Tạo không gian văn hóa trong trường học

LCĐT - Đối với những địa phương miền núi đa sắc tộc như Lào Cai, việc các trường lựa chọn những mô hình trường học gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc và tạo không gian văn hóa tại trường để học sinh tìm hiểu, trải nghiệm, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc là rất cần thiết. Đây là điều mà không ít trường vùng cao của tỉnh đã và đang thực hiện hiệu quả.

 Tạo không gian văn hóa trong trường học ảnh 1
Trường PTDT bán trú Tiểu học Bản Phố (huyện Bắc Hà) có nhiều không gian văn hoá cho học sinh học tập và trải nghiệm.

Tới tham quan mô hình Nhà bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc của Trường PTDT bán trú Tiểu học Bản Phố (huyện Bắc Hà), chúng tôi ấn tượng với không gian văn hóa ở đây. Trong khu vực nhà bảo tồn rộng khoảng 80 m2, không gian văn hóa được bố trí, sắp xếp hợp lý, đẹp mắt, thu hút  học sinh tới tìm hiểu, trải nghiệm, “học mà chơi, chơi mà học” mỗi ngày.

Nhà bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc của Trường PTDT bán trú Tiểu học Bản Phố được chia làm 2 khu vực: Phía trước là gian trưng bày các sản phẩm liên quan đến đời sống, văn hóa dân tộc Mông, như trang phục, khăn, mũ, khèn, gậy sênh tiền, dụng cụ lao động, sản xuất, đồ thủ công, mỹ nghệ… Các sản phẩm này đều do thầy, cô giáo của trường sưu tầm, phụ huynh học sinh tặng và một phần do chính học sinh của trường tự làm. Khu vực phía sau là “Thư viện xanh”, với vườn cây tươi xanh và bộ bàn ghế gỗ để học sinh đọc sách, đọc truyện bất cứ khi nào các em thích.

 Tạo không gian văn hóa trong trường học ảnh 2
Học sinh Trường PTDT bán trú Tiểu học Bản Phố đọc sách tại "Thư viện xanh".

Thầy giáo Đào Duy Công, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú Tiểu học Bản Phố cho biết: Với 460 học sinh/17 lớp học, 100% là dân tộc Mông, nên nhà trường lựa chọn xây dựng mô hình trường học gắn với bảo tồn văn hóa dân tộc Mông. Nhà bảo tồn được xây dựng từ năm học 2019 - 2020. Từ khi xây dựng mô hình, việc tuyên truyền, hướng dẫn và giáo dục học sinh về ý nghĩa của việc giữ gìn, bảo tồn nét đẹp văn hóa dân tộc thuận lợi hơn; học sinh có không gian để hoạt động và trải nghiệm nhiều hoạt động liên quan đến bảo tồn văn hóa.

Cũng theo thầy Công, để bảo tồn nét đẹp văn hóa các dân tộc, trường đã thành lập các câu lạc bộ theo sở thích và giao mỗi cô giáo phụ trách 1 câu lạc bộ.

Em Lừu Trung Việt, học sinh lớp 5A1, Trường PTDT bán trú Tiểu học Bản Phố cho biết: Nhờ có Nhà bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, chúng em được tìm hiểu, trải nghiệm các hoạt động theo sở thích, như khâu, thêu thổ cẩm; sáng tạo những bức tranh yêu thích; đọc sách, đọc truyện tại “Thư viện xanh”.

 Tạo không gian văn hóa trong trường học ảnh 3
Nhiều sản phẩm văn hoá do chính học sinh tự làm được trưng bày tại các không gian văn hoá trong trường học.

Cũng sở hữu không gian văn hóa ấn tượng là Trường Tiểu học Tả Phìn (thị xã Sa Pa). Mặc dù gặp một số khó khăn do đang trong giai đoạn hoàn thiện các hạng mục và chờ bàn giao, nhưng nhà trường vẫn duy trì được không gian văn hóa đa dạng, phong phú, với nhà trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm gắn với du lịch và nơi sinh hoạt văn hóa của học sinh. Trong Nhà trưng bày văn hóa truyền thống của trường hiện có khoảng 500 sản phẩm, hiện vật gắn với đời sống, văn hóa của người Mông và Dao sống tại xã Tả Phìn, như quần áo, túi thổ cẩm, khăn thổ cẩm, dụng cụ lao động, sản xuất, sinh hoạt hằng ngày. Phần lớn các sản phẩm này do các thầy, cô giáo tự sưu tầm; phụ huynh học sinh, người dân địa phương tặng. Nơi đây còn lưu giữ nhiều sản phẩm do chính học sinh các khóa học của trường tự làm. Các sản phẩm trở thành hiện vật để học sinh các câu lạc bộ trong trường nghiên cứu, tìm hiểu và học hỏi. Để thuận tiện hơn, nhà trường còn mời các phụ huynh, nghệ nhân, người có uy tín, am hiểu phong tục, tập quán, văn hóa địa phương tới trường dạy thêu, múa khèn, múa ô, múa chuông, đan lát…cho học sinh.

 Tạo không gian văn hóa trong trường học ảnh 4
Các nhà trường luôn nhận được sự phối hợp từ phụ huynh học sinh, nghệ nhân ở địa phương tới truyền dạy nghệ thuật, nghề truyền thống các dân tộc.

Chị Tẩn Lở Mẩy, thôn Sả Xéng, xã Tả Phìn cho biết: Tôi thường được các thầy, cô giáo mời đến trường dạy các cháu thêu thổ cẩm. Theo truyền thống, con gái người Dao ở Tả Phìn đều phải biết thêu từ khi 7 - 8 tuổi, tôi rất ủng hộ việc tạo môi trường, không gian cho các cháu được tìm hiểu, học hỏi về văn hóa dân tộc ngay tại trường. Có như vậy, nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc nơi đây mới được giữ gìn và phát huy.

Cô giáo Ong Thị Hiên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tả Phìn cho biết: Học sinh chủ yếu là dân tộc Mông và Dao, nên nhà trường tập trung tuyên truyền, giáo dục và xây dựng mô hình dựa trên những nét đẹp văn hóa truyền thống của 2 dân tộc này. Mục tiêu của nhà trường là vừa tạo không gian văn hóa hấp dẫn, phong phú, làm điểm nhấn khi thực hiện mô hình trường học du lịch, vừa giáo dục ý thức bảo tồn, giữ gìn văn hóa truyền thống dân tộc cho học sinh. Sắp tới, chúng tôi sẽ tạo nhiều không gian mang đậm bản sắc văn hóa người dân địa phương hơn nữa tại nhiều khu vực trong trường, tạo điểm “check - in” cho du khách…

Ngoài Trường PTDT bán trú Tiểu học Bản Phố (Bắc Hà) và Trường Tiểu học Tả Phìn (Sa Pa), nhiều trường ở các địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống cũng đang xây dựng mô hình trường học gắn với bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa của các dân tộc. Mỗi trường lựa chọn xây dựng mô hình không gian văn hóa gắn liền với phong tục, tập quán của những dân tộc đang sinh sống trên địa bàn. Có thể kể đến Trường PTDT bán trú Tiểu học Nậm Tha (Văn Bàn) với không gian mang đậm văn hóa dân tộc Mông và Dao; Trường PTDT bán trú Tiểu học số 1 Sín Chéng (Si Ma Cai) với không gian văn hóa của dân tộc Mông và Nùng; Trường PTDT bán trú THCS Kim Sơn (Bảo Yên) với không gian văn hóa dân tộc Mông, Dao, Tày… Những không gian văn hóa được tạo nên từ những mô hình trường học đa văn hóa gắn với cộng đồng giúp học sinh gắn bó với trường, lớp, tự hào về văn hóa và nguồn cội dân tộc mình.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Cải thiện quyền lợi của lao động nữ

Cải thiện quyền lợi của lao động nữ

Theo chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, dự án Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sẽ được Quốc hội thông qua vào cuối năm 2024; trong đó, có nhiều nội dung liên quan trực tiếp, tác động sâu rộng tới quyền và lợi ích của người lao động. Một trong những vấn đề người lao động, nhất là lao động nữ quan tâm là quy định về trợ cấp thai sản. Chính sách nêu trên có vị trí quan trọng trong hệ thống BHXH, ảnh hưởng đến nhiều người lao động trong xã hội và cả thế hệ tương lai đất nước.

Người trẻ thiếu kỹ năng mềm

Người trẻ thiếu kỹ năng mềm

Tôi có đứa em họ học ngành Dược, ra trường đi làm 2 năm nhưng thay đổi công việc 3 lần, với lý do “chưa tìm được công ty phù hợp”. Người ta phàn nàn cậu “ít nói, ngại giao tiếp” cho dù chuyên môn không hề kém.

Hiệu quả từ Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 ở Lào Cai

Hiệu quả từ Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 ở Lào Cai

Sau bốn năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Lào Cai đã tập trung các nguồn lực, triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án thành phần của Chương trình. Từ đó, tạo sinh kế, giúp người dân từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên xóa đói, giảm nghèo.

Nỗi niềm của người cao tuổi không có lương hưu

Nỗi niềm của người cao tuổi không có lương hưu

Tỉnh Lào Cai hiện có hơn 24.000 người đang được chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, chỉ chiếm khoảng 31,3% tổng số người cao tuổi trên địa bàn tỉnh, số còn lại nhiều người phải chật vật mưu sinh với nỗi lo cơm áo và bệnh tật khi không có thu nhập ổn định.

fb yt zl tw