Phát huy thế mạnh của du lịch thể thao

Những năm gần đây, du lịch thể thao đang trở thành một xu hướng lớn của xã hội. Nhiều sự kiện thể thao thu hút hàng chục nghìn người tham gia, kèm theo đó là các dịch vụ ăn uống, vận chuyển, lưu trú, mua sắm… được hưởng lợi. Bởi vậy, nhiều địa phương đang thúc đẩy du lịch thể thao thông qua các sự kiện, giải đấu để tăng cường trải nghiệm cho du khách.

4.jpg
Các vận động viên băng qua đồi chè tại Giải chạy Marathon đường mòn Việt Nam được tổ chức ở huyện Mộc Châu, Sơn La.

Hoạt động du lịch thể thao hiện nay khá đa dạng, từ việc đi cổ vũ các giải thi đấu, cho đến trực tiếp tham gia các hoạt động thể thao như: Chạy, đạp xe, chèo thuyền, leo núi…

Nhiều sự kiện hấp dẫn du khách

Tính từ đầu năm 2024 đến nay, đã có hàng chục giải chạy marathon, bán marathon được tổ chức, thu hút hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn vận động viên, thí dụ các giải: Mẫu Sơn Mount Paths 2024 (Lạng Sơn), Tiền Phong Marathon (Phú Yên), VPBank VnExpress Marathon Ho Chi Minh City Midnight 2024 (Thành phố Hồ Chí Minh), THACO Marathon Vì an toàn giao thông-Điện Biên Phủ (Điện Biên)… Các giải chạy có nhiều đổi mới để thu hút vận động viên, khách du lịch như tổ chức giải chạy ở những danh thắng, khu vực có cảnh quan đẹp; tổ chức giải chạy đêm…

Trước đây, khái niệm giải thể thao còn xa lạ, thì nay lại là một mũi nhọn với những địa phương có địa hình núi non phức tạp, nhưng đồng thời có phong cảnh đẹp như các tỉnh miền núi phía bắc. Một trong những giải chạy gây ấn tượng mạnh là giải Ultra Marathon Việt Nam 2024 tổ chức tại bản Lác, xã Chiềng Châu (huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) với hơn 2.200 vận động viên đến từ 38 quốc gia.

Chủ tịch UBND huyện Mai Châu Phạm Văn Hoàn cho biết, sự kiện là cơ hội để tỉnh Hòa Bình và huyện Mai Châu giới thiệu với bạn bè trong nước và quốc tế về khu du lịch Mai Châu; qua đó, khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế về lĩnh vực du lịch góp phần thúc đẩy sự phát triển của khu du lịch trên địa bàn.

Vận động viên Michal Lesniak đến từ Ba Lan (người vô địch nhiều cuộc đua lớn tại châu Âu và châu Á) cho biết: "Tham gia giải chạy ở Mai Châu không chỉ là một cuộc đua, mà còn là một trải nghiệm khám phá những vùng đất mới thú vị. Dọc theo những cung đường chạy, các vận động viên đã được hòa mình vào khung cảnh tuyệt đẹp, trực tiếp trải nghiệm nét độc đáo, quyến rũ. Từ việc khám phá những cung đường mòn ít người lui tới, đến trải nghiệm văn hóa địa phương, Mai Châu mang lại kỷ niệm thú vị và khó quên trong tôi và bạn bè".

Đầu năm nay, tỉnh Sơn La cũng tổ chức thành công giải marathon đường mòn Mộc Châu với số lượng vận động viên kỷ lục: 4.200 vận động viên. Không chỉ đón lượng khách lớn khi giải được tổ chức, những hình ảnh đẹp về thiên nhiên, con người của Sơn La cũng được quảng bá rộng rãi.

Trước đây, du lịch thể thao vốn là một nhánh nhỏ trong hoạt động du lịch thì vài năm trở lại đây, du lịch thể thao đang trở thành một xu thế mới, có sự phát triển với tốc độ chóng mặt, nhất là với sự ra đời, phát triển của những giải thể thao lớn, thu hút lượng vận động viên lớn tham gia với khả năng tổ chức linh hoạt, điển hình là các giải chạy.

Hà Nội là địa bàn có lợi thế về phát triển du lịch thể thao, từng là nơi đăng cai chính hai kỳ SEA Games, là nơi tổ chức nhiều giải golf, cầu lông quốc tế… Thời gian qua, xu hướng tổ chức các giải thể thao lớn ngày càng phát triển.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Phạm Xuân Tài cho biết, riêng Hà Nội hiện có tới bảy giải chạy marathon, bán marathon lớn. Mỗi năm, các sự kiện này thu hút hàng trăm nghìn lượt người tham gia. Tỉnh Sơn La, địa bàn vốn nổi tiếng với du lịch nghỉ dưỡng cũng gây bất ngờ khi trở thành địa điểm tổ chức nhiều giải thể thao quan trọng.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La Đỗ Thế Công cho biết: "Trong những năm gần đây, một số giải thể thao được tỉnh Sơn La phối hợp các đơn vị tổ chức đã thu hút lượng lớn vận động viên đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như Giải chạy marathon đường mòn Việt Nam năm 2024, giải đua Mô tô địa hình-VTV Cup Off Road 2023; chặng hai cuộc đua xe đạp Cup Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh 2024 với chủ đề "Non sông liền một dải-Niềm tin chiến thắng"... Các giải thể thao này vừa thu hút khách du lịch, vừa góp phần quảng bá vẻ đẹp của thiên nhiên, sức hấp dẫn của văn hóa các dân tộc Sơn La".

Hướng đến phát triển bền vững

Theo Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), du lịch thể thao là loại hình liên quan đến trải nghiệm của du khách và là một trong những mảng phát triển nhanh nhất trong ngành du lịch, ước tính có trị giá khoảng 800 tỷ USD trên toàn cầu.

Nhận thức rõ được điều này, các địa phương, các doanh nghiệp lữ hành đều xây dựng định hướng rõ ràng cho phát triển du lịch thể thao. Tỉnh Hòa Bình đã phát huy lợi thế thiên nhiên, cảnh quan để phát triển hàng loạt giải thể thao như: Đua xe đạp, đua xe đạp địa hình, các giải chạy, đua thuyền kayak trên sông Đà, dù lượn… Trong đó, đua thuyền kayak trên sông Đà hiện đã trở thành một thương hiệu của tỉnh, được nhiều người ưa thích khi vận động viên và cổ động viên đều được đắm chìm trong cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ của hồ sông Đà.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Toàn cho biết, việc tổ chức, đăng cai các giải thể thao đã góp phần thúc đẩy du lịch địa phương phát triển mạnh mẽ. Mỗi giải đấu được tỉnh Hòa Bình quan tâm chuẩn bị chu đáo từ cơ sở vật chất đến công tác đón tiếp, lưu trú, ẩm thực, bảo đảm an ninh trật tự cho khách nhằm để lại những hình ảnh đẹp trong lòng bạn bè trong nước và quốc tế.

Trong khi đó, ngoài những giải thể thao lớn, các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn Hà Nội còn phối hợp giữa các hoạt động khám phá, trải nghiệm với hoạt động thể thao. Các tour như: "Tinh hoa Tràng An-Khám phá kiến trúc Pháp giữa lòng Hà Nội" (Công ty Du lịch Bàn chân Việt), "Đêm Thăng Long-Hà Nội" (Công ty Đầu tư và Phát triển du lịch bền vững Việt Nam)… đều gắn với hoạt động đạp xe. Giám đốc VietFoot Travel Phạm Duy Nghĩa cho biết, doanh nghiệp này còn mở rộng hoạt động đạp xe đến cả các tỉnh Ninh Bình, Lào Cai, Sơn La… để mang tới những trải nghiệm cho khách hàng.

Du lịch thể thao đang là xu thế "hai trong một" hấp dẫn, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, do tính chất mới mẻ nên hạ tầng, nhân lực du lịch thể thao, vấn đề an toàn còn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường, nhất là các loại hình du lịch mạo hiểm như: Leo núi, dù lượn, chèo thuyền… Điển hình như Hà Nội từng có thời gian ngừng hoạt động dù lượn tại đồi Bù (huyện Chương Mỹ) do lo ngại vấn đề an toàn.

Tổng Giám đốc Flamingo Redtours (Hà Nội) Nguyễn Công Hoan cho biết: "Du lịch thể thao là một dòng du lịch chuyên đề nên tổ chức tour du lịch thể thao sẽ gặp khó khăn hơn rất nhiều. Trước tiên, loại hình này đòi hỏi đơn vị tổ chức cần phải có chuyên môn cả về lữ hành và kiến thức nhất định về thể thao như điều lệ quy định của giải, cách thức đăng ký, tư vấn cho khách tham gia các hoạt động phù hợp với sức khỏe". Tuy nhiên, thực tế, nhiều đơn vị đứng ra tổ chức các tour du lịch có các yếu tố thể thao, nhất là thể thao mạo hiểm, còn thiếu chuyên môn về lữ hành cũng như công tác kiểm tra, chăm sóc sức khỏe cho vận động viên chưa bảo đảm.

Do hạ tầng còn yếu nên hầu hết các địa phương, đơn vị thường tập trung tổ chức các giải chạy đường dài hay đua xe đạp, đua xe đạp địa hình… vì môn thể thao này thu hút lượng lớn người tham gia, nhưng lại không đòi hỏi điều kiện về cơ sở vật chất riêng. Trong khi đó, nhiều loại hình thể thao khác chưa được quan tâm đúng mức, dư địa phát triển chưa được khai thác.

Giám đốc Vietfoot Travel Phạm Duy Nghĩa cho rằng, để biến du lịch thể thao trở thành sản phẩm chủ lực của du lịch Việt Nam, các cơ quan cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng và định hướng dài hạn để xây dựng, nâng cấp hạ tầng, cải thiện hệ thống giao thông, cơ sở vật chất kỹ thuật chuyên ngành theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, đủ đáp ứng đòi hỏi của nhiều hình thức du lịch thể thao; đồng thời, có chiến lược quảng bá sớm, bài bản, cũng như sự năng động để gia tăng cơ hội đăng cai nhiều sự kiện thể thao tầm cỡ quốc tế.

Đáng chú ý, mới đây, sự việc một vận động viên tham gia giải bán marathon Tây Hồ đã ngã gục khi gần đến vạch đích cũng cảnh báo những vấn đề an toàn. Các đơn vị tổ chức sự kiện thể thao cần kiểm soát tốt công tác kiểm tra "đầu vào" sức khỏe cũng như chăm sóc sức khỏe vận động viên trong suốt hành trình giải đấu.

Theo Báo Nhân Dân

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Sức hút từ du lịch sáng tạo

Sức hút từ du lịch sáng tạo

Thay vì chỉ tham gia các hoạt động trải nghiệm “cho vui”, khách du lịch trải nghiệm có chiều sâu, học hỏi những kỹ năng, kiến thức cùng cư dân bản địa, cùng sáng tạo các sản phẩm với cư dân, nghệ sĩ, nghệ nhân địa phương. Du lịch sáng tạo tạo ra sức hút, động lực phát triển mới cho ngành du lịch và khẳng định bản sắc văn hóa của các địa phương. Đây vừa là xu hướng mới, vừa là giải pháp mà các địa phương cần triển khai, nhân rộng.

[Ảnh] Hòa mình cùng thiên nhiên tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên

[Ảnh] Hòa mình cùng thiên nhiên tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên

Vườn Quốc gia Hoàng Liên nằm trên dãy Hoàng Liên Sơn kỳ vĩ, ở độ cao 1.000 - 3.000m so với mực nước biển, thuộc địa phận thị xã Sa Pa (Lào Cai) và một phần của huyện Tân Uyên (Lai Châu). Đây là điểm đến nhất định phải có trong cẩm nang du lịch của du khách khi đến với Sa Pa.

Kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về du lịch

Kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về du lịch

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong đã ký ban hành kế hoạch số 2045/KH-BVHTTDL về kiểm tra công tác chấp hành các quy định pháp luật và đảm bảo chất lượng của các doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú du lịch, khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở giáo dục đào tạo nghiệp vụ lĩnh vực du lịch và hướng dẫn viên du lịch...

Xu hướng du lịch gia đình của khách Việt Nam

Xu hướng du lịch gia đình của khách Việt Nam

53% du khách Việt Nam có kế hoạch du lịch cùng gia đình, đó là thông tin theo dữ liệu từ Dự đoán xu hướng du lịch 2025 của Booking.com. Điều này cho thấy du khách Việt Nam có xu hướng dành thời gian ý nghĩa bên người thân.

[Ảnh] Bình yên bản làng Mường Hoa

[Ảnh] Bình yên bản làng Mường Hoa

Xã Mường Hoa (thị xã Sa Pa) có 9 thôn với hơn 1.400 hộ dân sinh sống. Nơi đây tập trung chủ yếu các thành phần dân tộc Mông, Dao, Tày, Giáy, Kinh, trong đó 95% là người Mông. Với cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, hoang sơ cùng bản sắc văn hóa được gìn giữ, Mường Hoa thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm.

Bảo Hà hướng tới đô thị du lịch tâm linh hiện đại

Bảo Hà hướng tới đô thị du lịch tâm linh hiện đại

Tỉnh Lào Cai quan tâm đầu tư xây dựng đô thị Bảo Hà (Bảo Yên) với hạ tầng cơ sở đáp ứng phát triển du lịch. Đặc biệt, mới đây tỉnh đã điều chỉnh chương trình phát triển đô thị này đến năm 2030 để mở rộng và kết nối du lịch tâm linh liên vùng.

Sa Pa lãng mạn trong sắc hoa tầm xuân.

[Ảnh] Sa Pa dịu dàng sắc hoa tầm xuân

Sa Pa được thiên nhiên ưu đãi khí hậu mát mẻ, trong lành, là thiên đường của các loài hoa đua nhau khoe sắc. Tuy nhiên, có lẽ loài hoa dễ trồng, dễ chăm sóc nhất ở nơi đây chính là tầm xuân (hồng leo). Mùa này, bất cứ nơi đâu hay bất cứ con đường nào ở Sa Pa cũng rực rỡ sắc hoa tầm xuân. Hoa tầm xuân góp phần làm đẹp cảnh quan Khu du lịch quốc gia Sa Pa, đồng thời tạo điểm nhấn thu hút du khách.

Ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác về phát triển Dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí huyện Bát Xát

Ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác về phát triển Dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí huyện Bát Xát

Sáng 5/5, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan tổ chức Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác về phát triển Dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai với Công ty TNHH Bảo tồn rừng và Du lịch sinh thái Evergreen và Công ty TNHH MTV Du lịch sinh thái bảo tồn rừng.

fb yt zl tw