Từ khi triển khai Dự án 8 “Thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết với phụ nữ và trẻ em” thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025, chị Mã Thị Tươi, Trưởng Ban Công tác mặt trận, nhân viên y tế thôn An Thành, xã Thống Nhất, thành phố Lào Cai thêm bận rộn hơn.
Sẵn có kiến thức về chăm sóc sức khỏe, đồng thời là thành viên Tổ truyền thông cộng đồng thôn, chị thường xuyên đến từng gia đình tuyên truyền việc nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ sức khỏe.
Nhờ sự tích cực tuyên truyền của các thành viên Tổ truyền thông cộng đồng như chị Tươi đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, sức khỏe của người dân địa phương, nhất là thay đổi hành vi về chăm sóc sức khỏe.
Đặc biệt, hiện nay, 100% sản phụ của thôn đã đến các cơ sở y tế sinh con, giúp đảm bảo sức khỏe sản phụ và trẻ sơ sinh tốt nhất; tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm.
Bà Lương Thị Xuân, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Thống Nhất cho biết, thực hiện Dự án 8, Hội Phụ nữ xã đã thành lập 3 tổ truyền thông cộng đồng tại 3 thôn đặc biệt khó khăn, gồm An Thành, Bản Cam, Khe Luộc và 1 “Địa chỉ tin cậy” cộng đồng tại xã; tổ chức hướng dẫn các tổ truyền thông cộng đồng xây dựng kế hoạch hoạt động năm, quý, tháng.
Sau khi được hướng dẫn, các tổ truyền thông lựa chọn nội dung phù hợp với điều kiện thực tế tại thôn để tuyên truyền đến hội viên, phụ nữ và người dân. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của Nhân dân, đến nay Thống Nhất không còn tình trạng bạo lực gia đình, không có trường hợp tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống…
Huyện Bảo Yên có 14 xã được thụ hưởng Dự án 8. Để phát huy hiệu quả Dự án 8, Hội Phụ nữ huyện đã chủ động tham mưu UBND huyện triển khai các nội dung phù hợp với điều kiện của mỗi xã.
Trong năm 2024, Hội Phụ nữ huyện đã triển khai và hoàn thành 82 hoạt động tại xã và thôn đặc biệt khó khăn, trong đó 21 hoạt động của huyện, 61 hoạt động của xã và cụm thôn bản của 8/9 chỉ tiêu trong năm. Còn 1 chỉ tiêu về hỗ trợ ứng dụng công nghệ 4.0 để nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số chưa thực hiện được do thực tế địa phương không có đối tượng để thực hiện.
Hội Phụ nữ huyện đã chỉ đạo các hội cơ sở tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động của 50 mô hình “Tổ truyền thông cộng đồng”; tổ chức hơn 600 buổi truyền thông về các nội dung, như: vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày; tích cực tham gia phát triển kinh tế, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần; xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình, cộng đồng, khuyến khích huy động sự tham gia của nam giới vào mô hình.
Ngoài ra, Hội Phụ nữ huyện tổ chức 5 lớp bồi dưỡng, củng cố, cập nhật, nâng cao năng lực triển khai mô hình cho 500 thành viên tổ truyền thông cộng đồng; truyền thông về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình dưới hình thức sân khấu hoá tại các phiên chợ của xã Điện Quan, Phúc Khánh, Tân Dương, Vĩnh Yên, Nghĩa Đô, thu hút trên 1.000 hội viên, phụ nữ và Nhân dân tham gia; chỉ đạo Hội Phụ nữ xã Cam Cọn, Kim Sơn, Điện Quan, Tân Tiến thành lập và ra mắt 4 mô hình "Địa chỉ tin cậy"…
Hình thức tuyên truyền các nội dung của Dự án 8 được thực hiện đa dạng dưới nhiều hình thức đã góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả triển khai, đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu theo kế hoạch đã xây dựng.
Với sự tích cực triển khai từ các tổ truyền thông cộng đồng, các câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi", sự vào cuộc của các cấp hội phụ nữ, Dự án 8 đã đi vào cuộc sống và ngày càng khẳng định định hiệu quả.
Đến nay, các xã được thụ hưởng dự án đã thành lập 436/423 tổ truyền thông cộng đồng tại 9 huyện, thị xã, thành phố với 4.042 thành viên tham gia (đạt 103% chỉ tiêu đề ra). Để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, các cấp hội thực hiện xây dựng chương trình truyền thông trên phương tiện thông tin đại chúng và trang mạng xã hội, nổi bật là truyền thông bằng tiếng của các dân tộc thiểu số như Mông, Dao, Giáy.
Các tổ tryền thông cộng đồng đã thực hiện 1.708 cuộc truyền thông cộng đồng về nội dung xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới, xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ, trẻ em, giải quyết những vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ, trẻ em, thu hút trên 30.000 người tham gia.
Cùng với đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố tổ chức hàng trăm lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ liên quan đến các nội dung triển khai Dự án 8; tổ chức các cuộc thi nhằm tìm kiếm sáng kiến, giải pháp sáng tạo, hiệu quả trong truyền thông xóa bỏ định kiến giới, bạo lực gia đình, phòng chống xâm hại, mua bán phụ nữ, trẻ em. Đẩy mạnh tuyên truyền Luật Bình đẳng giới, các mô hình sáng tạo và hiệu quả thay đổi nếp nghĩ, cách làm... phù hợp với đặc thù địa phương, đơn vị để nhân rộng tại các địa phương.
Đã củng cố và thành lập mới 45 mô hình “Địa chỉ tin cậy”; tổ chức 127 cuộc đối thoại chính sách tại các cụm xã trên địa bàn 9 huyện, thị xã, thành phố, thu hút gần 9.660 lượt người tham gia; thành lập 88/85 câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”, đạt 103,5% chỉ tiêu kế hoạch đề ra…
Theo đánh giá của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, đến nay, việc triển khai Dự án 8, giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh đã đạt hầu hết chỉ tiêu đề ra. Nổi bật là các tổ truyền thông cộng đồng đã thu hút nhiều thành viên nam giới tham gia; phát huy vai trò tập hợp Nhân dân, hội viên, phụ nữ ở các thôn bản được thụ hưởng dự án thực hiện các nội dung truyền thông về thúc đẩy bình đẳng giới, xóa bỏ định kiến giới trong đồng bào dân tộc thiểu số.