Hiện thực hóa bằng công trình cụ thể
Ngay sau lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (ngày 26-9 vừa qua), UBND tỉnh Bình Dương đã triển khai nhiều dự án trọng điểm để hiện thực hóa Quy hoạch. Tỉnh khánh thành đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng, cầu Bạch Đằng 2 (nối Bình Dương và Đồng Nai), khởi công Khu phức hợp vòng xoay A1 (TP Thủ Dầu Một)... Trong đó, Khu công nghiệp Cây Trường với diện tích 700ha tại huyện Bàu Bàng do Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp-CTCP (Becamex IDC) đầu tư sẽ tập trung đa ngành với nhiều loại hình công nghiệp thế hệ mới. Cùng với đó, Becamex IDC đã ký kết với các đối tác Hàn Quốc thúc đẩy thương mại công nghiệp và đầu tư, sản xuất thông minh.
Trong tháng 11-2024 tới đây, Bình Dương sẽ khởi công dự án trọng điểm tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành với chiều dài qua địa bàn tỉnh là hơn 52km. Tuyến đường này là trục kết nối tỉnh Bình Dương với TP Hồ Chí Minh, Bình Phước, các tỉnh Tây Nguyên và kết nối các vị trí quan trọng khác như cảng hàng không, cảng biển. Tỉnh cũng đang huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại khác, gắn với phát triển công nghiệp - dịch vụ - đô thị. Đây là những bước chạy đà quan trọng để Quy hoạch tỉnh sớm đi vào thực tiễn và là bước chuẩn bị chu đáo trong việc đẩy mạnh thu hút đầu tư.
Đồng chí Phạm Trọng Nhân, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương cho biết: Quy hoạch tỉnh Bình Dương được xây dựng bám sát Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Quy hoạch tỉnh sẽ tạo động lực mới cho tỉnh phát triển dựa trên nền tảng về chuyển đổi số, phát triển xanh, thông minh và bền vững, gắn với nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Sở sẽ tham mưu kế hoạch chi tiết để tỉnh thực hiện 37 nhiệm vụ nhằm thực thi đồng bộ Quy hoạch, đưa tỉnh phát triển và là mắc xích kết nối quan trọng của vùng Đông Nam Bộ.
Để triển khai chặt chẽ Quy hoạch, Bình Dương tiến hành phân vùng phát triển với không gian động lực chính dọc theo trục Bắc Nam. Trong đó, khu vực phía Nam của tỉnh sẽ chuyển dịch công nghiệp lên phía Bắc, tái cơ cấu để phát triển đô thị tri thức và thương mại dịch vụ. Khu vực trung tâm tỉnh xây dựng thành hệ sinh thái khoa học-công nghệ, đào tạo nhân lực chất lượng cao, hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và khởi nghiệp. Đồng thời, phía Bắc sẽ tập trung phát triển công nghiệp sinh thái, năng lượng xanh và bảo tồn thiên nhiên.
Ở góc độ nhà đầu tư, ông Oh Dongkun, Tổng giám đốc Công ty TNHH Becamex Tokyu cho rằng, Quy hoạch tỉnh Bình Dương là bước tiến nổi bật trong chặng đường phát triển mới, nhất là ngày càng hoàn thiện hạ tầng giao thông, hạ tầng số, hạ tầng khu công nghiệp. Các doanh nghiệp nước ngoài thêm an tâm đầu tư, lập các kế hoạch phát triển lâu dài, bền vững.
Phát huy “3 tiên phong”
Tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh, để thực hiện tốt Quy hoạch, tỉnh phải phát huy “3 tiên phong”, gồm: Tiên phong kết nối nền kinh tế với vùng, khu vực, quốc gia, quốc tế; tiên phong xanh hóa, số hóa nền kinh tế, chủ động phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, kinh tế ban đêm; tiên phong xây dựng các khu công nghiệp thế hệ mới theo hướng xanh, số, công nghệ cao, thông minh, khuyến khích đổi mới sáng tạo, lập nghiệp và tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Trên thực tế thời gian qua, Bình Dương đã chủ động tiên phong xây dựng các khu công nghiệp thế hệ mới, phát triển hệ sinh thái sản xuất bền vững và công nghệ cao, gắn liền với chiến lược ESG (tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp) để đón nguồn lực đầu tư chất lượng cao. Trong những ngày cuối tháng 9-2024, tỉnh đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 8 dự án với tổng vốn hơn 1,8 tỷ USD. Lũy kế đến nay, Bình Dương đứng thứ 3 cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với hơn 4.300 dự án còn hiệu lực và tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 41 tỷ USD, chiếm 8,5% tổng vốn đầu tư FDI của cả nước. Theo Quy hoạch, tỉnh đang dành 18.900ha đất để phát triển công nghiệp, sẵn sàng chào đón dòng vốn FDI có chất lượng.
Theo Quy hoạch, Bình Dương phát triển hệ sinh thái công nghệ, tái tổ chức đô thị, từ đó duy trì vị thế phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Tỉnh cũng mở rộng mạng lưới quốc tế thông qua hợp tác với các trung tâm sáng tạo và các đại học hàng đầu, tiêu biểu như Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh và Đại học Quốc gia Singapore. Mới đây, Becamex IDC, Ban Quản lý Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore và Đại học Quốc gia Singapore đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác, thúc đẩy hoạt động phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh kết nối với ngành công nghiệp và thúc đẩy chuyển giao công nghệ.
Đồng chí Mai Hùng Dũng, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương cho biết: Thành công của tỉnh được cụ thể hóa qua 3 chiến lược chủ đạo: Môi trường kinh doanh hiệu quả; xã hội nhân văn hài hòa; chính quyền năng động, kiến tạo. Những chiến lược này tiếp tục trở thành nền tảng vững chắc cho Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bình Dương đã và đang chuẩn bị tốt các điều kiện để tăng cường hiệu quả hợp tác, khai thác thời cơ từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhằm chủ động đón dòng vốn đầu tư chất lượng cao.
Quy hoạch tỉnh Bình Dương sẽ tạo đột phá tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ sinh thái phát triển mới, tạo môi trường thuận lợi và nguồn nhân lực chất lượng cao để thu hút các nhà đầu tư chiến lược trong nước, quốc tế với những dự án trọng điểm mang tầm quốc gia, khu vực. Từ nay đến năm 2030, tỉnh phối hợp xây dựng, hoàn thiện các dự án hạ tầng kết nối liên vùng; xây dựng, phát triển các trung tâm phức hợp về đô thị - công nghiệp - dịch vụ cấp vùng.
Điểm nhấn quan trọng của Quy hoạch tỉnh Bình Dương là xác định rõ đến năm 2030, tỉnh sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2021-2030 đạt khoảng 10%/năm và tỷ trọng kinh tế số đạt 30% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), thu nhập bình quân đầu người năm 2030 đạt khoảng 15.800 USD.