Các nhà nghiên cứu mặc bộ đồ bảo hộ thu thập các mẫu động vật hoang dã - nơi phát hiện có virus cúm gia cầm H5N1.
Ngày 18/4, Tiến sĩ Jeremy Farrar - Nhà khoa học trưởng tại WHO cho biết, việc H5N1 đang lây lan giữa động vật có vú đã làm gia tăng khả năng lây nhiễm cho con người và đặc biệt hơn cả là khả năng lây truyền từ người sang người.
Theo ông Farrar, chủng cúm AH5N1 đang trở thành đại dịch động vật toàn cầu. Ông cho rằng đây là mối lo ngại lớn vì sau khi lây lan trong gia cầm rồi lan sang động vật có vú thì đến nay, virus này đang tiến hóa và phát triển khả năng để lây cho con người và dần dần có thể là lây từ người sang người. Dù hiện vẫn chưa có bằng chứng cho thấy H5N1 lây lan giữa người với người nhưng hàng trăm ca mắc ở người do tiếp xúc với động vật đã được phát hiện, với tỷ lệ tử vong cao bất thường.
WHO cho biết, một đợt bùng phát bắt đầu từ năm 2020 đã dẫn đến cái chết và tiêu hủy của hàng chục triệu gia cầm. Gần đây, sự lây lan của virus ở một số loài động vật có vú, bao gồm cả gia súc nuôi ở Mỹ đã làm tăng nguy cơ lây lan sang người.
Chính quyền Mỹ trong tháng này đã ghi nhận trường hợp một người ở Texas (Mỹ) đã mắc bệnh cúm gia cầm sau khi tiếp xúc với bò sữa. Trường hợp nhiễm bệnh sau khi tiếp xúc với động vật có vú đã làm tăng nguy cơ lây lan ở người. Theo Tiến sĩ Farrar: "Khi có sự truyền nhiễm giữa động vật có vú, khả năng lây lan ở người sẽ gia tăng".
Theo WHO, từ năm 2003 đến năm 2024, đã có 889 ca nhiễm và 463 ca tử vong do H5N1 gây ra trên 23 quốc gia, đưa tỷ lệ tử vong của bệnh này lên tới 52%. Cho đến nay, chưa có ghi nhận về việc cúm gia cầm lây lan từ người sang người.