Từ vụ mật ong Việt bị Mỹ điều tra phá giá: Tránh tập trung vào 1 thị trường

Hơn 95% sản lượng mật ong của Việt Nam đang xuất khẩu vào Mỹ, nếu bị áp thuế chống bán phá giá sẽ khiến mật ong gặp khó khăn về đầu ra.

Tháng 5 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) quyết định điều tra chống bán phá giá với sản phẩm mật ong nhập khẩu từ Brazil, Ấn Độ, Ukraine, Argentina và Việt Nam. Theo đó, biên độ bán phá giá do DOC ước tính áp với các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu sản phẩm mật ong của Việt Nam là 47,56-138,23%. Thời gian điều tra là 12 tháng, có thể gia hạn thêm 6 tháng theo quy định của Mỹ.

Hiện nay, hơn 95% sản lượng mật ong của Việt Nam đang xuất khẩu vào Mỹ. Nếu Mỹ áp thuế chống bán phá giá, mật ong Việt Nam sẽ rất khó khăn về đầu ra, kéo theo đó là sinh kế của 35.000 người nuôi ong Việt Nam bị thiệt hại nặng nề.

Doanh nghiệp và người nuôi ong hoang mang

Tại buổi tọa đàm: “Ngành mật ong ứng phó với việc Mỹ điều tra chống bán phá giá” do Báo Điện tử Dân Việt tổ chức ngày 2/11, bà Phạm Châu Giang, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (PVTM - Bộ Công Thương) cho biết, sản phẩm mật ong xuất khẩu đã được Bộ Công Thương đưa vào Danh sách cảnh báo có nguy cơ bị điều tra PVTM, điều tra lẩn tránh thuế Quý IV/2020. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên sản phẩm mật ong của Việt Nam bị đề nghị điều tra PVTM nên khó tránh khỏi việc một số DN ban đầu cảm thấy hoang mang, lo lắng.

“Có 2 điểm bất lợi trong vụ việc này, đó là Việt Nam vẫn bị coi là phi thị trường và hai là Việt Nam được thiên nhiên ưu đãi nên giá sản phẩm cũng thấp hơn nên đó là lý do cáo buộc nước ngoài đối với Việt Nam, bởi biên độ ước tính của DOC với mật ong của Việt Nam cao hơn các nước khác”, bà Giang cho biết.

Từ vụ mật ong Việt bị Mỹ điều tra phá giá: Tránh tập trung vào 1 thị trường ảnh 1
Những DN sản xuất và xuất khẩu mật ong Việt Nam đều là các DN nhỏ và năng lực tài chính còn yếu.

Theo ông Đinh Quyết Tâm - Chủ tịch Hội nuôi ong Việt Nam, hiện nay người nuôi ong Việt Nam vẫn chưa có ý thức về chất lượng mật, trong khi theo tiêu chuẩn quốc tế đòi hỏi hàm lượng và quy trình nuôi khác biệt, có tính đến các yếu tố khí hậu và thổ nhưỡng. “Khi sản phẩm mật ong của Việt Nam đối diện với sự điều tra và nghi ngờ của đối tác sẽ là khó khăn rất lớn đối với các DN và người nuôi ong. Hiện nay, có trên 20 DN trong nước đã hợp tác với luật sư để tiến hành các điều tra sơ bộ của Mỹ”, ông Tâm thông tin.

Thực tế hiện nay, mỗi năm xuất khẩu mật ong của Việt Nam chỉ dưới 100 triệu USD, nhỏ so với 41 tỷ USD xuất khẩu nông sản nhưng lại có ảnh hưởng lớn tới đời sống và thu nhập của người dân. Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho hay, những DN sản xuất và xuất khẩu mật ong Việt Nam đều là các DN nhỏ và năng lực tài chính còn yếu. Nên khi Mỹ quyết định điều tra chống bán phá giá sản phẩm mật ong đã tác động lớn đến năng lực sản xuất trong nước. Giá mật ong đã giảm đáng kể và rất nhiều người nuôi ong lo lắng.

Phải coi mật ong là một ngành kinh tế

Để đối phó với các biện pháp điều tra PVTM đối với sản phẩm nông sản nói chung và mặt hàng mật ong nói riêng trước mắt cũng như lâu dài, các chuyên gia cho rằng, vấn đề chất lượng sản phẩm vẫn luôn phải được coi trọng. Cùng với đó, các biện pháp cảnh báo sớm và mở rộng thị trường sẽ là những giải pháp mang tính bền vững cho sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam trong tương lai.

Ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho hay, Hiệp hội nuôi ong Việt Nam đã và đang hợp tác chặt chẽ với Mỹ trong vụ điều tra. Phía Bộ NN&PTNT đã đề nghị cơ quan có thẩm quyền tác động với đối tác Mỹ trong việc xem xét chứng minh về việc phá giá trong sản phẩm mật ong của Việt Nam để đình chỉ điều tra hoặc có mức thuế phù hợp.

“Để tránh xảy ra sự việc tương tự, chúng ta cần đa dạng hóa thị trường, mở rộng xuất khẩu ra nhiều nước khác trên thế giới. Tránh phụ thuộc quá nhiều vào 1 thị trường như Mỹ sẽ rất dễ dẫn tới những ảnh hưởng nặng nề về việc xuất khẩu. Cùng với đó, các DN và người dân cần tập trung nhiều hơn nữa về chất lượng sản phẩm”, ông Chinh khuyến cáo.

Cho rằng vấn đề chất lượng, tối ưu hóa sản phẩm phải được đặt mức độ cao nhất để đáp ứng được yêu cầu của thị trường, chuyên gia Hoàng Trọng Thủy đề nghị các cơ quan quản lý của nhà nước như Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính cùng các Tham tán Việt Nam tại nước ngoài cần có trách nhiệm hơn đối với việc sản xuất và xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam ra thị trường thế giới.

“Qua bài học của ngành mật ong, các cơ quan nhà nước cần tăng cường liên kết dọc theo đường đi của nông sản  xuất khẩu, phải coi mình như một tác nhân trong chuỗi giá trị của sản phẩm. Cần cấu trúc, tổ chức lại sản xuất của ngành chăn nuôi ong theo hướng hiện đại với việc xác định mật ong là một ngành kinh tế thì tác nhân trong chuỗi giá trị mới được nâng cao bền vững”, vị chuyên gia này nói.

Từ vụ mật ong Việt bị Mỹ điều tra phá giá: Tránh tập trung vào 1 thị trường ảnh 2
Chuyên gia Hoàng Trọng Thủy đề xuất các giải pháp bền vững cho ngành mật ong Việt Nam.

Ngoài ra, chuyên gia Hoàng Trọng Thủy cũng lưu ý đến công tác theo dõi và thông tin kịp thời về thị trường để người nuôi ong được cập nhật thông tin mới, tránh khỏi tầm ngắm của việc điều tra PVTM. Cùng với đó là việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; sử dụng các chuyên gia pháp luật về thương mại quốc tế để trợ giúp cho các khâu trong chuỗi giá trị.

“Tư duy của các Bộ, ngành phải luôn đi trước để mở đường và tháo gỡ những vướng mắc về pháp lý trong thương mại quốc tế. Nếu thiếu các chuyên gia thương mại, đường đi của nông sản Việt Nam ra thế giới vẫn còn thiếu sự linh hoạt, mất tính chủ động cũng như quyền được bảo vệ”, ông Thủy cảnh báo.

Nêu giải pháp cho vấn đề này, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại - bà Phạm Châu Giang cho biết, ngay khi Mỹ chính thức khởi xướng điều tra vụ việc, Cục PVTM đã liên tục trao đổi với từng DN xuất khẩu để tìm hiểu thông tin cũng như tư vấn hỗ trợ DN xây dựng chiến lược kháng kiện phù hợp với DN mình. Đồng thời thường xuyên theo dõi những diễn biến mới của vụ việc từ Cơ quan điều tra Mỹ để thông báo tới Hiệp hội và các DN xuất khẩu mật ong Việt Nam nhằm đảm bảo thời hạn phối hợp cung cấp thông tin cho phía Hoa Kỳ.

“Với sự chuẩn bị ngay từ sớm của các DN và Hiệp hội, bên cạnh các hoạt động hỗ trợ và tư vấn của các cơ quan quản lý nhà nước, tôi tin rằng các doanh nghiệp xuất khẩu mật ong Việt Nam cũng đã có sự chuẩn bị khá tốt cho vụ việc”, bà Giang tin tưởng.

VOV

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Cạnh tranh gay gắt trong xuất khẩu gạo

Cạnh tranh gay gắt trong xuất khẩu gạo

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam hiện ở mức 578 USD/tấn. Trong khi đó, gạo cùng chủng loại của Thái Lan đã giảm sâu trong tuần qua, xuống mức thấp hơn so với Việt Nam, đạt 575 USD/tấn, còn gạo của Pakistan là 587 USD/tấn. Thị trường gạo thế giới vẫn đang tiếp tục ghi nhận nhiều biến động từ cả phía các quốc gia xuất khẩu và nhập khẩu gạo.

Tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng dệt may xuất khẩu

Tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng dệt may xuất khẩu

Mặc dù Việt Nam đứng trong top 3 quốc gia xuất khẩu dệt may hàng đầu thế giới nhưng ngành dệt may nước ta đang đối diện rất nhiều khó khăn khi nhu cầu tiêu dùng sụt giảm, lượng tồn kho cao, sức cạnh tranh diễn ra ngày càng quyết liệt...

Xúc tiến thương mại để thúc đẩy xuất - nhập khẩu

Xúc tiến thương mại để thúc đẩy xuất - nhập khẩu

Tại hội nghị xúc tiến thương mại và phát triển xuất - nhập khẩu vùng Trung du, miền núi phía Bắc do Bộ Công Thương và UBND tỉnh Lào Cai phối hợp tổ chức, các đại biểu đã sôi nổi chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và bàn thảo những giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp, thương mại, xuất - nhập khẩu.

Chắc chắn hoàn thành mục tiêu tỷ lệ che phủ rừng

Chắc chắn hoàn thành mục tiêu tỷ lệ che phủ rừng

Mặc dù mới qua nửa chặng đường thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 nhưng có thể khẳng định mục tiêu tỷ lệ che phủ rừng chắc chắn hoàn thành. Để làm rõ nội dung này, phóng viên Báo Lào Cai đã phỏng vấn đồng chí Nguyễn Quang Vĩnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Ngăn chặn sâu đo hại quế lây lan ra diện rộng

Ngăn chặn sâu đo hại quế lây lan ra diện rộng

Hiện nay, tại một số địa phương như Bắc Hà, Bảo Thắng, Bảo Yên, Văn Bàn có sâu đo gây hại mạnh trên cây quế với mật độ phổ biến 30 - 100 con/cây, cục bộ có nơi đến 200 con/cây. Ngành chức năng và các địa phương đang triển khai nhiều giải pháp ngăn chặn, không để sâu lan ra diện rộng.

Đưa vùng Trung du và miền núi phía Bắc ra khỏi “vùng trũng” trong phát triển thương mại

Đưa vùng Trung du và miền núi phía Bắc ra khỏi “vùng trũng” trong phát triển thương mại

Đó là ý phát biểu nhấn mạnh của đồng chí Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công Thương tại Hội nghị xúc tiến thương mại và phát triển xuất - nhập khẩu vùng Trung du, miền núi phía Bắc do Bộ Công Thương và UBND tỉnh Lào Cai phối hợp tổ chức sáng nay (12/4) tại thành phố Lào Cai.

fb yt zl tw