Quyết định về việc thực hiện tăng dần tuổi nghỉ hưu được thông qua tại Kỳ họp thứ 11 Ủy ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Nhân đại toàn quốc) khóa XIV, cơ quan lập pháp cao nhất của Trung Quốc ngày 13/9.
Theo đó, việc thực hiện tăng dần tuổi nghỉ hưu phải tuân thủ nguyên tắc điều chỉnh từng bước nhỏ, thực hiện một cách linh hoạt theo phân loại và kế hoạch tổng thể. Trung Quốc sẽ mất 15 năm để tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình, trong đó tuổi nghỉ hưu của nam sẽ tăng từ 60 lên 63 tuổi và của nữ từ 50 và 55 lên 55 và 58 tuổi. Quy định mới sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.
Trung Quốc quyết định tăng tuổi nghỉ hưu trong bối cảnh phải đối mặt với thách thức và áp lực ngày càng tăng từ tình trạng dân số già. Theo số liệu mới nhất, tính đến cuối năm 2023, số người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên ở Trung Quốc đạt 297 triệu người, chiếm 21,1% tổng dân số. Số người trong độ tuổi lao động, tức từ 16-59 tuổi, đã giảm hơn 54,7 triệu chỉ sau một thập niên (2013-2023), xuống còn 864,8 triệu vào cuối năm 2023.
Tuổi nghỉ hưu cũ của Trung Quốc thấp hơn nhiều so với hầu hết các nền kinh tế phát triển. Ở Nhật Bản, người lao động có thể bắt đầu nhận lương hưu ở tuổi 65, trong khi ở Hàn Quốc, tuổi nghỉ hưu là 63. Trung Quốc đã cân nhắc việc tăng tuổi nghỉ hưu trong nhiều năm. Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Trung Quốc từ năm 2019 từng cảnh báo, theo xu hướng hiện tại, hệ thống lương hưu sẽ có thể cạn kiệt vào năm 2035.
Hồi tháng 7, các quan chức Trung Quốc đã đề xuất nâng dần tuổi nghỉ hưu và phát triển “nền kinh tế bạc” để tạo ra nhiều việc làm hơn cho người cao tuổi tại một cuộc họp chính sách kinh tế quan trọng.
Nhân Dân nhật báo mới đây dẫn lời của ông Mạc Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và An sinh xã hội Trung Quốc cho rằng, việc tăng dần tuổi nghỉ hưu là “yêu cầu khách quan” của sự phát triển kinh tế - xã hội và là “lựa chọn tất yếu” để Trung Quốc thích ứng với tình trạng bình thường mới về phát triển dân số.