“Bí kíp” giữ “hồn” chàm của phụ nữ Dao họ

LCĐT - Mỗi dân tộc có sự thích ứng với môi trường tự nhiên, xã hội khác nhau, thể hiện qua phong tục, tập quán, ẩm thực, thơ, ca, trang phục, kiến trúc nhà ở. Người Dao họ ở Bảo Thắng rất sáng tạo khi thiết kế những bộ y phục nam và nữ kiểu dáng tự nhiên, không dùng cúc áo, tôn vẻ đẹp của người mặc nhưng rất thoải mái khi vận động. Trên nền của gam màu lạnh chủ đạo của y phục nữ, họ mặc kết hợp với chiếc yếm gam màu trắng và 2 dải bông màu hồng buông ở ngực áo làm tôn lên nét đẹp, gu thẩm mỹ riêng của phụ nữ Dao họ. Cùng là gam màu chàm, màu lạnh là màu chủ đạo của y phục dân tộc Mông đen, Dao tuyển, Dao họ, Thu Lao... nhưng mỗi tộc người có “bí kíp” riêng để tạo ra nước nhuộm vải chàm và cách giữ “hồn” chàm luôn sống động, huyễn hoặc ánh mắt nhìn.

Y phục của người Dao họ.
Y phục của người Dao họ.

Nguyên liệu chính để nhuộm vải chàm là cao chàm pha với nước tro của rơm, rạ đã được lọc sạch với tỷ lệ 1 kg cao chàm được 1 bộ quần áo. Để quần áo có màu chàm đẹp hơn, nhiều người còn cho tỷ lệ 1,5 kg cao chàm đối với 1 bộ quần áo. Tiêu chí đánh giá bộ quần áo chàm đẹp là khi mặc mà có ánh nắng chiếu vào thì ánh lên màu đỏ tía, hồng tía vì thế mỗi phụ nữ Dao họ có “bí kíp” riêng để màu chàm trên y phục mà họ nhuộm đạt chất lượng tốt nhất. Việc nhuộm chàm không phải là việc làm thông thường mà đã trở thành văn hóa với những phong tục, nghi lễ, tục hèm (kiêng kỵ) giữ “hồn” chàm linh thiêng, phù hộ cho việc nhuộm vải như ý muốn. Có người càng nhuộm quần áo càng bạc, chàm bị phai, không ăn vào quần áo, do đó họ phải đi tìm thầy truyền thuốc, truyền “bí kíp” nhuộm vải.

“Bí kíp” của phụ nữ Dao họ là cho một loại cây thuốc nam vào đáy thùng nước nhuộm vải. “Bí kíp” này họ không chia sẻ cho người ngoài, nếu muốn học phải có nghi lễ tạ. Chỉ khi nào người học nhuộm được vải thành công trong 3 năm liên tục thì sẽ thực hiện nghi lễ tạ ơn thầy. Lễ vật gồm thịt lợn hoặc gà, bánh, kẹo và hai hoặc ba trăm nghìn đồng. Nghi lễ tạ ơn được gọi là nghi lễ tạ cây thuốc chàm (tie phảy gàm hóa). Người học phải thể hiện thành ý bằng cách tự nấu một bữa cơm, đặt lên bàn thờ nhà thầy và mời thầy về truyền dạy. Thầy là phụ nữ làm chàm giỏi sẽ truyền cho những loại cây thuốc và dặn kỹ thời điểm hái lá thuốc là lúc sáng sớm. Trong khóm cây thuốc đó, phải nhìn thật kỹ, chỉ hái những cây thuốc có ngọn hướng về ánh nắng mặt trời. Các loại cây thuốc không cần hái nhiều nhưng hái phải đủ cặp, cây hoa đỏ, cây hoa trắng. “Bí kíp” này để giữ cho tính thiêng và mức độ mạnh của thuốc, họ không bao giờ tùy ý chia sẻ với người ngoài. Hơn nữa, người Dao họ có lý khi người thầy vẫn đang dùng thuốc này để nhuộm thì không thể truyền cho người khác học được mà chỉ có thể truyền một loại thuốc khác.

Kinh nghiệm người làm chàm nhìn bọt nổi lên biết chất lượng nước nhuộm.
Kinh nghiệm người làm chàm nhìn bọt nổi lên biết chất lượng nước nhuộm.

Người làm chàm giỏi có thể dùng mắt và mũi ngửi được độ ngấu của chàm, nước chàm để đoán định xem nước có ăn vải hay không. Trước khi nhuộm vải, phụ nữ Dao họ thường dùng tay thử trước để biết độ bám của nước nhuộm ra sao. Trường hợp nước nhuộm cho quá tay vôi bột thì họ dùng lá trầu cho vào thùng nước để cao chàm nổi lên, bám vào vải. Tình huống này chỉ có những thợ nhuộm vải lâu năm, nhiều kinh nghiệm mới xử lý được, nếu không biết thì càng nhuộm, cao vôi càng bám vào quần áo khiến quần áo ngả màu vàng, không thành màu chàm. Một số người có kinh nghiệm cứ 2 ngày sau khi nhuộm thì đêm đó lại cho vào thùng nước một chút rượu, sau đó khuấy lên, sáng hôm sau lặp lại chu trình nhuộm vải. Vải nhuộm thành công kéo dài liên tục trong 20 ngày. Trước khi nhuộm quần áo ngày đầu tiên, họ thắp 3 nén hương ở chỗ thùng chàm và khấn, ai giỏi thì nói mấy “câu phép”. Đến ngày thứ 20, họ nhuộm qua một lần nước củ nâu để giữ độ bám của chàm trên bề mặt vải. Kết thúc một năm làm chàm, có người mổ gà cúng thần thuốc thể hiện lòng biết ơn.

Nhuộm vải ở nơi kín đáo.
Nhuộm vải ở nơi kín đáo.

Phụ nữ Dao họ có rất nhiều tục hèm, khi nhuộm chàm họ thường nhuộm ở nơi kín đáo, không cho người lạ vào chỗ nhuộm vải. Nơi đặt thùng nhuộm vải và phơi quần áo trong quá trình nhuộm là nơi kín đáo, ít người qua lại, ít người nhìn thấy. Từ ngày nhuộm đến ngày kết thúc nhuộm vải, chỉ duy nhất người nào nhuộm thì người đó mới được cất, phơi, thu quần áo. Trong quá trình nhuộm vải tuyệt đối không đi viếng đám ma, không đến nơi bẩn. Chàm trong quan niệm của người Dao họ có linh hồn và rất sạch sẽ, linh thiêng.

Chàm như một biểu tượng văn hóa trên trang phục của một số dân tộc vùng cao Lào Cai. Sức hút của chàm, y phục chàm đã được nhiều nhà thiết kế thổi hồn trên sân khấu. Đặc biệt hơn, chàm đã trở thành văn hóa, là tâm hồn của phụ nữ vùng cao nói chung và phụ nữ người Dao họ nói riêng. Việc giữ gìn và bảo vệ y phục truyền thống, gam màu chàm là chủ đạo là sứ mệnh và là tâm hồn của phụ nữ Dao họ ở Lào Cai.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Hấp dẫn Lễ hội "Ẩm thực Mường Hoa"

Hấp dẫn Lễ hội "Ẩm thực Mường Hoa"

Ngày 28/4, UBND thị xã Sa Pa phối hợp với Công viên Văn hóa Mường Hoa Sa Pa tổ chức Lễ hội "Ẩm thực Mường Hoa" với các hoạt động trải nghiệm ẩm thực, trò chơi, biểu diễn văn hóa dân gian Tây Bắc hấp dẫn.

Âm nhạc quảng bá du lịch

Âm nhạc quảng bá du lịch

Những cảnh quay giới thiệu vẻ đẹp, đất nước con người Việt Nam kết hợp âm nhạc đang là cánh tay nối dài trong việc quảng bá du lịch Việt Nam.

Giáo sư Tô Ngọc Thanh đã "bay về miền sáng"

Giáo sư Tô Ngọc Thanh đã "bay về miền sáng"

Trong công tác nghiên cứu văn hóa dân gian ở Việt Nam, một trong những người có tầm ảnh hưởng lớn nhất nửa sau thế kỷ 20 là Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Tô Ngọc Thanh (trong ảnh). Ông thật sự là một học giả uyên bác, một nhà nghiên cứu văn hóa nói chung, văn hóa dân gian nói riêng có những đóng góp quan trọng.

Triển lãm "Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bản hùng ca bất diệt"

Triển lãm "Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bản hùng ca bất diệt"

Ngày 26/4, Triển lãm “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bản hùng ca bất diệt” khai mạc tại Bảo tàng Hồ Chí Minh Hà Nội. Đây là hoạt động thiết thực kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), do Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam thực hiện, với sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Đem hương vị nem cuốn Việt đến với bạn bè quốc tế ở châu Phi

Đem hương vị nem cuốn Việt đến với bạn bè quốc tế ở châu Phi

Một chút xà lách, một chút cà rốt bào sợi, một chút dứa thái miếng, một chút bạc hà, một chút thịt gà xé, hai miếng tôm hấp và rất nhiều rau mùi, đó là những nguyên liệu mà bà Paula Fernandes, người Bồ Đào Nha lựa chọn cho chiếc nem cuốn Việt của mình với tinh thần “cuốn tất cả những gì mình yêu thích”.

fb yt zl tw