Nâng cao kỹ năng làm du lịch cộng đồng

Để nâng cao kỹ năng làm du lịch cộng đồng, xây dựng môi trường du lịch thân thiện, văn minh, Sở Du lịch Hà Nội đang đẩy mạnh tập huấn kỹ năng, nâng cao nhận thức cho cộng đồng tại những địa phương có tiềm năng du lịch.

Thạch Thất là một trong những địa bàn giàu tiềm năng du lịch của Thủ đô. Nơi đây có chùa Tây Phương - Di tích quốc gia đặc biệt. Đây cũng là nơi có nhiều môn nghệ thuật cổ truyền được lưu giữ, bảo tồn và được khôi phục như: chèo Canh Nậu, Đại Đồng. Riêng về rối nước, Thạch Thất là trung tâm của nghệ thuật rối nước Hà Nội với ba phường rối ở các làng: Chàng Sơn, Bình Phú, Thạch Xá… Về làng nghề, huyện Thạch Thất cũng là địa phương nổi tiếng với nhiều làng nghề truyền thống, phong phú, đa dạng, có lịch sử phát triển hàng nghìn năm với những sản phẩm hết sức độc đáo như: Chuồn chuồn tre, chè Lam (Thạch Xá), quạt giấy, nghề mộc (Chàng Sơn)…

Thạch Thất có Đại lộ Thăng Long chạy qua, thuận tiện cho giao thông kết nối với các điểm du lịch tại các huyện Quốc Oai, Ba Vì và thị xã Sơn Tây. Mặc dù vậy, du lịch Thạch Thất vẫn phát triển tương xứng với tiềm năng, lượng khách đến các làng nghề thưa thớt, chùa Tây Phương chủ yếu chỉ đón khách vào dịp đầu Xuân. Đối với địa phương có thế mạnh về du lịch làng nghề, tâm linh như Thạch Thất, việc phát triển du lịch cộng đồng có vai trò hết sức quan trọng. Nhưng hiện nay, người dân vẫn chưa “quen” với việc “làm du lịch”. Phần lớn người dân vẫn nghĩ đó là công việc của các hãng lữ hành. Đây cũng là vấn đề đặt ra với nhiều quận, huyện khác trên địa bàn thành phố.

Nhằm khắc phục tình trạng nêu trên, mới đây, Sở Du lịch đã tổ chức tập huấn Ứng xử văn minh du lịch và du lịch cộng đồng cho 150 người dân xã Thạch Xá (huyện Thạch Thất). Tại lớp tập huấn, người dân đã được nghe Tiến sĩ Vũ Lan Hương, Phó Trưởng Khoa Du lịch học, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) hướng dẫn cách để người dân có thể tạo điểm nhấn thu hút du khách, cách nắm bắt tâm lý, văn hóa của du khách, nhất là du khách nước ngoài để có cách ứng xử, phục vụ khác nhau. Người dân cần tập trung vào kỹ năng giao tiếp, thái độ phục vụ, bởi sự chân tình, hồn hậu chính là yếu tố thu hút khách quay trở lại. Trước đó, các lớp tập huấn tương tự cũng được tổ chức tại các huyện Quốc Oai, Thường Tín…

Tại Thường Tín, nơi có số lượng di tích thuộc nhóm đứng đầu thành phố và lễ hội đặc sắc như: Lễ hội Chử Đồng Tử-Tiên Dung (xã Tự Nhiên), Lễ hội chùa Đậu (xã Nguyễn Trãi), Lễ hội đền Bộ Đầu (xã Thống Nhất), Lễ hội chùa Mui (xã Tô Hiệu)… đây cũng là nơi xứng danh đất trăm nghề với 126 làng nghề… Đáng chú ý, gần đây, Thường Tín có Điểm du lịch sinh vật cảnh Hồng Vân đã được thành phố công nhận. Tại đây, nhiều mô hình du lịch sinh thái ra đời, thu hút khách du lịch. Do đó, Sở Du lịch Hà Nội phối hợp UBND huyện Thường Tín tập trung tập huấn kỹ năng cho người dân một số địa phương trọng điểm như: Làng cây cảnh Hồng Vân, làng nghề sơn mài Hạ Thái…

Được cung cấp các kiến thức, kỹ năng, người dân rất phấn khởi khi “biết” làm thế nào để có thể đón khách, thu hút khách du lịch. Ông Nguyễn Văn Sơn (thôn Cầu Bươu, xã Thạch Xá) cho biết: “Địa bàn chúng tôi có nhiều điểm du lịch hấp dẫn. Khi tham gia hoạt động du lịch, ai cũng thấy lợi ích lâu dài. Nhưng chúng tôi chưa biết làm thế nào để khách cảm thấy hài lòng. Nhiều người vì cái lợi trước mắt còn chèo kéo khách… Việc được hướng dẫn như thế này giúp chúng tôi biết cách để giao tiếp, để tạo môi trường thân thiện cho khách khi đến địa phương”.

Về phía các chuyên gia cũng đã đưa ra nhiều lời khuyên bổ ích cho cộng đồng dân cư địa phương, không chỉ trong giao tiếp, ứng xử mà còn chỉ ra cách để xây dựng môi trường tự nhiên, môi trường xã hội. Tiến sĩ Phạm Hồng Long, Trưởng Khoa Du lịch học (Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ: “Du khách thường có xu hướng tìm kiếm trải nghiệm mới lạ nhưng vẫn phải giữ được văn hóa bản địa. Ngoài ra, vấn đề vệ sinh môi trường, chất lượng dịch vụ cũng cần phải được bảo đảm, trong đó, địa phương cần có khu vệ sinh công cộng sạch sẽ cho du khách. Bên cạnh đó, sự niềm nở, vui vẻ, thân thiện của người dân sẽ là điểm cộng về du lịch”.

Phó Chánh Văn phòng Sở Du lịch Hà Nội, Bùi Lan Hương cho biết, thời gian tới, Sở Du lịch tiếp tục phối hợp các quận, huyện triển khai các kỹ năng ứng xử văn minh về du lịch, kỹ năng phục vụ, giao tiếp với khách du lịch cho người dân, nghệ nhân, các đoàn thể địa phương; hướng dẫn kỹ năng về giới thiệu và kết nối sản phẩm du lịch, tìm hiểu tâm lý du khách cũng như vai trò, đóng góp của ngành du lịch với địa phương, đời sống của người dân

Nhân Dân

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

fb yt zl tw