Ấm lòng người khó khăn
Gần 10 giờ sáng, 3 cô cấp dưỡng được trường Mầm non Trà My 2 “biệt phái” sang phục vụ tại mô hình “Bữa cơm yêu thương” cũng đã chế biến xong các món ăn. Các cô bắt đầu chuyển cơm, các món ăn từ bếp ra khu vực phục vụ để đón tiếp mọi người đến ăn cơm trưa “0 đồng”. Các khâu từ nhập nguyên liệu, sơ chế, chế biến đều do nhà trường phụ trách, chăm chút thật kỹ càng với mong muốn tạo ra những bữa ăn thật ngon lành cho mọi người.
Sau một hồi đạp xe quanh các con đường để lượm ve chai kiếm thêm thu nhập, bà Nguyễn Thị Hà ở khu phố 7, phường Phú Lợi cảm thấy chân đã mỏi, bụng cũng bắt đầu “kêu réo”. Trưa nắng gắt, lại đang đói bụng, đúng lúc ngang qua đây nên bà tấp xe dựng bên bờ tường rồi tranh thủ ngồi nghỉ chân chút. Khi các cô cấp dưỡng bắt đầu phục vụ, bà Hà cũng tranh thủ đến nhận cơm ăn để còn tiếp tục cuộc mưu sinh. Dĩa cơm với các món ăn đầy ắp, còn nóng hổi, bà ngồi ăn rất ngon lành. Cuộc sống vất vả, còn nhiều khó khăn nên trông bà Hà già hơn rất nhiều so với tuổi 65 của mình. Cũng vì khó khăn, nên ngày ngày bà vẫn phải đạp xe khắp các con đường, ngõ hẻm lượm từng vỏ chai nhựa, vỏ lon bia hay các thứ khác có thể bán được để kiếm thêm chút thu nhập lo cho cuộc sống của mình. “Cơm ở đây ngon lắm, tôi vẫn thường đến đây ăn cơm. Nay được ăn cơm miễn phí, giúp tôi bớt đi một phần chi phí thường ngày”, bà Hà chia sẻ.
Sống một mình, ông Nguyễn Trung Cường, 61 tuổi, vẫn đi làm thuê để lo cho cái ăn cho mình. Nghề của ông là chuyên đi chặt cây thuê, khi có ai thuê mới có việc làm. Ông chia sẻ, mùa này ít người thuê nên ông cũng thất nghiệp thường xuyên, không có thu nhập. Trong lúc khó khăn, được giới thiệu đến địa chỉ phục vụ cơm miễn phí này, với ông đó là một sự hỗ trợ kịp thời thiết thực nhất. Nhận dĩa cơm đầy ắp từ những người phục vụ, ông ngồi lại vừa ăn vừa chuyện trò với mọi người xung quanh hết sức vui vẻ. Thấy ông mang theo mấy hộp nhựa, chúng tôi hỏi thăm thì ông cười xòa cho biết sau khi ăn xong ông sẽ xin thêm một phần để chiều về có cái “dằn bụng”. Dù chỉ phục vụ ăn trưa tại quán, nhưng trước hoàn cảnh khó khăn của ông, những người phục vụ ở đây cũng rất sẵn lòng, còn múc cho ông thật nhiều cơm với đồ ăn.
Lan tỏa tình yêu thương
Với nhiều người, quán cơm chay Mẫn Tài chuyên phục vụ món ăn chay với giá “yêu thương” không còn xa lạ. Trước khi trở thành địa chỉ phục vụ cơm trưa “0 đồng” như hiện nay, nơi đây từng là quán bán cơm nhưng cũng rất “tình thương mến thương” với mỗi phần cơm chỉ có giá 1.000 đồng. Vì thế, từ lâu nơi đây trở thành địa chỉ quen thuộc của rất nhiều người dân khó khăn trên địa bàn, người đi đường.
Càng đến trưa, người đến ăn cơm tại quán càng đông hơn. Xua tan cái nắng nóng bên ngoài đường, đến đây, mọi người cảm nhận được sự thoải mái bởi không gian thoáng đãng, chỗ ngồi ăn cơm thoải mái và quan trọng nhất là được đối xử giống nhau. Chị Mai Thị Mai Thanh, chủ quán cơm chay Mẫn Tài, cho biết cơm chay Mẫn Tài hoạt động từ năm 2014, đến dịch bệnh Covid-19 thì tạm nghỉ bán. Tâm nguyện của chị cũng như gia đình là mở ra một bếp ăn chay để gieo duyên cho tất cả mọi người, đặc biệt là phục vụ những bữa ăn trưa ấm lòng cho người dân khó khăn. “Lúc đầu quán bán mỗi suất ăn với giá 1.000 đồng để mọi người đến ăn không cảm thấy ngại, nhưng có nhiều người ăn xong lại ủng hộ số tiền nhiều hơn. Trong khi đó, gia đình chỉ muốn làm thiện nguyện bằng tấm lòng của mình, nên đã quyết định bán cơm với giá “0 đồng” để ai thích ăn chay đều có thể đến quán ăn miễn phí”.
Với mong muốn có thêm nhiều người biết và đến quán ăn cơm, sau thời gian tạm ngưng hoạt động, cơ sở Mẫn Tài đã phối hợp với Hội Chữ thập đỏ phường Phú Lợi ra mắt mô hình “Bữa ăn yêu thương”. Hiện tại, mỗi ngày mô hình phục vụ khoảng 200 suất cơm trưa “0 đồng” cho những người có nhu cầu vào lúc 10-12 giờ từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần. Tuy nhiên, theo chị chủ quán cơm chay Mẫn Tài, cũng là nhà tài trợ nguồn lực chính cho hoạt động của mô hình thì sau này khi có nhiều người biết và đến đây ngày một nhiều hơn, suất ăn phục vụ mỗi ngày cũng sẽ theo đó tăng lên. “Càng nhiều người đến đây ăn cơm thì mình càng thấy hạnh phúc hơn, chỉ đơn giản thế thôi”, chị Mai Thanh bày tỏ.
Với sự ra đời của mô hình “Bữa ăn yêu thương”, những người thích ăn chay, đặc biệt là người dân có hoàn cảnh khó khăn, những người bán vé số lẻ, lao động tự do khác bây giờ đã có thể đến đây mỗi trưa để ăn cơm “0 đồng” mà không phải đắn đo gì. Ở đây, người “bán cơm” và người đến ăn cơm lúc nào cũng vui vẻ, đối đãi với nhau rất tử tế. Ai muốn ăn nhiều có thể xin thêm cơm, đồ ăn mà không phải lo lắng về giá cả. Người ăn xong nở nụ cười thật tươi vì bụng đã no, lòng đã ấm. Họ không quên gửi lời cảm ơn đến nhà hảo tâm, những người đã chế biến ra những món ăn ngon, giúp họ có những bữa cơm yêu thương, đong đầy tình người giữa cuộc sống bươn chải còn nhiều khó khăn, vất vả. Người hỗ trợ, người phục vụ cũng thấy lòng mình hạnh phúc hơn vì đã trao đi, lan tỏa thêm nhiều yêu thương để nhân lên những điều tử tế, góp phần làm cho cuộc sống thêm phần tươi đẹp hơn.
Đây là một trong những mô hình thiện nguyện rất ý nghĩa, góp phần tích cực trong việc hỗ trợ người dân khó khăn. Từ mô hình này, địa phương sẽ tiếp tục làm cầu nối với các nhà hảo tâm để tiếp tục duy trì mô hình cũng như nhân rộng thêm những mô hình tương tự trong thời gian tới.