Tín hiệu vui từ một dự án

Dự án 8 được triển khai đã và đang góp phần tạo đổi thay tích cực ở thôn Khe Luộc, xã Thống Nhất (thành phố Lào Cai).

Hôm nay trời quang mây tạnh, từ sáng sớm gia đình chị Lù Thị M. - anh Mã Văn H. ở thôn Khe Luộc, xã Thống Nhất (thành phố Lào Cai) đông vui như có hội, đó là bà con trong thôn đến giúp gia đình anh chị san gạt nền và đào móng làm nhà mới.

kl5c.jpg
Bà con trong thôn đến đào móng nhà giúp gia đình chị Lù Thị M.

Bên gốc cây đầu ngõ, tay thoăn thoắt nhặt rau, mắt liếc về phía chồng đang cùng mấy người đàn ông đào đất, chị M. tủm tỉm: Trước đây anh ấy “ghen” ghê lắm, không muốn cho vợ đi đâu một mình, thậm chí vợ định đi tập văn nghệ ở ngay nhà văn hóa thôn cùng chị em mà anh ấy cũng không đồng tình!.

- Sao lại trước đây, có lẽ bây giờ khác rồi? - Tôi hỏi.

- Giờ vẫn “ghen” nhưng bớt nhiều và tiến bộ rồi. Tháng 6 vừa rồi, khi em được vào đội văn nghệ của Tổ truyền thông cộng đồng thôn tham gia cuộc thi do Hội Phụ nữ thành phố Lào Cai tổ chức, chồng em tuy không bộc lộ đồng tình rõ ràng nhưng cũng không cấm cản nữa. Mới đây, bà con Xá Phó trong thôn chuẩn bị lễ mừng cơm mới, em đi tập cùng đội văn nghệ, chồng em còn động viên - chị M. nói.

Đến giúp gia đình chị M. - anh H., tranh thủ lúc giải lao và nghe được câu chuyện của chúng tôi, chị Đào Thị Hợi tham gia: Trước kia chồng em cũng hay “ghen” lắm, từ khi có Tổ truyền thông cộng đồng thôn, anh ấy được nghe các thành viên trong tổ giải thích, nói chuyện phải trái nên đã thay đổi nhiều rồi.

kl30111.jpg

Biết tôi muốn tìm hiểu về vấn đề này, chị M. và chị Hợi “xui” tôi gặp chị Phạm Thị Doan, thành viên Tổ truyền thông cộng đồng thôn Khe Luộc. Trong căn nhà làm theo kiểu nhà vườn, sạch sẽ, ngăn nắp, chị Doan khoe mình được bổ sung vào Tổ truyền thông cộng đồng của thôn từ tháng 6/2024. “Trước khi triển khai công việc, nội dung truyền thông, Tổ truyền thông cộng đồng thôn đều trao đổi, phân công người thực hiện, có tính đến cả trường hợp người đó có quan hệ họ hàng với đối tượng cần truyền thông để làm sao cho phù hợp và hiệu quả nhất” - chị Doan cho biết.

Chị Doan ví dụ trường hợp gia đình chị M. - anh H. Trước khi lấy chồng, chị M. rất đam mê văn nghệ và là hạt nhân của đội văn nghệ Xá Phó thôn Khe Luộc, thường được triệu tập vào đội văn nghệ của liên khu dân cư, của xã. Kể từ khi lập gia đình riêng, chồng chị không muốn cho vợ tham gia các hoạt động văn nghệ như trước nữa. Tổ truyền thông đã cắt cử thành viên quan tâm, giúp đỡ gia đình chị M. Người thì tỉ tê với chị M. rằng phải khéo léo, nhẹ nhàng vận động chồng và cũng phải đúng thời điểm. Người thì thường xuyên qua lại nhà chuyện trò với anh H., vừa kể chuyện gia đình nọ, gia đình kia có vợ hoặc chồng hoặc cả vợ cả chồng tham gia các hoạt động ở địa phương, vui lắm. Rồi cô ấy, chị kia hát hay, múa đẹp, được nhận giấy khen… con cái họ kể với bạn bè về bố mẹ mình rất tự hào. Rồi việc gia đình được Nhà nước quan tâm, hỗ trợ vay vốn lãi suất thấp, giúp cây, con giống, hỗ trợ xóa nhà tạm, hỗ trợ khắc phục thiệt hại do mưa lũ; bà con chòm xóm giúp đỡ… nên tham gia các hoạt động của thôn, của xã cũng là cách thể hiện sự tri ân, trách nhiệm với cộng đồng, xã hội. “Mưa dầm thấm lâu”, anh H. hiểu ra và thay đổi thái độ cùng hành vi theo hướng tích cực.

111.jpg
Phụ nữ thôn Khe Luộc tự tin bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, chính kiến của bản thân.

Đó cũng là biện pháp mà Tổ truyền thông cộng đồng thôn Khe Luộc thực hiện. Không phân biệt giới tính, độ tuổi, các thành viên tuyên truyền mọi lúc, mọi nơi mỗi khi có cơ hội. Tổ cũng lồng ghép nội dung tuyên truyền về bình đẳng giới, về hạnh phúc gia đình tại các cuộc họp, hội nghị tuyên vận thôn để tiết kiệm thời gian, nâng cao nhận thức và thống nhất việc làm của các hộ trong thôn.

Đem những chuyện vừa được nghe, được thấy trao đổi cùng ông Lù Văn Sín, Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ truyền thông cộng đồng thôn Khe Luộc, ông bảo: Tuy thuộc thành phố Lào Cai nhưng Khe Luộc vẫn là địa bàn khó khăn. Một số quan niệm, suy nghĩ, tập tục lạc hậu đã ăn sâu vào nếp nghĩ của nhiều người, chưa thể thay đổi trong “một sớm một chiều”, tuyên truyền cần phải kiên trì và liên tục, mới đạt kết quả cao.

Mặc dù vậy, những tín hiệu tích cực thời gian qua đã cho thấy hiệu quả bước đầu của Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” trên địa bàn thôn mà hoạt động của Tổ truyền thông cộng đồng là nòng cốt, đã góp phần không nhỏ vào kết quả ấy.

kl30113.jpg

Thôn Khe Luộc có 59 hộ người Xá Phó, 18 hộ người Dao và 34 hộ người Kinh. Ông Sín cho biết: Những năm trước, ở thôn vẫn xảy ra vài vụ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, nhưng từ đầu năm đến nay không xảy ra vụ việc nào. Đôi khi còn có trường hợp người chồng bạo lực với vợ nhưng không nặng nề như trước, chủ yếu do uống rượu say.

“Nguyên nhân là do được tuyên truyền, tư vấn, người dân hiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, chồng đánh vợ là những việc làm xấu nên xấu hổ và sợ vi phạm pháp luật, vì thế ngày càng ít người, ít gia đình vi phạm” - ông Sín nói.

Tổ truyền thông cộng đồng thôn Khe Luộc được thành lập tháng 4/2024, hiện có 9 thành viên. Từ khi thành lập, tổ duy trì nền nếp hoạt động, vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong lao động, sản xuất, sinh hoạt hằng ngày, từng bước xóa bỏ định kiến, khuôn mẫu giới trong gia đình, cộng đồng và xóa bỏ tập tục văn hóa có hại. Tổ cũng thường xuyên nắm tình hình đời sống, tâm tư, nguyện vọng của người dân nói chung và phụ nữ, trẻ em gái nói riêng để từ đó kịp thời hỗ trợ, tư vấn… giúp chị em mạnh dạn, tự tin thể hiện năng lực bản thân, phát triển kinh tế gia đình.

kl30114c.jpg

Theo ông Lù Văn Sín, Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ truyền thông cộng đồng thôn Khe Luộc, có thể thấy sự chuyển biến tích cực đó từ các gia đình, vợ chồng tìm thấy tiếng nói chung, tin tưởng, cảm thông, chia sẻ, tôn trọng, đồng thuận, hạnh phúc trong cuộc sống hằng ngày. Một số hộ, chị em mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi lợn “cắp nách”, trồng cây quế, kết hợp với cấy lúa nước, nấu rượu… làm giàu cho gia đình, là những bông hoa đẹp, tỏa hương sắc lôi cuốn mọi người trong thôn học tập và làm theo.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Phát huy vai trò tổ truyền thông cộng đồng trong phòng, chống tảo hôn

Xã Điện Quan (Bảo Yên): Phát huy vai trò tổ truyền thông cộng đồng trong phòng, chống tảo hôn

3 năm trở lại đây, các tổ truyền thông cộng đồng theo Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được thành lập tại các thôn, bản, đã góp phần quan trọng trong việc giảm tỷ lệ tảo hôn trên địa bàn xã.

Tọa đàm: Khi nam giới tham gia truyền thông những vấn đề về giới

Tọa đàm: Khi nam giới tham gia truyền thông những vấn đề về giới

Trong hình dung của nhiều người, khi nói về bình đẳng giới thường là những vấn đề liên quan chủ yếu đến phụ nữ. Vậy nhưng lại có những nam giới thực hiện việc tuyên truyền này, họ sẽ gặp những khó khăn gì và đã nỗ lực như thế nào để hoàn thành nhiệm vụ? Báo Lào Cai đã có cuộc trao đổi với anh Bàn Văn Nghiêm, Tổ phó Tổ truyền thông cộng đồng thôn 2 Nhai Tẻn, xã Kim Sơn, huyện Bảo Yên phần nào làm rõ hơn những vấn đề nêu trên.

Đẩy lùi bạo lực gia đình ở Trung Chải

Đẩy lùi bạo lực gia đình ở Trung Chải

Hội Phụ nữ xã Trung Chải (thị xã Sa Pa) và các tổ truyền thông cộng đồng thôn đã phối hợp thực hiện tốt các nội dung tuyên truyền về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình, qua đó từng bước đẩy lùi nạn bạo lực gia đình tại địa phương.

Giáo dục giới tính cho học sinh

Giáo dục giới tính cho học sinh

Những năm gần đây, giáo dục giới tính cho học sinh tại các trường phổ thông được các nhà trường quan tâm, triển khai thông qua chương trình học chính khóa và các buổi ngoại khóa. Qua đó nâng cao kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản cho học sinh, giúp các em tích lũy kiến thức, kỹ năng cần thiết để bảo vệ bản thân.

Tọa đàm: Ngày mới ở Lùng Thẩn

Tọa đàm: Ngày mới ở Lùng Thẩn

Sau khoảng 2 năm triển khai, Dự án 8 đã mang lại nhiều sự thay đổi tích cực tại xã Lùng Thẩn (Si Ma Cai). Để rõ hơn nội dung này, phóng viên Báo Lào Cai có cuộc trao đổi với chị Hoàng Thị Lói, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Lùng Thẩn.

Phát huy vai trò của tổ truyền thông cộng đồng: Nhìn từ một hội thi

Phát huy vai trò của tổ truyền thông cộng đồng: Nhìn từ một hội thi

Không chỉ là câu chuyện bị giới hạn bởi không gian, thời gian, hay là một vấn đề của một cộng đồng, những phần thi của 19 đội thi trên địa bàn huyện Bát Xát cũng chính là sự phản ánh rõ nét nhất những vấn đề cấp thiết về phụ nữ và trẻ em đang tồn tại ở các bản làng, cần cách thức hiệu quả để giải quyết.

Truyền thông “Nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình” cho phụ nữ vùng cao Nậm Cọ

Văn Bàn: Truyền thông “Nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình” cho phụ nữ vùng cao Nậm Cọ

Ngày 22/11, tại thôn Nậm Cọ, xã Khánh Yên Thượng, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Văn Bàn đã tổ chức Chương trình truyền thông “Nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình”. Chương trình truyền thông nằm trong khuôn khổ mục tiêu Dự án 8 do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chủ trì.

fbytzltw