Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh: “Tôi tuyên bố COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu".
Hãng thông tấn AP (Mỹ) đưa tin điều này đánh dấu sự kết thúc mang tính biểu tượng với dịch COVID-19 đã dẫn đến tình trạng phong tỏa ở nhiều nơi, gây ảnh hưởng đến kinh tế toàn thế giới và khiến 7 triệu người tử vong trên toàn thế giới.
WHO cho biết dù giai đoạn khẩn cấp đã qua nhưng đại dịch vẫn chưa kết thúc. Gần đây số ca mắc COVID-19 đã tăng đột biến ở Đông Nam Á và Trung Đông. Cơ quan y tế của Liên hợp quốc cho biết hàng nghìn người vẫn đang chết vì COVID-19 mỗi tuần.
Tổng Giám đốc WHO Tedros cho biết đại dịch đã có xu hướng giảm trong hơn một năm qua. Ông cũng thừa nhận rằng hầu hết các quốc gia đã trở lại với cuộc sống như trước khi COVID-19 xảy ra, đồng thời bày tỏ sự nuối tiếc về những thiệt hại mà COVID-19 đã gây ra cho cộng đồng toàn cầu, làm đảo lộn việc kinh doanh và khiến hàng triệu người rơi vào cảnh nghèo đói.
Mặc dù vậy, ông cảnh báo vẫn còn rủi ro về các biến thể mới và nhấn mạnh: “COVID-19 đã thay đổi thế giới của chúng ta và thay đổi cả chính chúng ta”.
Trong lần đầu tiên tuyên bố dịch viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona gây ra là vấn đề khẩn cấp y tế toàn cầu vào ngày 30/1/2020, WHO vẫn chưa đặt tên cho nó là COVID-19. Hơn 3 năm sau đó, virus lây lan và ước tính có trên 764 triệu trường hợp mắc COVID-19 trên toàn cầu. Bên cạnh đó là 5 tỷ người đã tiêm tối thiểu một mũi vaccine phòng COVID-19.
Khi tuyên bố COVID-19 là tình trạng khẩn cấp vào năm 2020, Tổng Giám đốc WHO nói rằng nỗi sợ hãi lớn nhất của ông là nguy cơ lây lan của virus ở các quốc gia có hệ thống y tế yếu kém “không được chuẩn bị sẵn sàng”. Trên thực tế, một số quốc gia có số trường hợp tử vong vì COVID-19 tồi tệ nhất trước đó lại được đánh giá chuẩn bị tốt nhất cho đại dịch, bao gồm Mỹ và Anh.
Theo dữ liệu của WHO, số ca tử vong vì COVID-19 ở châu Phi chỉ chiếm 3% tổng số ca tử vong toàn cầu. Ngày 3/5, WHO đã công bố kế hoạch chiến lược ứng phó với COVID-19 cho giai đoạn 2023-2025. Chiến lược mới này duy trì 2 mục tiêu của kế hoạch trước đó, được đưa ra vào năm 2022, là giảm sự lây lan của dịch bệnh và điều trị để giảm tỷ lệ tử vong, tỷ lệ mắc bệnh và hậu quả lâu dài.