ở đây sẽ xây được mọi ước mơ.