Từ ước mong ban đầu xây dựng những miền quê đáng sống, lấy đây là động lực, mục tiêu phấn đấu, giờ đây mục tiêu đó hiển hiện rõ ràng và trở thành thực tế sinh động ở huyện Bảo Thắng.
Tháng Năm lịch sử, thôn Hải Sơn 2, xã Phú Nhuận phấp phới cờ bay. Niềm hân hoan về một miền quê đáng sống hiện rõ trên vóc dáng quê hương và những câu chuyện kể của người dân nơi này.
Thôn Hải Sơn 2 có 100% hộ là đồng bào ở Hải Phòng lên Lào Cai. Đầu những năm 1960, theo tiếng gọi của Đảng, đồng bào miền xuôi lên Lào Cai lập vùng kinh tế mới, lập nên những chòm, xóm, cùng quần tụ với đồng bào các dân tộc địa phương. Hải Sơn - tên gọi đầy ý nghĩa với cả hình tượng sông núi, nước non. Với người dân nơi đây, tên gọi ấy trở nên thiêng liêng khi được tích hợp từ hai quê hương, “Hải” trong tên quê cha đất tổ “Hải Phòng”, “Sơn” ý chỉ vùng núi cao Lào Cai.
Từ thế hệ đầu tiên lên vùng đất Phú Nhuận khai hoang, giờ đây đã có 4 - 5 thế hệ người Hải Phòng sinh sống, bám đất bám làng, cùng kiến thiết vùng quê trù phú. Từ những buổi đầu vỡ đất khai hoang, mang theo kinh nghiệm làm nông nghiệp miền xuôi lên vùng sơn cước, mồ hôi, công sức của biết bao thế hệ người Hải Phòng ở Hải Sơn 2 đã làm nên những cánh đồng xanh ngát trải dài 14 ha, hơn 17 ha đất lâm nghiệp với sự hiện hữu của quế, chè, cây ăn quả các loại.
Năm 2019, thôn “về đích” thôn kiểu mẫu. Niềm vui ấy lan tỏa suốt bao tháng ngày, cho tới hôm nay, đây vẫn là niềm tự hào, động lực để bà con trong thôn cố gắng xây dựng quê hương thêm giàu đẹp.
Minh chứng là thôn Hải Sơn 2 có 104 hộ, nhờ chăm chỉ lao động, nhanh nhạy, cả thôn có 90% hộ có thu nhập trung bình khá, giàu; 44 hộ “Nhà sạch, vườn đẹp”. Mục tiêu đến năm 2025, có trên 60% hộ “Nhà sạch, vườn đẹp” được chi bộ đánh giá là trong khả năng thực hiện.
Gia đình ông Đỗ Phúc Minh là một trong những hộ miền xuôi thời kỳ đầu đặt chân đến vùng quê Hải Sơn và cũng là một trong những hộ “nhà sạch, vườn đẹp” ở địa phương hiện nay. Trong trí nhớ của ông Minh, Hải Sơn khi xưa là vùng đất gian khó, nhìn quanh đâu đâu cũng chỉ thấy núi đồi, lau sậy. Ấy vậy mà giờ những ngôi nhà khang trang, kiên cố mọc lên, đường giao thông vừa to, vừa đẹp, xe bon bon qua lại. Với ông, còn niềm vui nào hơn khi chứng kiến quê hương thứ hai của mình đang từng ngày thay da đổi thịt.
Rời Sơn Hải, chúng tôi tiếp tục hành trình đến thôn kiểu mẫu Mường 2 của xã Xuân Giao. Cánh đồng làng Mường độ này xanh ngắt. Trên cánh đồng ấy, những sóng lúa dập dìu mải miết chạy về chân núi phía xa và cả những khoảnh ruộng trồng rau màu đang vụ mùa tươi tốt.
Thôn Mường 2 hiện có 106 hộ, trong đó đồng bào Tày chiếm gần 70% số hộ, còn lại là đồng bào dân tộc Giáy, Kinh. Khoảng vài năm trở lại đây, thôn mang trong mình một luồng sinh khí mới. Chỉ mới đây thôi, vào năm 2023, tuyến đường trục thôn Mường 2 được mở rộng. Trên tuyến đường dài 2 km, bà con hiến hơn 2.000 m2, đóng góp 260.000 đồng/nhân khẩu để đường được rộng mở. Trước đó là tuyến đường nội đồng làng Mường được “khoác” áo mới; là tuyến đường liên thôn Mường 2 - Phẻo thành hình...
Tuyến đường nối những niềm vui. Đường mở rộng, vươn dài tới đâu thì những khó khăn, lạc hậu của bản Mường khi xưa bị đẩy lùi tới đó. Năm 2021, thôn Mường 2 rộn ràng niềm vui về đích thôn kiểu mẫu.
Theo ông Hà Ngọc Hồ, Bí thư Chi bộ thôn Mường 2, không có sự đoàn kết, mạnh dạn dám nghĩ, dám làm, dám hành động vì lợi ích chung của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, sẽ chẳng thể nào có được Mường 2 như hôm nay. Tinh thần ấy sẽ tiếp tục được địa phương phát huy để thực hiện các phần việc khác trong dựng xây quê hương. Mục tiêu gần nhất của thôn là tiếp tục nâng cấp đường ngõ xóm, tu sửa nhà văn hóa, để đời sống của bà con được nâng cao về mọi mặt, xứng đáng là “thôn kiểu mẫu”.
Câu chuyện ở hai thôn kiểu mẫu Hải Sơn 2, Mường 2 mang những nét riêng khi một nơi là đồng bào miền xuôi lên khai hoang, định cư, một nơi là đồng bào bản địa sinh sống lâu đời. Điểm giao nhau của hai miền quê ấy cùng biết bao miền quê khác ở dải đất ven sông Bảo Thắng là sự đổi thay đều đến từ những dấu chân cần cù lao động, tinh thần đổi mới, sáng tạo và khát khao vươn lên để dựng xây quê hương trù phú, no ấm.
Nhìn vào bức tranh nông thôn mới ở Bảo Thắng hôm nay sẽ thấy sự chung sức đồng lòng, tinh thần đổi mới, dám nghĩ, dám làm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trên địa bàn.
Thực hiện Đề án huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2022 - 2025, đến nay, toàn huyện có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, gồm Sơn Hà, Sơn Hải, Xuân Quang. Huyện đã đạt 5/9 tiêu chí, 4 tiêu chí còn lại phấn đấu đạt trong năm 2024.
Quan điểm của huyện Bảo Thắng là xây dựng nông thôn mới phải thực chất, hướng tới mục tiêu nâng cao đời sống Nhân dân và những miền quê đáng sống là một trong những hình ảnh rõ ràng nhất, thực tế sinh động nhất cho sự đổi thay.
Người dân, cộng đồng dân cư luôn là chủ thể của phong trào, với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”. Huyện xác định xây dựng thôn kiểu mẫu phải thực chất, đặt lợi ích của từng người dân, của cộng đồng lên trước, nhằm đảm bảo cho sự phát triển liên tục và bền vững.
Nhiều năm nay, huyện Bảo Thắng ghi dấu ấn với những khẩu hiệu ấn tượng trong xây dựng nông thôn mới nói chung, xây dựng thôn kiểu mẫu nói riêng như "Đường rộng, sáng điện, nhiều hoa/Nhân dân đồng lòng, nông thôn phát triển"; "Đường rộng hè thoáng văn minh/Xóm thôn không rác, nhà nhà chung tay"…
Thành quả xây dựng nông thôn mới của địa phương là minh chứng rõ nét của tinh thần dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo.
Ở bất cứ miền quê nào, Bảo Thắng cũng có những nhân tố điển hình, tích cực. Họ là những trưởng thôn, bí thư chi bộ, đảng viên, nhân dân dám hy sinh lợi ích riêng vì lợi ích chung của cộng đồng. Tinh thần dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm còn được thể hiện ở những việc làm mới như phong trào sáng thứ Bảy hướng về cơ sở được Thường trực, Ban Thường vụ Huyện ủy thực hiện từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay. Theo đó, Thường trực, Ban Thường vụ Huyện ủy dành buổi sáng thứ Bảy để về các thôn, tổ dân phố, nhất là các thôn đặc biệt khó khăn để nắm tình hình Nhân dân và giải quyết vướng mắc cho cơ sở.
Tinh thần dám đổi mới, sáng tạo được thể hiện ở việc địa phương ban hành các nghị quyết chuyên đề để giải quyết các vấn đề mà thực tiễn đòi hỏi. Đơn cử như Nghị quyết số 14 về mở rộng đường giao thông nông thôn đến năm 2025. Trong suốt 3 năm qua, tinh thần ấy được lan tỏa trên khắp các miền quê.
Minh chứng rõ nét là 259 km đường giao thông nông thôn được mở rộng; 250.000 m2 đất được người dân hiến; bà con đóng góp hơn 7.400 công lao động và ủng hộ trên 12 tỷ đồng để đường quê rộng mở.
Từ ước mong ban đầu xây dựng những miền quê đáng sống, lấy đây là động lực, mục tiêu phấn đấu, hôm nay mục tiêu đó hiển hiện và trở thành thực tế sinh động ở địa phương.
Hết năm 2023, trên địa bàn huyện có 87 thôn được công nhận thôn kiểu mẫu, đạt 60% so với tổng số thôn xây dựng thôn kiểu mẫu trên địa bàn. Bảo Thắng tiếp tục đặt mục tiêu có thêm 45 thôn kiểu mẫu trong năm 2024 để nối dài những miền quê ấm no, trù phú.