14 họa sĩ, nhà điêu khắc là giảng viên Trường ĐH mỹ thuật Việt Nam vừa giới thiệu 38 tác phẩm trong triển lãm chuyên đề sơn mài do nhà trường tổ chức vào chiều 4-5.
![]() |
Họa sĩ Trần Hoàng Sơn trao đổi với đồng nghiệp về kỹ thuật sơn mài bên chùm tác phẩm của mình. |
Dòng chảy tác phẩm mỹ thuật sơn mài nổi tiếng của Việt Nam bắt nguồn từ việc khai thác hiệu quả chất liệu truyền thống của các họa sĩ Trường mỹ thuật Đông Dương – tiền thân Trường ĐH mỹ thuật Việt Nam hôm nay. Qua sự phát triển mỹ thuật hiện đại, đến thời hiện tại, các tác phẩm hội họa, điêu khắc sơn mài đang ngày càng chứng minh khả năng biểu đạt, ứng dụng rộng rãi, song hành với những tìm tòi, sáng tạo mới của nhiều thế hệ nghệ sĩ.
Ở triển lãm “Nghệ thuật với chất liệu sơn mài” lần này, tuy đa số không phải là những sáng tác mới nhất, nhưng các tác phẩm đã cho thấy những thể nghiệm độc đáo của các tác giả, phần nào phản ánh niềm tin “mới hóa”, đa dạng hóa chất liệu sơn mài được củng cố theo thời gian. Vượt ra khỏi những khung cảnh bình yên, êm đềm mang đậm không khí văn hóa truyền thống thường thấy trên tranh sơn mài, một số tác phẩm cho thấy “độ mở” về tạo hình khi nghệ sĩ lồng ghép, dồn nén các chi tiết, hình khối, hay “mô hình hóa, sơ đồ hóa” cả cảnh trí thiên nhiên hay trạng thái hạnh phúc của con người.
Đồng thời, không chỉ trên mặt phẳng của tranh, một số nghệ sĩ đưa sơn mài lên tác phẩm điêu khắc, vào vật dụng như tủ, đĩa, bình. Sơn mài thể hiện trên bề mặt gỗ, nhưng cũng được dùng đưa lên cả đá, composite. Có những bức tranh với chất liệu sơn mài “chiếm lĩnh” trên bề mặt rộng, tạo mảng và gây ấn tượng về sắc độ. Nhưng cũng có những tác phẩm điểm xuyết hoa văn sơn mài, tạo sự chuyển biến màu sắc. Có loạt tác phẩm tham khảo, ứng dụng kỹ thuật tranh sơn mài Nhật Bản, bề mặt tranh bóng, nhẵn, bao phủ trên những đường nét tạo hình tỉ mỉ, ngược lại với những tác phẩm đưa sơn mài lên bề mặt xù xì, thô ráp, gồ ghề, trở nên những điểm nhấn.
Triển lãm mở cửa đón khách tham quan đến ngày 13-6.