Tổng thống Ukraine bị cựu Phó Tổng công đòi khởi tố hình sự vì phản quốc, người dân không hài lòng để ông làm Tổng thống thêm nhiệm kỳ mới.
Sputnik hôm 13/1 dẫn đoạn status trên trang Facebook cá nhân của Cựu Phó tổng công tố Ukraine Renat Kuzmin kêu gọi người đứng đầu cơ quan an ninh của đất nước khởi tố hình sự Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko vì tội phản quốc và quản lý công ty Roshen thuộc sở hữu của ông.
Cựu Phó Tổng công tố Ukraine cho rằng, yêu cầu của ông là để "bảo vệ lợi ích của nhân dân Ukraine."
Cụ thể, ông Poroshenko đã tuyên bố "cuộc chiến tranh với Nga" và áp dụng các biện pháp trừng phạt chống Moskva, công ty của ông "gây thiệt hại cho Ukraine" bằng cách bán sản phẩm ở Crimea và tạo công ăn việc làm tại nhà máy ở thành phố Lipitsk của Nga.
![]() |
Tổng thống Poroshenko bị nhiều người tố tham nhũng. |
Roshen là một trong những nhà sản xuất bánh kẹo lớn nhất thế giới, công suất 450.000 tấn/năm. Khi ra ứng cử tổng thống Ukraine, Poroshenko hứa hẹn trong trường hợp thắng cử sẽ bán cổ phần chính của mình, nhưng cho đến nay điều này đã không xảy ra.
Tổng thống Ukraine đã từng bị tố tham nhũng nhiều lần. Cựu Nghị sỹ Quốc hội Ukraine là Aleksandr Onishchenko từng cáo buộc Tổng thống Ukraine “tuyên bố ông là người ủng hộ chế độ dân chủ và là người bạn của phương Tây, nhưng hành động của ông này và các cộng sự lại cho thấy một hình ảnh khác”.
“Tôi là một thành viên của Quốc hội Ukraine đã đích thân chứng kiến ông Petro Poroshenko tham gia vào các vấn đề tham nhũng với quy mô lớn chưa từng có” – ông Onishchenko tiết lộ.
Không những vậy, Tổng thống Poroshenko đã "ăn cắp hàng trăm triệu USD, đòi lại quả từ tất cả các hợp đồng của bất kỳ doanh nghiệp nào ở Ukraine”. Doanh nghiệp nào từ chối trả khoản này sẽ bị bức hại một cách có hệ thống.
Nghị sỹ này còn có những đoạn ghi âm các cuộc nói chuyện với ông Poroshenko, trong đó Tổng thống Ukraine ra lệnh “mua” các phiếu bầu của đại biểu Verkhovna Rada để thông qua những quyết định cần thiết.
Cựu Thống đốc khu vực Odessa- Mikheil Saakashvili cũng từng tố cáo Tổng thống "tiếp tay cho tham nhũng".
Tương lai buồn cho vị Tổng thống Ukraine
Với những tố cáo tham nhũng đối với Tổng thống Ukraine, ông khó có thể tái đắc cử nhiệm kỳ nữa trong tương lai, đặc biệt là với một năm 2016 đầy thất vọng.
Theo kết quả thăm dò dư luận của nhóm các nhà xã hội có tên là "Đánh giá" được công bố vào cuối tháng 12/2016, Tổng thống Petro Poroshenko chỉ đạt 13,5% số phiếu ủng hộ. Trong khi đó,người đứng đầu đảng "Tổ quốc", cựu Thủ tướng Ukraine Yulia Tymoshenko sẽ nhận được 17,7% nếu cuộc bầu cử Tổng thống diễn ra trong thời gian tới.
Một cuộc khảo sát trước đó cho thấy tỷ lệ người Ukraine không hài lòng với ông Poroshenko là 82%, do số lượng người thất nghiệp trong nước ngày càng tăng trong khi đồng tiền bị mất giá đáng kể. Theo Bộ Tài chính Ukraine, năm ngoái mức lương trung bình trong cả nước chỉ hơn 160 USD. Đây là một trong mức lương thấp nhất ở châu Âu. Khoảng 70% dân số Ukraine được khảo sát bày tỏ sự không hài lòng với cuộc sống của họ, và nhấn mạnh rằng tình hình đất nước đang đi theo "chiều hướng sai lầm".
Hãng thông tấn Nga RIA Novosti dẫn nguồn “Lời nói và công việc”, một trung tâm theo dõi việc thực hiện nghĩa vụ của các chính trị gia Ukraine cho biết, năm 2016 là một năm tồi tệ đối với tổng thống Ukraine Petro Poroshenko. Nhà lãnh đạo Kiev chỉ thực hiện được 22% lời hứa của mình, 13% lời hứa đang dở dang và có thể trở thành vô vọng, và những phần trăm còn lại thực sự đã rơi vào thế tuyệt vọng vĩnh viễn.
![]() |
Chính biến Maidan khó có thể lặp lại nhưng ông Poroshenko khó làm Tổng thống thêm nhiệm kỳ nữa. |
Tham vọng đạt được chế độ miễn thị thực EU cho người dân Ukraine của ông Poroshenko đang rơi vào bế tắc. Cánh cửa vào EU của Ukraine gần như đã bị đóng sập lại khi Ba Lan quyết định ngừng thỏa thuận, bởi trong cuộc trưng cầu dân ý vào tháng 4/2016, phần lớn người dân nước này đã bỏ phiếu chống.
Người dân Ukraine không chỉ bất mãn với Brussels mà họ còn cảm thấy bị chính phủ lừa dối. Họ cho rằng, EU sẽ thể hiện sự nhiệt tình hơn nếu Kiev hoàn thành được lời hứa về thực hiện cải cách và đấu tranh với tham nhũng. Tuy nhiên, việc công bố kê khai thuế điện tử của các quan chức Ukraine đã chứng minh những cam kết ít được thực hiện. Trên thực tế các công chức chưa làm thêm việc bên ngoài ngày nào lại sở hữu nhiều tài sản và những khoản tiền lớn.
Trong lĩnh vực khí đốt, chính quyền Kiev cũng không thể thực hiện được ý tưởng độc lập năng lượng. Thay vào đó, Ukraine đã phải mua khí đốt của châu Âu với giá trị lớn hơn nhiều. Việc này khiến tiền thuế của người dân tăng lên. Thậm chí vào tháng 11 vừa qua, sau nhiều lần tuyên bố từ chối nhập khẩu mặt hàng trên từ Nga, Naftogaz Ukraine đã thông báo sẵn sàng mua lại khí đốt của quốc gia láng giềng.
Bê bối nhất năm 2016 của Ukraine phải kể đến tình hình chính trị. Những mâu thuẫn từ các nhà lãnh đạo, các đảng phái không những không được giải quyết mà còn nặng nề và căng thẳng hơn so với trước.