Việc đưa vào hoạt động tuyến du lịch xanh lăng Gia Long trong quần thể di tích Cố đô Huế thể hiện sự tiện ích của điểm đến di sản này. Hiện nay, tại khu vực lăng Gia Long đã lắp đặt hệ thống trạm tiếp nước hạn chế rác thải nhựa. Không gian nơi đây trong lành, bao phủ nhiều cây xanh, hồ nước, rất thuận lợi cho việc xây dựng điểm đến di sản xanh.
Chị Nguyễn Thị Huệ, du khách từ Hà Nội đến Huế cảm thấy hài lòng khi sử dụng nước uống tại trạm cấp nước uống miễn phí cho du khách ở các di tích. Theo chị Huệ, đây là hoạt động vừa có ý nghĩa về mặt kinh tế, vừa đảm bảo sức khỏe cho du khách và quan trọng là hạn chế sử dụng chai nhựa, góp phần bảo vệ môi trường. “Tuyên truyền cho người dân và khách du lịch nên bảo vệ môi trường trực tiếp như thế này là rất tốt. Du khách được trải nghiệm nước sạch như thế này góp phần giảm được rác thải nhựa, bảo vệ môi trường”.
Khách du lịch trải nghiệm các điểm cấp nước sạch miễn phí tại lăng Minh Mạng.
Du lịch phát triển cũng gây ra tác động tiêu cực đến môi trường như: tiêu thụ nhiều năng lượng, nước sạch, vật tư hàng hóa, tạo ra nhiều chất thải, đặc biệt là chất thải nhựa, túi nilon khó phân hủy... Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, nhiều đơn vị kinh doanh du lịch, dịch vụ, đặc biệt là các điểm di tích đã có những hoạt động, cách làm hay thu hút sự tham gia tích cực của cộng đồng và du khách về thay đổi thói quen.
Gần 2 năm nay, Ban Quản lý dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” đã phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế vận hành nhà chờ của du khách và trạm cấp nước tại các lăng vua Gia Long, Minh Mạng và Đồng Khánh, chùa Thiên Mụ và các điểm du lịch trong thành phố Huế.
Khách du lịch tham quan Huế được khuyến khích giảm dùng đồ nhựa dùng một lần.
Theo ông Lê Công Sơn - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, những điểm cấp nước ở các lăng và các điểm di tích sẽ là động lực để du khách cũng như người dân Huế dần hình thành thói quen giảm nhựa dùng một lần, hướng đến phát triển thành một cộng đồng sống xanh, bền vững, giữ gìn một thành phố Huế xinh đẹp cho thế hệ mai sau.
“Các trạm cấp nước miễn phí cho du khách sẽ hạn chế du khách đưa các chai nước nhựa, hoặc là các vật dụng bằng nhựa chứa nước khi vào các điểm di tích. Thông qua đó cũng là một giải pháp để tuyên truyền đến tất cả mọi người hạn chế rác thải khi vào các khu di sản. Từ đó, sẽ lan tỏa ra ngoài cộng đồng, để giúp cho Thừa Thiên Huế ngày càng xanh - sạch - sáng hơn”, ông Lê Công Sơn cho biết.
Thành phố Huế thường xuyên tổ chức dọn dẹp vệ sinh môi trường, thu gom rác thải.
Phát triển nhanh và bền vững theo hướng tăng trưởng xanh, kinh tế xanh là chiến lược phát triển xuyên suốt mà tỉnh Thừa Thiên Huế đang tập trung triển khai trong các lĩnh vực, trong đó có du lịch. Hiện nay, thành phố Huế thực hiện nhiều giải pháp giảm rác thải nhựa trong hoạt động du lịch, xây dựng các điểm du lịch xanh. Qua đó, nâng cao trách nhiệm của mỗi người dân và du khách trong bảo vệ môi trường, hướng đến một đô thị giảm nhựa vào năm 2024.
Bà Hoàng Ngọc Tường Vân - Giám đốc Ban Quản lý dự án "Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam" cho biết, việc đưa vào sử dụng các trạm tiếp nước sẽ góp phần thay đổi thói quen sử dụng rác thải nhựa sử dụng một lần của người dân, du khách; đồng thời giảm được lượng rác thải nhựa phát sinh loại bỏ ra môi trường và bảo đảm mỹ quan cho các điểm du lịch, di sản cũng như đô thị của thành phố Huế.
“Chúng tôi phối hợp với Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cũng như UBND thành phố Huế đẩy mạnh tuyên truyền về giảm nhựa sử dụng một lần ở các điểm di sản, điểm du lịch trên địa bàn thành phố Huế, thúc đẩy Huế trở thành một điểm đến di sản không rác thải nhựa”.