Mô hình phát triển kinh tế tổng hợp với vườn cây ăn quả, ao cá, đồi rừng mỗi năm đem lại cho gia đình bà Đỗ Thị Thủy, thôn Bản Quẩn hơn 200 triệu đồng. Đây là thành quả của việc chuyển đổi từ vườn tạp, nương trồng sắn kém hiệu quả sang phát triển các cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao theo định hướng của chính quyền địa phương. Bà Thủy cho biết: Với diện tích đất vườn đồi hơn 6 ha, trước kia gia đình chủ yếu trồng ngô, sắn. Được đi tham quan, học kinh nghiệm tại nhiều nơi, gia đình đã quyết định chuyển gần 2 ha đất ven suối để đào ao nuôi cá, ốc nhồi, còn 4 ha đất trên cao thì trồng cây ăn quả và trồng rừng. Hiện mỗi năm gia đình thu hoạch hơn 13 tấn cá, 2 tấn ốc thương phẩm, diện tích rừng quế bắt đầu cho thu từ tỉa lá, cành.
Ông Lý Văn Hành, thôn K8 là điển hình về mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại địa phương. Trước đây thu nhập của gia đình ông chủ yếu dựa vào cây lúa và cây sắn. Lúc nông nhàn, ông đi thu mua gỗ về bán cho các cơ sở chế biến lâm sản. Tuy làm việc vất vả quanh năm nhưng thu nhập bấp bênh, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Năm 2019, khi địa phương tuyên truyền trồng rừng kinh tế, ông thấy thuyết phục nên thực hiện theo. Ông chuyển đổi gần 4 ha đất đồi sắn sang trồng quế. Sau 4 năm, diện tích quế của gia đình ông sinh trưởng và phát triển tốt, kỳ vọng đem lại nguồn thu ổn định trong tương lai.
Xác định thu nhập là tiêu chí khó trong xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, Đảng ủy, chính quyền xã Bản Phiệt đã dành nhiều tâm sức để bàn giải pháp thực hiện.
Ông Phàn Xuân Tiến, Bí thư Đảng ủy xã Bản Phiệt cho biết: Sau khi đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2019, xã tiếp tục huy động các nguồn lực duy trì, giữ vững, nâng cao chất lượng các tiêu chí. Bản Phiệt đặt mục tiêu cao hơn đó là tiếp tục phấn đấu đạt xã nông thôn mới nâng cao năm 2024. Đây là nhiệm vụ khó khăn do nội dung, tiêu chí đạt nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025 cao, đặc biệt là tiêu chí thu nhập.
Trên cơ sở những kết quả đạt được khi đạt chuẩn xã nông thôn mới, Bản Phiệt quyết định chọn hướng phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp, kinh doanh dịch vụ và tiểu thủ công nghiệp làm chủ lực, trọng tâm là xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa, tạo giá trị thu nhập cao trên 1 ha đất canh tác.
Khi chủ trương được thông qua, xã tích cực tuyên truyền, vận động người dân tận dụng tiềm năng, lợi thế sẵn có để xây dựng các mô hình kinh tế mới; tranh thủ các nguồn lực, hỗ trợ thực hiện các mô hình phát triển kinh tế. Đồng thời, xã tiếp tục triển khai hiệu quả các nghị quyết, kế hoạch của tỉnh về cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao. Theo đó, trong sản xuất nông nghiệp, xã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất; xây dựng, phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển chăn nuôi theo hướng nâng cao chất lượng gắn với bảo vệ môi trường; tăng cường phòng, chống dịch cho gia súc, gia cầm…
Đến nay, trên địa bàn xã đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung như vùng sản xuất dứa 180 ha tại các thôn: Nậm Sò, Nậm Siu, giá trị thu nhập đạt 13,2 tỷ đồng/năm; nuôi thủy sản với hơn 34 ha tại các thôn Bản Quẩn, K8, sản lượng cá thịt 6 tháng đầu năm đạt 94,5 tấn; chăn nuôi gia súc, gia cầm, phát triển kinh tế đồi rừng tại các thôn K8, Bản Phiệt, Làng Chung, Pạc Tà…
Với những giải pháp khả thi đã góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người của xã lên hơn 56,5 triệu đồng/năm (cao hơn 10 triệu đồng so với mức bình quân của tiêu chí). Tiêu chí thu nhập đã đạt, đời sống người dân ngày càng được nâng cao là điều kiện tiên quyết để xã thực hiện các tiêu chí khác, sớm đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao.