Yên Thành: Mái nhà - Mái ấm tình người

YBĐT - Giống như nhiều địa phương khác trong tỉnh, xã Yên Thành, huyện Yên Bình (Yên Bái) chịu hậu quả nặng nề bởi cơn bão số 4, cả trăm ngôi nhà bị ngập nước và sạt đất, đường giao thông bị chia cắt, ruộng bị bồi lấp, ao thả cá bị vỡ... nhưng ở xã vùng sâu, vùng xa này có một sự khác biệt.

Đó là trong khi chính quyền các địa phương khác còn đang lúng túng chưa biết bố trí nơi tái định cư cho những nhà đã bị lũ cuốn và những nhà sống trong khu vực nguy hiểm thì ở Yên Thành, bà con đã giúp nhau thửa đất, giúp nhau san tạo mặt bằng và giúp nhau dựng lại nhà mới, ổn định cuộc sống.

Hôm 9/9, tức là đúng 1 tháng sau khi cả xã Yên Thành và nhiều xã khác trong huyện, trong tỉnh chịu cảnh lũ lụt, gia đình chị Trần Thị Mai ở thôn 1 xã Yên Thành được bà con trong thôn đến giúp làm lại nhà ở. Nếp nhà tuy không được khang trang như trước nhưng cũng đủ để cả gia đình chị sinh hoạt yên ấm, thay thế cái lều bé tý, bé tẹo thấp lè tè, dựng tạm ngay ven đường Yên Thế - Vĩnh Kiên, lại sát mép nước hồ Thác Bà, vừa chật chội, vừa nguy hiểm. Chị Mai và anh Thạch - chồng chị phấn khởi và xúc động lắm, vì ngôi nhà này dựng lên không chỉ nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước bằng số tiền 5 triệu đồng mà bằng cả tấm lòng của bà con trong thôn, trong xã. Anh Thạch cho biết: "Từ hôm mất nhà, ngày nào cũng có người đến giúp, tất cả là hơn 300 lượt người rồi, vật liệu như tre, nứa, cọ, gỗ cũng được anh em, làng xóm giúp đỡ”.

Niềm vui có nhà, có đất mới không chỉ đến với riêng gia đình anh Thạch, chị Mai mà đã và đang đến với tất cả 22 hộ bị mất nhà và buộc phải di chuyển đến nơi ở mới ở xã Yên Thành. Ông  Nguyễn Văn Toàn - Chủ tịch UBMTTQ xã Yên Thành là người khá thạo việc, có lẽ chất lính Tây Nguyên đã giúp ông có đủ uy tín và năng lực để cùng với Đảng ủy, chính quyền và các đoàn thể vận động nhân dân giúp nhau khôi phục bão lũ, không quá trông chờ, ỉ lại từ cấp trên.

Tiếp chúng tôi, không cần sổ sách ông báo cáo rành rọt tình hình hậu quả bão lũ và việc giúp dân ổn định cuộc sống: lũ đã làm 2 người chết, 7 nhà sập hoàn toàn, 15 nhà khác bị sập một phần buộc phải di chuyển, 144/743 hộ toàn xã bị ngập, lụt và sập đất, nhiều tuyến giao thông bị chia cắt do sạt lở đất... Ngay trong đêm 8/8, xã đã cử được 13 người khỏe mạnh đi cứu giúp những nhà bị sập đất, di chuyển nhiều người và tài sản đến nơi an toàn, tìm kiếm người bị nạn và tổ chức mai táng cẩn thận. Liên tiếp những ngày sau đó, cán bộ và nhân dân đã tích cực phân phát hàng cứu trợ, giúp nhau tìm kiếm tài sản, moi móc bùn đất và dựng lại nhà cửa với tổng số hơn 5000 ngày công. Nhiều gia đình mất nhà cửa, tài sản hoặc nhà trong vùng nguy hiểm được chuyển đến nhà của anh em, họ hàng và làng xóm ở tạm. Khi cuộc sống đã tương đối ổn định, cấp ủy, chính quyền địa phương bắt đầu tính đến chuyện làm nhà mới cho dân.

Có thể nói, lo đất tái định cư cho hàng chục hộ cùng lúc là vấn đề hết sức khó khăn, đòi hỏi thời gian và kinh phí lớn. Ở Yên Thành còn khó khăn hơn vì đặc thù xã có diện tích lớn với gần 5000 ha nhưng địa hình tự nhiên phức tạp, đồi núi cao, độ dốc lớn lại nằm sát hồ Thác Bà nên nói như ông Chủ tịch MTTQ xã là "Rất bí đất làm được nhà ở", trong khi đó gần như toàn bộ diện tích đất đã giao hết cho dân.

Đứng trước khó khăn trên, cả hệ thống chính trị ở Yên Thành đều nhận thức rõ: Dân mất nhà thì Nhà nước sẽ hỗ trợ nhưng không thể hỗ trợ tất cả, nhất là lo đất ở cho từng ấy hộ; nhân dân cần giúp nhau đất để dựng lại nhà bằng nhiều cách như cho không, đổi đất canh tác, bán với giá thấp và bán chịu không lấy lãi... Đất ở vùng cao Yên Thành tuy không có giá như nhiều vùng quê khác nhưng các cụ đã dạy "Tấc đất, tấc vàng" và lại như đã nói ở trên, đất có thể làm được nhà ở Yên Thành rất khan hiếm nên việc cho nhau đất, bán rẻ, chưa lấy tiền, không tính lãi... lúc đầu nghe cũng rất khó nhưng ban mặt trận các thôn đã phân tích cho bà con ta hiều "Khó khăn thì mới cần tới sự giúp đỡ, mà mình không tự giúp nhau thì đợi ai đến giúp".

Với phương châm trong dòng tộc giúp nhau trước, tiếp đến là chòm xóm giúp nhau nên việc vận động giúp nhau có đất làm nhà cũng trở nên đơn giản hơn. Bắt đầu là viêc ông Trần Văn Quyền ở Ngòi Cụ, ông Lý Văn Tấm ở thôn 1 cắt đất nhà mình chia lại cho con cháu mất nhà mất cửa, rồi các thôn 3, 4, 9... bà con chia đất cho nhau để anh em, hàng xóm những người hoạn nạn có đất để làm nhà.

Đặc biệt anh Hoàng Văn Định ở thôn 2 đã cho không gia đình anh Bàn Văn Thịnh một thửa đất khá đẹp, ngay sát đường ô tô với diện tích 252 m2. Vẻ chất phác và đôn hậu luôn hiện trên khuôn mặt anh Hoàng Văn Định. Tiếp chúng tôi, anh tâm sự: "Lũ vừa rồi nhà mình mất hết ao cá và 3 sào lúa, nhà em mình mất toàn bộ hơn 5 sào ruộng, kinh tế cũng khó khăn lắm nhưng nhà Thịnh khó khăn quá, gia đình bên ấy cũng chẳng còn đất mà chia, vì thế, mình đã bàn với vợ, xin phép ông bà cho Thịnh một phần đất. Rất may mình ít con, chỉ 2 đứa nên sức ép nhà cửa cũng không lớn, giờ anh em, thôn xóm lại giúp nó san nên và làm nhà". Chia cho nhau một phần đất hương hỏa, rộng rãi và thuận lợi mà anh Định nói cứ nhẹ như không. Rồi mai đây cả 22 hộ dân ở Yên Thành có nơi ở mới bằng sự giúp đỡ của cộng đồng thôn xóm.

Người Dao ở Yên Thành đúng là còn nghèo thật nhưng cách nghĩ, cách làm của họ đã vượt qua giá trị vật chất bình thường để đến với nhau, giúp đỡ nhau trong cơn khốn khó. Thật đáng quý và đáng trân trọng giá trị của tình người.

 Lê Phiên

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Chính quyền cấp xã mới - Kỳ vọng từ người dân

Chính quyền cấp xã mới - Kỳ vọng từ người dân

Mô hình chính quyền cấp xã mới sau sắp xếp đơn vị hành chính theo hoạt động chính quyền địa phương hai cấp, đánh dấu bước tiến quan trọng trong tiến trình cải cách hành chính. Khi chính quyền cơ sở được trao thêm quyền, chủ động, gần dân hơn, đúng với tinh thần xây dựng chính quyền phục vụ, niềm tin và kỳ vọng của người dân, trong đó có người dân tỉnh Lào Cai, ngày càng được củng cố và lan tỏa.

Công bố hiệu quả điều trị mất ngủ nhờ thái cực quyền, yoga và chạy bộ

Công bố hiệu quả điều trị mất ngủ nhờ thái cực quyền, yoga và chạy bộ

Một phân tích tổng hợp vừa công bố trên tạp chí BMJ Evidence Based Medicine cho thấy các hình thức vận động như yoga, thái cực quyền, đi bộ và chạy bộ có thể giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ, giảm triệu chứng mất ngủ với hiệu quả tương đương, thậm chí vượt trội so với các phương pháp điều trị truyền thống, bao gồm cả liệu pháp hành vi nhận thức (CBT).

Chuyến tàu thanh niên với hành trình về nguồn: Đi để yêu thêm đất nước anh hùng

Chuyến tàu thanh niên với hành trình về nguồn: Đi để yêu thêm đất nước anh hùng

Chiều ngày 17/7, tại ga Hà Nội, chương trình “Chuyến tàu thanh niên với hành trình về nguồn: Việt Nam đi để yêu - Quảng bá nét đẹp văn hóa, du lịch Việt Nam” đã chính thức khai mạc. Uỷ viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Hải Bình tham dự và phát biểu chỉ đạo.

fb yt zl tw