Vụ xuân 2024, toàn huyện Bảo Yên gieo cấy 2.600 ha lúa, hiện nay, lúa trà sớm đang giai đoạn phơi màu - ngậm sữa; trà chính vụ giai đoạn làm đòng - trỗ bông - phơi màu; trà muộn giai đoạn đứng cái - làm đòng. Những ngày qua, thời tiết trên địa bàn huyện diễn biến phức tạp, mưa nắng đan xen, độ ẩm cao, thuận lợi cho cây trồng sinh trưởng nhưng cũng là điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh phát sinh và gây hại. Đặc biệt, rầy lưng trắng đã phát sinh và gây hại mạnh trên nhiều diện tích lúa xuân trên địa bàn huyện.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp huyện, rầy lưng trắng đã xuất hiện và gây hại trên diện tích 201,5 ha (trong đó có 131,5 ha nhiễm nhẹ; 49 ha nhiễm trung bình và 21 ha nhiễm mức độ nặng). Diện tích lúa nhiễm rầy lưng trắng phân bố tại: Xã Xuân Hòa (31,3 ha); Vĩnh Yên (44 ha); Minh Tân (18 ha); Phúc Khánh (18,5 ha); Thượng Hà (15 ha); Bảo Hà (7,2 ha); Điện Quan (7 ha); Yên Sơn (6,5 ha); Tân Tiến (5 ha); Lương Sơn (12 ha); Tân Dương (16,5 ha); Xuân Thượng (4,5 ha); Nghĩa Đô (16 ha); Việt Tiến (6 ha); Cam Cọn (2 ha); Kim Sơn (2 ha).
Kiểm tra thực tế đồng ruộng cho thấy, rầy lưng trắng phát sinh gây hại với mật độ trung bình 800 con/m2, cao 1.500 con/m2, cục bộ có nơi phát hiện trên 5.000 con/m2. Ngay khi phát hiện rầy lưng trắng xuất hiện và gây hại trên diện rộng, nông dân các địa phương trên địa bàn huyện Bảo Yên đã chủ động triển khai các biện pháp phòng, trừ, hạn chế thiệt hại.
Cách đây một tuần, khi phát hiện rầy lưng trắng xuất hiện tại khu ruộng của gia đình, bà Hoàng Thị Hay ở bản 3 Phàng, xã Điện Quan đã ra cửa hàng vật tư nông nghiệp trên địa bàn xã mua thuốc bảo vệ thực vật về phun. Không chỉ chủ động phun thuốc trừ rầy lưng trắng trên diện tích ruộng của nhà mình, bà Hay còn thông báo cho các hộ có ruộng cùng cánh đồng kiểm tra lúa để phun thuốc trừ rầy kịp thời, tránh để rầy lưng trắng phát triển và gây hại trên diện rộng.
Bà Hay cho biết: Đa số diện tích lúa đang ở giai đoạn làm đòng, chuẩn bị trổ bông, đây là giai đoạn quyết định đến năng suất lúa nên cần phải theo dõi sát và phòng trừ dịch bệnh kịp thời. Hiện nay có rất nhiều thuốc đặc trị rầy lưng trắng, nếu nông dân thường xuyên bám đồng ruộng, phát hiện sớm, phun thuốc kịp thời thì năng suất lúa không bị ảnh hưởng. Việc phun thuốc bảo vệ thực vật đồng loạt cũng rất quan trọng nhằm tránh rầy lưng trắng gây hại trên diện rộng. Sau khi phun thuốc, kiểm tra không còn rầy lưng trắng, tôi đã bổ sung phân bón nên hầu hết diện tích lúa đã hồi xanh, phát triển tốt.
Do ruộng cách xa nhà nên chị Lý Thị Viện ở bản 4 Mai Đào, xã Thượng Hà chỉ phát hiện rầy lưng trắng gây hại khi lúa vàng lá. Không chỉ bị rầy lưng trắng gây hại, một số diện tích lúa của gia đình chị Viện còn bị bệnh đạo ôn tấn công. Chị Viện cho biết: Khi tôi phát hiện thì diện tích lúa đã bị nhiễm rầy và đạo ôn khá nặng. Ngay sau đó tôi mua thuốc về phun, đến nay khu ruộng không còn rầy lưng trắng nhưng bệnh đạo ôn vẫn chưa khỏi, diện tích lúa hồi xanh khá chậm, một số diện tích nhiễm bệnh nặng có lẽ khó hồi phục. Tôi đang tiếp tục theo dõi sát ruộng đồng để bón phân, phun thuốc bảo vệ kịp thời, giảm thấp nhất thiệt hại do rầy lưng trắng và bệnh đạo ôn gây nên.
Không chỉ bà Hay, chị Viện mà hầu hết nông dân ở xã Điện Quan, xã Thượng Hà và các địa phương khác trên địa bàn huyện Bảo Yên đều rất chủ động trong việc theo dõi đồng ruộng, nắm bắt tình hình dịch bệnh để triển khai các biện pháp phòng, trừ kịp thời.
Bà Trịnh Thị Duyên, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Yên thông tin: Đến thời điểm hiện tại, nông dân các xã đã phun thuốc phòng, trừ đồng loạt 100% diện tích lúa nhiễm rầy lưng trắng. Với việc triển khai các biện pháp phòng trừ chủ động, kịp thời, diện tích lúa nhiễm rầy lưng trắng cơ bản được khống chế. Tuy nhiên, với diễn biến bất thường của thời tiết, nắng nóng đan xen mưa lớn kéo dài, ẩm độ cao, rầy lưng trắng và một số loại sâu, bệnh hại dễ phát triển và gây hại trên diện rộng.
Để chủ động phòng, trừ và giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do rầy lưng trắng và các loại sâu bệnh hại trên lúa, ngành nông nghiệp huyện Bảo Yên khuyến cáo nông dân cần thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sâu bệnh hại sớm, phòng, trừ kịp thời, hiệu quả. Thực hiện phun thuốc bảo vệ thực vật tuân thủ theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc; đúng nồng độ, liều lượng; đúng lúc; đúng cách). Đối với những diện tích lúa bị vàng lá, suy yếu do rầy chích hút, sau khi phun thuốc trừ rầy cần kết hợp các biện pháp chăm sóc, bón bổ sung dinh dưỡng kết hợp phun phân bón qua lá, tạo điều kiện cho cây lúa phục hồi phát triển.