Nhiều tiềm năng và lợi thế
Nổi tiếng từ xưa đến nay là vùng sinh thái nông nghiệp đặc sắc của Bình Dương và vùng Đông Nam Bộ, cũng được xem là “Thánh địa” của các loại cây ăn quả, vườn cây ăn trái Lái Thiêu (thành phố Thuận An) là điểm thu hút người dân và du khách khắp nơi kéo về tham quan, dã ngoại tại những vườn cây xanh mát, quả ngọt trĩu cành, bên cạnh dòng sông Sài Gòn hiền hòa.
Theo UBND thành phố Thuận An, vườn cây ăn trái Lái Thiêu trải rộng 1.200ha trên địa bàn 6 xã, phường ven sông Sài Gòn, gồm: Vĩnh Phú, Lái Thiêu, Bình Nhâm, Hưng Định, An Thạnh và An Sơn. Đây là vùng trồng cây ăn trái lâu đời, khoảng 200 năm tuổi với nhiều chủng loại trái cây đặc sản nổi tiếng và được đánh giá là ngon nhất vùng miền Đông Nam Bộ như: Sầu riêng, bòn bon, mít tố nữ, nổi bật là măng cụt Lái Thiêu. Hằng năm, mùa trái cây bắt đầu từ tháng Ba và kết thúc vào tháng Năm âm lịch (Tết Đoan Ngọ).
Là địa điểm thu hút nhiều du khách ghé tham quan, khu vực cầu Ngang (phường Hưng Định, thành phố Thuận An) được chính quyền địa phương quan tâm đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng thời gian qua.
Phó Chủ tịch UBND phường Hưng Định Nguyễn Minh Huy cho biết, ngoài nâng cấp hạ tầng đường sá, phường cũng tăng cường công tác tuyên truyền về tiềm năng, lợi thế và hạn chế trong phát triển du lịch của địa phương để từng bước thay đổi cách nghĩ, cách làm của từng cá nhân, hộ gia đình, cùng nhau phát triển, nhân rộng mô hình du lịch sinh thái gắn với vườn trái cây chuyên nghiệp hơn.
Nổi tiếng với du lịch sinh thái vườn, thành phố Tân Uyên cũng được tỉnh Bình Dương chọn là điểm phát triển loại hình du lịch sinh thái sông nước, du lịch sinh thái miệt vườn trên cù lao Bạch Đằng và cù lao Thạnh Hội, theo quy hoạch phát triển du lịch tỉnh đến năm 2030.
Theo Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thành phố Tân Uyên Nguyễn Tấn Phát, lợi thế của Tân Uyên là có sông Đồng Nai chảy qua, cùng với đó là những vườn trái cây xanh mát quanh năm. Bên cạnh đó, thành phố còn có 12 di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng, trong đó có 1 di tích cấp quốc gia và 11 di tích cấp tỉnh. Các hộ dân tham gia các mô hình miệt vườn rất tích cực trong phát triển du lịch sinh thái.
Giám đốc Hợp tác xã Bưởi Bạch Đằng Nguyễn Hữu Tâm cho biết, hiện nay, hợp tác xã có 11 thành viên, tổng diện tích trồng bưởi khoảng 9,5ha, với chứng nhận VietGAP, một sản phẩm đạt OCOP 3 sao. Để đưa những vườn trái cây này đến gần hơn với khách du lịch, thời gian tới, hợp tác xã tiếp tục đẩy mạnh việc quảng bá, giới thiệu hình ảnh của cù lao xứ bưởi đến với du khách gần xa, góp phần vào mục tiêu chung phát triển du lịch sinh thái sông nước, du lịch sinh thái miệt vườn.
Cần “đòn bẩy” từ chính sách
Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Dương Trần Tuấn Hùng, doanh nghiệp muốn phát triển du lịch sinh thái tại Bình Dương đang gặp một số vướng mắc như nguồn vốn đầu tư lớn nhưng khó tiếp cận vốn vay, hạ tầng kết nối các điểm du lịch thiếu, chưa đồng bộ. Do đó, thời gian tới, Bình Dương cần có cơ chế, chính sách đặc thù để doanh nghiệp có thể phát triển loại hình du lịch sinh thái vườn, từ đó kéo du khách đến với tỉnh ngày một nhiều hơn.
Về chiến lược phát triển du lịch sinh thái thời gian tới, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương Nguyễn Thanh Phong, cho biết, tỉnh sẽ chú trọng khâu xây dựng chất lượng, biến đây thành sản phẩm đặc trưng của tỉnh.
Để làm được điều này, trước hết, cần thay đổi từ tư duy, nhận thức của các chủ nhà vườn; nâng cấp cơ sở vật chất, nhất là không gian nghỉ ngơi, hoạt động tại vườn; tổ chức các hoạt động du lịch gắn với vườn cây. Song song đó, liên kết các sản phẩm du lịch, hình thành mạng lưới; đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống giao thông; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao.
Mới đây, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cũng đã tham mưu UBND tỉnh Bình Dương xây dựng các chính sách phát triển du lịch lộ trình đến năm 2030. Trong đó, đề xuất hỗ trợ 20% chi phí đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch mới, tối đa không quá 300 triệu đồng cho mỗi sản phẩm.
Mục tiêu của tỉnh là thu hút đầu tư vào các sản phẩm du lịch đặc sắc như mô hình vườn cây ăn quả và cơ sở sản xuất nghề truyền thống nhằm phát triển du lịch sinh thái. Hướng đi này không chỉ giúp tạo ra sinh kế bền vững cho người dân, mà còn tăng sự hấp dẫn của du lịch Bình Dương.