LCĐT - Dân tộc Tày ở Văn Bàn sống quần tụ thành từng bản làng, mỗi bản có từ 30 đến 50 nóc nhà. Từ lâu, người Tày Văn Bàn có truyền thống canh tác lúa nước dọc các thung lũng, ven sông, suối nên làm thủy lợi rất giỏi. Họ biết áp dụng nhiều biện pháp “dẫn thủy nhập điền”, đưa nước về tưới cho ruộng lúa như đào, đắp mương, bắc đường ống nước hoặc máng dẫn nước, đắp đập, làm cọn nước tự động…
Vì sống tập trung ở các thung lũng bằng phẳng, màu mỡ, nhiều khe suối, thuận lợi cho việc trị thủy, cày cấy nên bản sắc văn hóa của người Tày Văn Bàn có nét đặc sắc riêng mang tính cộng đồng cao, trong đó có tục thăm đồng. Thực tế, hầu hết việc đồng áng nặng nhọc như làm kênh mương dẫn nước, ruộng bậc thang, cọn lấy nước và cày bừa thường do đàn ông thực hiện, còn việc thăm đồng do phụ nữ đảm nhiệm. Phụ nữ Tày chịu thương, chịu khó lại cẩn thận nên khi có ruộng, họ là những người đi kiểm tra xem nước có bị rò rỉ không, ruộng lúa có sâu bệnh và cỏ dại mọc nhiều không, cùng với đó là việc khơi thông mương máng, sửa chữa bờ bao nếu bị vỡ…
Thăm đồng, nét văn hóa riêng của phụ nữ Tày Văn Bàn. |
Chị Hoàng Thị Tiến, dân tộc Tày ở xã Thẳm Dương cho biết: Phụ nữ Tày ở Văn Bàn ai cũng biết làm ruộng. Đó là một trong những công việc chính mà họ được bà và mẹ dạy từ khi mới 6 - 7 tuổi, đến 10 tuổi là có thể cấy, gặt lúa giỏi và đương nhiên đều biết cách thăm đồng. Khi đi thăm đồng, các cô gái Tày sẽ được các mẹ, các chị truyền dạy kinh nghiệm đoán bệnh cây trồng, cách lấy nước, cách tính ngày thu hoạch…
Tục thăm đồng của phụ nữ Tày Văn Bàn có nét độc đáo, đó là đi thành đoàn và có lịch cụ thể để mọi người sắp xếp thời gian tham gia. Lý giải việc thăm đồng theo từng đoàn, chị Tiến chia sẻ: Các cụ ngày xưa kể, hầu hết ruộng của người Tày nằm ven các con suối, dưới chân cánh rừng già mà trong rừng có nhiều thú dữ, trăn, rắn, nếu phụ nữ đi thăm đồng một mình sẽ rất nguy hiểm, vì thế mọi người phải đi đông để bảo vệ nhau. Ngoài việc thăm đồng, đây còn là cơ hội để chị em chỉ dạy cho nhau kinh nghiệm sản xuất, hỏi thăm sức khỏe của người thân và chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống. Đoàn thăm đồng của phụ nữ Tày thường gồm nhiều lứa tuổi, có cả cụ bà 70, chị em 40 - 50 tuổi, cũng có thanh niên 18, đôi mươi và bé gái 10 - 13 tuổi.
Khi đi thăm đồng, phụ nữ Tày thường sửa chữa, khơi thông kênh mương và kiểm tra sâu bệnh hại lúa, cây hoa màu… |
Theo tìm hiểu của chúng tôi, lịch thăm đồng của phụ nữ Tày ở mỗi thôn, bản được quy định riêng, có nơi tổ chức 4 lần/tháng, có nơi 3 lần (mùng 5, 15 và 25 hằng tháng). Khi đi thăm đồng, phụ nữ Tày thường mang theo cuốc, dao và đeo thêm giỏ để đựng cua, cá, ốc nếu bắt được mang về cải thiện bữa ăn gia đình.
Anh Triệu Văn Đường, cán bộ văn hóa xã Thẳm Dương cho biết: Phụ nữ Tày vốn cần cù trong sản xuất nông nghiệp, họ quan niệm được mùa hay mất mùa không hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên mà còn do ý thức của phụ nữ trong nhà, người nào không tham gia thăm đồng và để mất mùa sẽ bị làng xóm chê cười. Do đó, các cụ bà người Tày thường dạy con gái, cháu gái mình câu: “Muối khẩu cẩu muối thứa” (tạm dịch: Một hạt gạo chín hạt mồ hôi).
Ngày nay, khi khoa học kỹ thuật phát triển, nhà nước đã đầu tư các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, việc đảm bảo nước tưới tiêu, phòng, trừ sâu bệnh chủ động hơn nhưng hầu hết ở các thôn, bản của người Tày Văn Bàn, phụ nữ vẫn duy trì tục thăm đồng. Những kinh nghiệm sản xuất truyền thống và kỹ thuật canh tác hiện đại sẽ tiếp tục được truyền dạy qua các thế hệ của người Tày Văn Bàn.