Tuyên ngôn Đảng Cộng sản 1848, một tác phẩm có tính chất vạch thời đại, đánh dấu sự hoàn thành quá trình hình thành chủ nghĩa Mác trên tất cả các bộ phận, trong đó có nguyên tắc tổ chức và hoạt động của chính đảng cách mạng của giai cấp công nhân. Nhận thức và quán triệt sâu sắc vấn đề này có ý nghĩa to lớn trong công tác xây dựng Đảng hiện nay ở nước ta.
Các Mác (1818 - 1883). |
C.Mác, Ph.Ăng-ghen hai nhà lãnh tụ thiên tài của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế; những người đầu tiên nêu lên tư tưởng cơ bản về tổ chức và hoạt động của đảng cộng sản. Hai ông đã trực tiếp tham gia vào phong trào công nhân để giác ngộ và từng bước xây dựng tổ chức cộng sản đầu tiên của giai cấp vô sản; tham gia cải tổ “Liên đoàn những người chính nghĩa” thành “Liên đoàn những người cộng sản” - tổ chức đảng vô sản đầu tiên của giai cấp công nhân.
Nhằm tạo cơ sở lý luận ban đầu cho tổ chức đảng vô sản hoạt động, C.Mác và Ph.Ăng-ghen đã thảo ra “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” và “Điều lệ của Liên đoàn những người cộng sản”. Riêng Ph.Ăng-ghen viết “Về lịch sử Liên đoàn những người cộng sản”. Sau này, C.Mác trực tiếp soạn thảo “Tuyên ngôn thành lập Hội liên hiệp công nhân quốc tế” và cùng với Ph.Ăng-ghen soạn thảo “Điều lệ chung và các quy chế hành chính” của Quốc tế thứ Nhất. Đó chính là những văn kiện có tính chất cương lĩnh và cơ sở tổ chức của các tổ chức cộng sản tiền bối. Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, các ông có những cống hiến trong việc nêu ra và lý giải về tính tất yếu khách quan phải thành lập đảng của giai cấp công nhân; quy luật ra đời của Đảng; nguyên tắc tổ chức và hoạt động của chính đảng cách mạng của giai cấp công nhân.
Tư tưởng của C.Mác và Ph.Ăng-ghen về chính đảng của giai cấp công nhân trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản đến nay vẫn còn nguyên giá trị cả về lý luận và thực tiễn, cần được tiếp tục nghiên cứu, vận dụng sáng tạo vào công tác xây dựng Đảng hiện nay. Đặc biệt chú trọng thực hiện tốt một số nguyên tắc cơ bản về tổ chức và hoạt động của chính đảng cách mạng của giai cấp công nhân sau đây:
Một là, Đảng Cộng sản là một tổ chức độc lập mang bản chất giai cấp công nhân.
Tư tưởng của C.Mác, Ph.Ăng-ghen về Đảng Cộng sản là một tổ chức độc lập, nghĩa là, Đảng Cộng sản phải độc lập cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, không bị lệ thuộc vào giai cấp tư sản. Về bản chất, Đảng Cộng sản là một tổ chức chính trị đối lập với các đảng phái chính trị tư sản và giai cấp tư sản; trong quan hệ với giai cấp công nhân, không phải là hội kín tách rời giai cấp mà là một bộ phận của giai cấp, gắn bó mật thiết với giai cấp công nhân và nhân dân lao động; không đối lập với các đảng và các tổ chức khác của giai cấp công nhân. Ngược lại, Đảng Cộng sản phải tích cực hoạt động trong các tổ chức, phải đưa các tư tưởng của chủ nghĩa xã hội khoa học vào trong các tổ chức đó, hướng hoạt động của các tổ chức vào quỹ đạo của cách mạng vô sản. Đồng thời, phải luôn đứng vững trên lập trường của giai cấp công nhân để giải quyết mọi vấn đề trong xây dựng và hoạt động của Đảng. Cương lĩnh, chiến lược, sách lược của Đảng phải luôn xuất phát từ lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động và phù hợp với thực tiễn của mỗi nước.
Hai là, Đảng Cộng sản là đội tiên phong của giai cấp, đảng viên là những người ưu tú nhất trong giai cấp công nhân.
C.Mác và Ph.Ăng-ghen đòi hỏi: Đảng phải khác các bộ phận còn lại của giai cấp ở chỗ, Đảng là đội tiền phong của giai cấp, được trang bị bằng lý luận tiên tiến, có trình độ giác ngộ cao và trong thực tiễn Đảng là người kiên quyết nhất, biết lôi cuốn quần chúng cùng hành động.
Theo C.Mác và Ph.Ăng-ghen, tính tiên phong của Đảng được thể hiện: Về mặt thực tiễn, Đảng Cộng sản phải là bộ phận kiên quyết nhất của giai cấp vô sản; về lý luận: những người cộng sản hơn bộ phận khác còn lại của giai cấp vô sản ở chỗ họ hiểu rõ những điều kiện, tiến trình và kết quả chung của phong trào vô sản. Một chính đảng như thế, đương nhiên phải là đội tiên phong, lãnh tụ chính trị và là bộ tham mưu chiến đấu, là hình thức tổ chức cao nhất của giai cấp vô sản. Đã là đảng viên của Đảng bao giờ cũng phải là người tiên phong, giác ngộ, tích cực, gương mẫu hơn quần chúng cả về lý luận và thực tiễn...
Ba là, về điều kiện, tiêu chuẩn người vào Đảng cũng được C.Mác, Ph.Ăng-ghen đề cập cụ thể trong “Điều lệ của Liên đoàn những người cộng sản”. Đó là: những người có lối sống và hoạt động phù hợp với mục đích của Đảng Cộng sản; có nghị lực cách mạng và lòng nhiệt thành trong công tác tuyên truyền; thừa nhận chủ nghĩa cộng sản; không tham gia mọi tổ chức - tổ chức chính trị hoặc tổ chức dân tộc - chống cộng sản và có nghĩa vụ báo cáo với cơ quan lãnh đạo hữu quan về việc mình tham gia vào một tổ chức nào đó; phục tùng các nghị quyết của Đảng; giữ bí mật mọi công việc của Đảng; được một chi bộ nhất trí kết nạp.
Bốn là, Đảng phải được xây dựng trên những nguyên tắc dân chủ triệt để, thường xuyên được củng cố vững chắc về tư tưởng và tổ chức.
Đảng phải thường xuyên được củng cố vững chắc về tư tưởng, cơ cấu tổ chức chặt chẽ, phù hợp với điều kiện và thời gian hoạt động của Đảng ở tất cả các cấp, với những nhiệm vụ mà Đảng phải giải quyết. Sự thống nhất về tư tưởng và tổ chức của Đảng là không gì có thể phá vỡ nổi, có tính chiến đấu cao và năng động trong hoạt động thực tiễn. Về mặt cơ cấu tổ chức của Đảng cũng được quy định hết sức chặt chẽ trong “Điều lệ của Liên đoàn những người cộng sản”, tổ chức của Đảng được thành lập từ cấp chi bộ, khu bộ, tổng khu bộ, đến Ban Chấp hành Trung ương và Đại hội với những quy định về số lượng thành viên, nguyên tắc hoạt động, quyền hạn lãnh đạo, chế độ hội họp, báo cáo,… nhằm đảm bảo cho bộ máy của Đảng vận hành thông suốt, có hiệu quả từ Trung ương tới chi bộ.
Năm là, chủ nghĩa quốc tế vô sản là một trong những nguyên tắc căn bản của công tác xây dựng Đảng.
Khẩu hiệu: “Vô sản tất cả các nước, đoàn kết lại” trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” đã trở thành phương châm hành động cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Trong cuộc đấu tranh chống lại toàn bộ giai cấp tư sản bóc lột, nếu độc lập, tách rời, không có sự đoàn kết, thống nhất của các Đảng Cộng sản và giai cấp vô sản tất cả các nước thì chắc chắn cuộc đấu tranh đó không thể đi đến thắng lợi trọn vẹn, sẽ bị giai cấp tư sản câu kết đàn áp, đè bẹp phong trào.
Những tư tưởng thiên tài về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của chính đảng cách mạng của giai cấp công nhân do C.Mác, Ph.Ăng-ghen khởi xướng đã có ảnh hưởng to lớn và trực tiếp đến sự phát triển của toàn bộ phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Vì vậy, việc học tập, nghiên cứu nắm vững, vận dụng đúng đắn, sáng tạo và bổ sung phát triển học thuyết Mác về xây dựng đảng nói chung, tư tưởng của C.Mác, Ph.Ăng-ghen về những nguyên tắc tổ chức và hoạt động của chính đảng cách mạng của giai cấp công nhân nói riêng là đòi hỏi khách quan đối với các Đảng Cộng sản. Đặc biệt, đối với Đảng Cộng sản Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, vừa có ý nghĩa to lớn cả về lý luận và thực tiễn, vừa là cơ sở khoa học đảm bảo cho việc xây dựng Đảng ta thực sự là đội tiền phong, lãnh tụ chính trị, bộ tham mưu chiến đấu của giai cấp công nhân và toàn thể Nhân dân lao động, lãnh đạo đưa dân tộc Việt Nam tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức để phấn đấ u vươn lên thực hiện thắng lợi mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.