Nỗ lực tăng sản lượng khai thác dầu khí

Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch Covid-19 và cuộc xung đột tại Ukraine, giá dầu trên thế giới tăng cao, lên mức 100 USD/thùng, thậm chí có thời điểm vượt hơn 100 USD/thùng. Do đó, giá xăng dầu trong nước cũng tăng theo tạo áp lực lớn lên hoạt động sản xuất của doanh nghiệp và đời sống nhân dân. Vấn đề đặt ra, vì sao trong bối cảnh giá dầu tăng nhưng ngành dầu khí lại không thể gia tăng sản lượng khai thác, bù đắp nguồn thu cho ngân sách?.

Khai thác dầu khí tại giàn Đại Hùng 02, một trong những giàn khoan lớn và hiện đại nhất hiện nay, hoàn toàn do các kỹ sư, công nhân Việt Nam chế tạo.
Khai thác dầu khí tại giàn Đại Hùng 02, một trong những giàn khoan lớn và hiện đại nhất hiện nay, hoàn toàn do các kỹ sư, công nhân Việt Nam chế tạo.

Giá dầu đang neo ở mức cao cho nên nhiều đơn vị trong ngành dầu khí sẽ sớm hoàn thành kế hoạch doanh thu trong quý II hoặc quý III năm nay. Tuy nhiên, việc hoàn thành sản lượng khai thác vẫn là bài toán khó.

Đẩy mạnh thăm dò, tìm kiếm

Thống kê của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), từ năm 2015 đến nay, sản lượng dầu trong nước liên tục sụt giảm, từ mức 16,9 triệu tấn năm 2015 xuống còn 15,2 triệu tấn năm 2016; 13,4 triệu tấn năm 2017; 12 triệu tấn năm 2018; 11 triệu tấn năm 2019 và xấp xỉ 10 triệu tấn trong hai năm 2020 và 2021. Dự báo sản lượng khai thác sẽ tiếp tục giảm trong các năm tiếp theo. Riêng tại Liên doanh Việt-Nga Vietsovpetro, cánh chim đầu đàn của ngành dầu khí Việt Nam, sau khi đạt đỉnh khai thác vào năm 2002 với 13,5 triệu tấn, sản lượng khai thác giảm mỗi năm một triệu tấn. Các năm gần đây, sản lượng chỉ quanh mốc hơn ba triệu tấn. Tại kỳ họp lần thứ 54, Hội đồng Liên doanh Việt-Nga Vietsovpetro thống nhất các chỉ tiêu năm 2022 thì sản lượng được đề ra chỉ ở mức 2,9 triệu tấn dầu/condensate; 65,4 triệu mét khối khí.

Tổng Giám đốc Vietsovpetro Nguyễn Quỳnh Lâm cho biết: Năm 2021, Vietsovpetro phải đối mặt với nhiều khó khăn do sản lượng khai thác tiếp tục suy giảm. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của hai phía, Vietsovpetro đã hoàn thành kế hoạch khai thác hơn ba triệu tấn dầu, đạt 105,5% kế hoạch. Sản lượng khai thác khí thiên nhiên đạt 79,6 triệu mét khối, đạt 109,1% kế hoạch. Doanh thu bán dầu, khí và condensate đạt hơn 1,6 tỷ USD. Sự sụt giảm sản lượng khai thác dầu khí hằng năm là điều thấy rõ và đã được dự báo từ lâu bởi hiện nay, ngành dầu khí gần như không có “của để dành”. Việc phát triển các mỏ mới rất khó khăn, công tác thăm dò, tìm kiếm chưa đáp ứng yêu cầu thực tế.

Qua tìm hiểu, do công tác tìm kiếm, thăm dò có quá nhiều rủi ro, tỷ lệ thành công chỉ ở mức 20%. Trong khi chi phí tìm kiếm, thăm dò dao động trong khoảng từ 10 đến 15 triệu USD/giếng khoan là rất lớn trong bối cảnh giá dầu neo ở mức thấp nhiều năm qua, khiến hoạt động tìm kiếm, thăm dò không được quan tâm đúng mức. Giai đoạn 2016-2020, vốn bố trí cho hoạt động thăm dò, tìm kiếm chỉ bằng 30% so với giai đoạn 2011-2015.

Mặt khác, quy trình thủ tục phê duyệt dự án tìm kiếm, thăm dò đang được triển khai như các dự án đầu tư phát triển khác, cho nên doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước như PVN và các công ty thành viên rất khó thực hiện.

Theo Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP), thời điểm giá dầu thấp, PVEP tập trung tối ưu các hoạt động sửa chữa giếng, nâng cấp thiết bị. Hoạt động tìm kiếm, thăm dò chủ yếu mở rộng tại các dự án khai thác đã có sẵn cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia dầu khí, để gia tăng sản lượng, bảo đảm tính liên tục và ổn định của các công ty khai thác, giải pháp duy nhất vẫn là phát triển và đưa các mỏ mới vào hoạt động.

Áp dụng khoa học-công nghệ

Theo đánh giá, phần lớn các mỏ dầu khí đang khai thác ở nước ta đều có “tuổi đời” từ 15 đến 35 năm, được xếp vào giai đoạn khai thác cuối đời mỏ, có độ ngập nước cao, trung bình ở mức từ 50 đến 90%, dẫn đến sản lượng suy giảm tự nhiên khoảng 15-25%/năm. Tổng Giám đốc Vietsovpetro Nguyễn Quỳnh Lâm cho biết: Để chặn đà sụt giảm sản lượng đã được dự báo từ nhiều năm qua, Vietsovpetro đã xây dựng các giải pháp tối ưu về địa chất kỹ thuật, áp dụng khoa học-công nghệ mới để nâng cao hệ số thu hồi dầu, bảo đảm duy trì sản lượng khai thác. Vietsovpetro đã thực hiện bơm ép nước để bảo tồn áp suất vỉa, tăng hệ số thu hồi dầu khí từ 18% lên hơn 40% đối với thân dầu trong tầng đá móng. Đây là hệ số thu hồi cao nhất trên thế giới hiện nay. Đặc biệt, việc đưa các giàn nhẹ đầu giếng không người vào khai thác các mỏ nhỏ, mỏ cận biên cũng mang lại hiệu quả cao. Điển hình như giàn nhẹ BK-20 hay giàn BK-21 tại mỏ Bạch Hổ thuộc thế hệ mới của Vietsovpetro đều là các giàn không người được điều khiển từ xa, ngay khi đi vào hoạt động đã đóng góp rất lớn vào việc duy trì sản lượng khai thác của toàn Liên doanh…

Tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Lê Văn Thành mới đây, Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng cho biết: Thời gian qua, Tập đoàn đã phát hiện dầu khí mới tại giếng khoan Sói Vàng-1X Lô 16-1/15 (VSP) và biểu hiện dầu khí tốt tại các giếng khoan: R-62, R-63, BH-59. Tập đoàn đưa ba mỏ/công trình vào khai thác gồm: mỏ Sư Tử Trắng pha 2A, công trình BK-18A và công trình BK-19. Tập đoàn luôn xác định hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí gắn liền với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Trong thời gian tới, tập đoàn sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác thăm dò, tìm kiếm, nhất là tại các khu vực đang khai thác nhằm tận dụng cơ sở hạ tầng, đồng thời đầu tư tìm kiếm, thăm dò ở khu vực nước sâu, xa bờ; nghiên cứu, thử nghiệm và đưa vào ứng dụng các công nghệ nâng cao hệ số thu hồi dầu…

Tuy nhiên, trong bối cảnh giá dầu dự báo sẽ neo ở mức cao, việc PVN nhanh chóng triển khai các giải pháp nhằm gia tăng sản lượng khai thác là hết sức cần thiết trong thời điểm hiện nay. Bởi việc thay thế các nguồn năng lượng hóa thạch bằng các nguồn năng lượng tái tạo đã và đang là xu thế tất yếu tại hầu hết các quốc gia trên thế giới, chắc chắn giá trị của các nguồn năng lượng hóa thạch sẽ ngày càng suy giảm.

Báo Nhân Dân

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Bảo hộ sở hữu trí tuệ sản phẩm OCOP cần "luồng xanh"

Bảo hộ sở hữu trí tuệ sản phẩm OCOP cần "luồng xanh"

Bảo hộ sở hữu trí tuệ (SHTT) là công cụ đắc lực bảo vệ thương hiệu sản phẩm, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, hoạt động này vẫn còn sự chênh lệch rất lớn giữa số lượng đơn đầu vào và đơn đầu ra dẫn đến tình trạng đơn bị chậm xử lý.

Cạnh tranh gay gắt trong xuất khẩu gạo

Cạnh tranh gay gắt trong xuất khẩu gạo

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam hiện ở mức 578 USD/tấn. Trong khi đó, gạo cùng chủng loại của Thái Lan đã giảm sâu trong tuần qua, xuống mức thấp hơn so với Việt Nam, đạt 575 USD/tấn, còn gạo của Pakistan là 587 USD/tấn. Thị trường gạo thế giới vẫn đang tiếp tục ghi nhận nhiều biến động từ cả phía các quốc gia xuất khẩu và nhập khẩu gạo.

Tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng dệt may xuất khẩu

Tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng dệt may xuất khẩu

Mặc dù Việt Nam đứng trong top 3 quốc gia xuất khẩu dệt may hàng đầu thế giới nhưng ngành dệt may nước ta đang đối diện rất nhiều khó khăn khi nhu cầu tiêu dùng sụt giảm, lượng tồn kho cao, sức cạnh tranh diễn ra ngày càng quyết liệt...

Xúc tiến thương mại để thúc đẩy xuất - nhập khẩu

Xúc tiến thương mại để thúc đẩy xuất - nhập khẩu

Tại hội nghị xúc tiến thương mại và phát triển xuất - nhập khẩu vùng Trung du, miền núi phía Bắc do Bộ Công Thương và UBND tỉnh Lào Cai phối hợp tổ chức, các đại biểu đã sôi nổi chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và bàn thảo những giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp, thương mại, xuất - nhập khẩu.

fb yt zl tw