Bánh Mì Xin Chào, niềm tự hào ẩm thực hương vị Việt trên đất Nhật

Đồng hành với Bánh Mì Xin Chào -­ một thương hiệu ghi dấu nét đặc sắc ẩm thực Việt tại Nhật Bản - từ những ngày khởi đầu, doanh nhân Lê Nguyễn, Giám đốc Công ty Senkyu (có nghĩa là “cảm ơn”) ở thủ đô Tokyo đã hỗ trợ tích cực để góp phần giúp thương hiệu này nhân rộng lên 16 cửa hàng và chi nhánh ở nhiều nơi trên đất nước mặt trời mọc.

nhk-phong-van-duy-tam-6404.jpg.jpg
Nam diễn viên nổi tiếng Horii Arata (giữa) của Đài truyền hình NHK-Nhật Bản, đến ghi hình, phỏng vấn anh em Thanh Tâm - Thanh Duy, hai người đồng sáng lập Bánh Mì Xin Chào ở Tokyo, Nhật Bản - năm 2020.

Lai lịch một thương hiệu bánh mì hương vị Việt ở xứ Phù Tang

Tròn 7 năm trước (tháng 10/2016), Bánh Mì Xin Chào được khai sinh tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản bởi hai người con xứ Quảng. Hai anh em ruột Bùi Thanh Duy (sinh năm 1986) và Bùi Thanh Tâm (1991) - đều là con thứ trong một gia đình nông dân đông con ở huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) - đã khởi nghiệp bằng món ẩm thực Việt mang thương hiệu thuần Việt Bánh Mì Xin Chào.

Xuất phát điểm của món ẩm thực hương vị Việt này nhen nhóm từ mùa hè năm 2015, khi Bùi Thanh Tâm đang là sinh viên năm thứ 3 Khoa Kinh tế, Đại học Yokkaichi, tỉnh Mie (Nhật Bản), trong chuyến du lịch lên Tokyo, tình cờ phải xếp hàng để mua được suất bánh mì doner kebab (một loại bánh mì của Thổ Nhĩ Kỳ). Liên tưởng đến ổ bánh mì Việt truyền thống - thời điểm ấy vừa được kênh truyền hình CNN của Mỹ bình chọn là “Một trong 10 món ăn đường phố ngon nhất thế giới” - Thanh Tâm đã nảy ra ý tưởng xây dựng một thương hiệu bánh mì của riêng mình, với mục tiêu mang tất cả hương vị của bánh mì Hội An, từ pate, chả bò, thịt xá xíu, dưa chua, thịt nguội, chả, nước sốt, hành, ngò... tạo thành hương vị Việt đặc trưng, chinh phục thực khách Nhật Bản.

Với sự hợp sức của người anh trai Bùi Thanh Duy (một cựu sinh viên cùng trường, lúc đó đang là nhân viên một công ty ở thành phố Osaka, cách Tokyo hơn 500km), bằng nguồn vốn ban đầu là số tiền cưới của vợ chồng Bùi Thanh Duy, vay mượn thêm gia đình và đóng góp từ cộng đồng người Việt tại Nhật Bản.

Mất nửa năm để hai anh em Thanh Tâm - Thanh Duy tìm kiếm mặt bằng và cũng bằng ấy thời gian để vượt qua những thách thức về thủ tục pháp lý, các đợt kiểm tra để có được chứng nhận của Hiệp hội An toàn vệ sinh thực phẩm Nhật Bản, tiệm Bánh mì Xin chào (mặt bằng chỉ 22m²) đã chính thức ra mắt ở tầng trệt trên con phố đông đúc, sầm uất Waseda Dori ở khu Takadanobaba, quận Shinjuku ngay trung tâm thủ đô Tokyo.

Thực tế khởi nghiệp Bánh mì Xin chào sau nửa năm được Tâm cụ thể hóa trong luận văn tốt nghiệp đại học của mình (tháng 4/2017) và bản luận văn được chấm xuất sắc nhất khoa năm ấy. Tờ Thời báo Inichi vì ấn tượng đã đến tận trường để phỏng vấn Bùi Thanh Tâm về chuyện khởi nghiệp của chàng sinh viên người Việt vừa qua tuổi 26. Truyền thông Nhật Bản sau đó cũng nhắc khá nhiều tới Bánh Mì Xin Chào .

duy-tam-banmixichao-3195.jpg.jpg
Cửa hàng Bánh Mì Xin Chào của hai anh em Thanh Duy - Thanh Tâm được giới thiệu trên nhật báo Chunichi (Nhật Bản).

Sau khi hai anh em Thanh Duy - Thanh Tâm thành lập doanh nghiệp Startup Bánh Mì Xin Chào (công ty đăng ký kinh doanh tại Tokyo ngày 9/9/2016, với số vốn điều lệ 5 triệu yên Nhật, tương đương khoảng 35.000USD), doanh nhân Lê Nguyễn (Lê Duy Lung) - Giám đốc Senkyu Group đã quyết định đồng hành cùng dự án khởi nghiệp này. Hiện Senkyu là một đối tác kinh doanh “hữu cơ” của Bánh Mì Xin Chào và doanh nhân Lê Nguyễn là thành viên Hội đồng quản trị duy nhất được giới thiệu (trong mục “Ban Lãnh đạo”) trên website chính thức của Bánh Mì Xin Chào (tại địa chỉ: banhmixinchao.co.jp).

Doanh nhân Lê Nguyễn cùng Công ty Senkyu Group (đơn vị có tiếng trong việc đưa các mặt hàng nông, thủy sản Việt Nam vào Nhật Bản) của mình đã “một mũi tên trúng hai đích”: Đưa ẩm thực đường phố Việt Nam đến gần hơn với người dân Nhật; và Tận dụng được thế mạnh của các trang mạng xã hội, các group (hội nhóm) cộng đồng với hàng triệu thành viên ở Nhật Bản để quảng bá thương hiệu Việt Nam, làm lớn hơn thương hiệu Bánh Mì Xin Chào.

thuong-thuc-bmxc-8676.jpg.jpg
Thực khách người Nhật háo hức thưởng thức Bánh Mì Xin Chào - hương vị ẩm thực Việt.

Bằng sự chỉn chu về chất lượng, bánh mì kẹp của Bánh Mì Xin Chào được đánh giá dễ ăn, dễ mang đi, nguyên liệu bảo đảm nên đã chinh phục được khách hàng ở Nhật vốn chịu nhiều áp lực về công việc và tần suất di chuyển. Việc tìm đến món ăn mang hương vị quê hương với chi phí hợp lý của cộng đồng người Việt ở Nhật cũng khá đông đảo (với gần 430.000 người đang học tập, tu nghiệp và làm ăn sinh sống trên khắp Xứ Phù Tang), cũng giúp các cửa hàng Bánh Mì Xin Chào vận hành và tăng trưởng doanh thu mỗi ngày.

Câu slogan của Bánh Mì Xin Chào là “Taste banh mi, Taste Viet Nam” (Nếm bánh mì - Nếm hương vị Việt Nam) cũng chính là tâm nguyện của hai nhà sáng lập gửi đến từng khách hàng người Việt xa xứ cũng như thực khách Nhật Bản. Không chỉ thực khách người Việt, nhiều khách hàng Nhật Bản đã tỏ ra thích thú với Bánh Mì Xin Chào, bởi món ăn này vừa tiện lợi mà hương vị lại không kém phần hấp dẫn. Đến nay, “Team” Bánh Mì Xin Chào với khá nhiều du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản tham gia, đã hoạt động hết công suất với 16 cửa hàng và chi nhánh trên toàn xứ Phù Tang.

Tương lai rộng mở

Là người Việt, bán món ăn Việt thì có cần đầu tư hay không? Câu trả lời của ông Lê Nguyễn là có. Để làm ra một chiếc bánh mì mang đậm hương vị Việt, doanh nghiệp phải tự trồng rau thơm trên đất Nhật; các nguyên liệu khác như thịt, giò, chả đơn vị cũng phải tự làm. Riêng bánh mì, đội ngũ nghiên cứu và phát triển (R&D) của Bánh Mì Xin Chào phải trải qua thử nghiệm nhiều lần mới có công thức hoàn chỉnh và tiến hành đặt hàng riêng với nhà máy để sản xuất mỗi ngày.

804ff6b6e6f731a968e6-5495.jpg.jpg
Doanh nhân Lê Nguyễn (bìa trái) và Bùi Thanh Tâm (thứ hai từ trái sang) - CEO của Bánh Mì Xin Chào - tại lễ khai trương thêm một cửa hàng trên đất Nhật Bản.

Sản phẩm bánh mì của chuỗi cửa hàng Bánh Mì Xin Chào theo định kỳ đều được các chuyên gia ẩm thực, các giảng viên có chuyên môn ẩm thực tại các trường đại học uy tín thẩm định và gợi ý, đề xuất những cải tiến để ngày càng tốt hơn. Và từ hơn một năm trở lại đây, Bánh Mì Xin Chào cũng đã xuất hiện và đồng hành trong một số chuỗi nhà hàng, siêu thị tên tuổi, như: Aeon, Donkihote, Ito Yokado,... ở Nhật.

Bánh Mì Xin Chào bắt đầu nhượng quyền thương mại vào năm 2018 (với cửa hàng tại thành phố Kobe) và đặt dấu mốc mới cho ẩm thực hương vị Việt trên bản đồ ẩm thực Nhật Bản. Hiện tại, sau tròn 7 năm khởi nghiệp, Bánh Mì Xin Chào từ một cửa hàng đầu tiên tại Tokyo đã mở rộng mạng lưới lên 16 cửa hàng và chi nhánh trên toàn quốc (trong đó 5 cửa hàng Bùi Thanh Tâm trực tiếp quản lý và 10 cửa hàng nhượng quyền thương mại được vận hành hơn một năm trở lại đây).

banh-mi-xincao-ch-nhuongquyen-2277.jpeg.jpg
Cửa hàng Bánh Mì Xin Chào nhượng quyền thương mại ở Sapporo (Nhật Bản).

Bánh Mì Xin Chào đã khẳng định được chất lượng, hiện sản phẩm đang nằm trong nhóm dẫn đầu ngành dịch vụ thực phẩm và đồ uống (F&B) tại Nhật Bản, được nhiều người tiêu dùng biết đến, xuất hiện trên các kênh truyền hình Nhật Bản và một số quốc gia khác. Thời gian tới, chúng tôi sẽ không ngừng củng cố hình ảnh, mẫu mã cũng như nâng cao chất lượng Bánh Mì Xin Chào để món ẩm thực đường phố đặc sắc của Việt Nam đến gần hơn với khách hàng Nhật Bản”, doanh nhân Lê Nguyễn chia sẻ.

7445354fff3c2862712d-8684.jpg.jpg
Bánh Mì Xin Chào - hương vị ẩm thực Việt - có mặt trong một siêu thị lớn ở Tokyo (Nhật Bản).

Tổng doanh thu năm 2020 của chuỗi tiệm Bánh Mì Xin chào (bao gồm cả phí nhượng quyền 20.000USD/cửa hàng, thời hạn 5 năm) đạt 550.000USD; năm 2021 là 950.000USD; và năm 2022 là 1.450.000USD (tức tăng trưởng 152% đến 170% trong 3 năm liên tục); lợi nhuận trước thuế bình quân các cửa hàng đạt 11% (mức tương đối cao tại Nhật). Khả năng doanh thu đạt trên 2.000.000 USD khi kết thúc năm 2023 là hiện thực.

Bánh Mì Xin Chào đặt mục tiêu năm 2025 đạt mốc 50 cửa hàng với 6.000.000 USD doanh thu. Cơ sở để hiện thực hóa mốc mục tiêu trong tương lai gần kể trên là bởi, ngày 3/10 vừa qua, Bùi Thanh Tâm - CEO của Bánh Mì Xin Chào - đã thành công trong thương vụ gọi vốn (trong Chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 6 của VTV) từ nhà đầu tư Nguyễn Hoà Bình (được biết đến với cái tên “Shark Bình”, sinh năm 1981, Chủ tịch Hội đồng quản trị NextTech Group - một hệ sinh thái với gần 30 nền tảng công nghệ tại Việt Nam cùng 5 thị trường khác ở Đông Nam Á và Trung Quốc) cho việc phát triển, mở rộng thương hiệu ẩm thực Việt đặc sắc này trong vòng 2 năm tới tại Nhật Bản.

111cc4180e6bd935807a-9310.jpg.jpg
Rất đông thực khách trong một tiệm Bánh Mì Xin Chào ở Tokyo (Nhật Bản).

Với đánh giá, thương hiệu Bánh Mì Xin Chào hiện tại có giá trị tương đương 2.000.000USD, Shark Bình đã chốt thương vụ đầu tư 500.000 USD (bằng 15% cổ phần của Bánh Mì Xin Chào) cho mục tiêu trong vòng 2 năm phải tăng chuỗi Bánh Mì Xin Chào lên 50 cửa hàng cộng thêm 01 xe food-truck (xe bán bánh mì lưu động) và 01 flagchip store (kho thực phẩm); hết 2 năm nếu đạt mục tiêu, Shark Bình sẽ đầu tư thêm tối thiểu 2.000.000 USD để phát triển vòng sau. Còn nếu không hoàn thành mục tiêu thì Bùi Thanh Tâm phải nhường lại cho Shark Bình thêm 10% cổ phần.

banh-mi-xinchao-foodtruck-1066.jpeg.jpg
CEO của Bánh Mì Xin Chào, Bùi Thanh Tâm bên chiếc xe bán hàng lưu động tại Tokyo.

Có lẽ, do từng lấy bằng thạc sĩ tại Đại học Osaka (Nhật Bản) chuyên ngành tin học đô thị, nên Shark Bình dễ đồng cảm và có niềm tin sẽ trở thành tri kỷ của Bánh mì Xin Chào để cùng chung tay hiện thực hóa khát vọng quảng bá ẩm thực Việt Nam ra thế giới.

Báo Nhân Dân

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Việt Nam phải làm chủ công nghệ đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Việt Nam phải làm chủ công nghệ đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Đại biểu Quốc hội lo ngại, nếu dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam lại tiếp tục đấu thầu chọn nhà cung cấp nước ngoài như đã làm với các tuyến đường sắt đô thị thì rủi ro về thời gian chưa biết khi nào hoàn thành, vốn có thể đội lên... Do đó, đề nghị phải thực hiện theo phương thức chuyển giao công nghệ.

Báo Trung Quốc đánh giá cao thị trường tiêu dùng trực tuyến của Việt Nam

Báo Trung Quốc đánh giá cao thị trường tiêu dùng trực tuyến của Việt Nam

Tờ Nhật báo Kinh tế (Trung Quốc) mới đây đăng bài viết với nhan đề “Tiêu dùng trực tuyến Việt Nam bước vào giai đoạn tăng trưởng”, dẫn báo cáo của hãng nghiên cứu dữ liệu Metric, cho thấy 3 quý đầu năm, doanh số của 5 nền tảng thương mại điện tử lớn đạt 227.700 tỷ đồng, tăng 37,66% so cùng kỳ năm ngoái.

"Quả ngọt" đơm hoa trên núi đá

"Quả ngọt" đơm hoa trên núi đá

Hơn 10 năm trước, anh Chấu Seo Câu ở thôn Sả Séng là người đầu tiên của xã Tả Ngài Chồ (huyện Mường Khương) chuyển đổi một số diện tích trồng ngô sang trồng quýt sen. Tới nay, gia đình anh Câu có hơn 4 ha quýt, với giá bán trung bình 15.000 đồng/kg, giá trị thu hoạch mỗi vụ đạt khoảng 200 triệu đồng. Hiện, gia đình anh Câu đã thoát nghèo, có cuộc sống ngày càng khấm khá khiến nhiều người dân vùng cao ngưỡng mộ.

Nỗ lực nâng cao đời sống người dân

Nỗ lực nâng cao đời sống người dân

Quan tâm triển khai công tác đầu tư, xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng; tích cực phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào các dân tộc vùng cao Si Ma Cai.

fbytzltw