Thấy tôi tò mò về tục lệ này, chị Giang Thị Sao, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Làng Giàng, huyện Văn Bàn dẫn tôi vào thôn An, hẹn gặp phụ nữ cao niên để hiểu thêm về tục bắt vợ của người Giáy. Mùa nông nhàn nên thời điểm này, phụ nữ trong thôn chủ yếu ở nhà phơi thóc, làm vườn, công việc cũng rảnh rang. Nghe lời mời của chị Sao, nhiều chị em tụ lại một điểm, cùng nhau... “buôn” chuyện thời xưa.
Thôn An và thôn Lập Thành là nơi quần cư của đồng bào Giáy tại xã Làng Giàng. Cũng như nhiều bản làng trên rẻo cao Tây Bắc, tục kéo vợ (bắt vợ) từng là nét văn hóa đặc trưng trong sinh hoạt, là cách để đàn ông người Giáy nơi đây “danh chính ngôn thuận” đưa người phụ nữ mình yêu về nhà làm vợ.
Câu chuyện tình yêu thuở đó người ta chỉ quan tâm từ một phía - phía người đàn ông yêu và lấy được ai. Làng trên, xóm dưới, quan viên hai họ cùng nhau chúc phúc cho đôi vợ chồng nên duyên mà chẳng ai để tâm xem người phụ nữ được đưa về làm vợ sẽ cảm thấy thế nào.
Và cuộc “đấu tranh” của phụ nữ đồng bào Giáy thôn An cứ âm ỉ như thế, từ những đốm lửa nhỏ trong lòng mỗi người mà nhen dần lên thành một “cuộc nổi dậy” đòi quyền “được lấy người mình yêu”.
Người Giáy tại Làng Giàng không biết tục bắt vợ có từ bao giờ, chỉ biết cứ độ tháng Tám âm lịch đến tháng Hai năm sau là mùa của yêu đương, hò hẹn và những chàng trai sẽ “bắt” cô gái về nhà làm vợ. Chàng trai sẽ nhờ sự trợ giúp của bạn bè, người thân, nhân buổi đi chơi gặp gỡ mà kéo cô gái về nhà, có chàng trai còn đến tận nhà để tìm mọi cách đưa cô gái mình muốn cưới về làm vợ.
“Nếu cô gái bị bắt về làm vợ không yêu chàng trai thì sao?” - Tôi hỏi.
Những phụ nữ trung niên đều bật cười và đồng thanh nói: “Thì vẫn phải chịu thôi”.
Chỉ có chị Dương Thị Thanh bảo: “Thì trốn đi”. Thực tế, người phụ nữ ấy đã từng trốn đi thật.
Chị Dương Thị Thanh vẫn nhớ đó là một đêm tháng Mười, nhóm người thân, người quen của chàng trai trèo lên gác nhà sàn, nơi chị đang ngủ, bắt chị đưa về nhà làm vợ. Chị Thanh được đưa về nhà chàng trai, đưa vào trong buồng phía giáp phòng khách. Quan sát xung quanh thấy có ô cửa sổ nhỏ, cũng đủ để lọt nên chị Thanh chui qua, mò mẫm trong bóng tối. Mò ra phía mương đất phía sau nhà rồi men theo mương mà nấp ở bụi cây cạnh bờ ao. Chị Thanh trốn khỏi cuộc hôn nhân mà chị không muốn.
Lúc 4 giờ, trời tờ mờ sáng, chị Thanh định ra khỏi chỗ nấp để đi đến phía nhà họ hàng gần đó thì “đằng trai” cầm đèn pin đi tìm thấy chị và một lần nữa chị bị bắt về. Không khóc lóc hay chống cự, chị Thanh bình thản như thể chấp nhận mối duyên không tự nguyện này, sáng ra chị ngồi trong nhà sàng sảy chỗ gạo mà nhà trai mới đi xát về, như thể đã toàn tâm ở lại làm dâu. Nhà trai cũng vì thế mà bớt cảnh giác, gọi người đến phụ bắt lợn và chuẩn bị làm lễ sang nhà chị Thanh thưa chuyện cưới xin. Lúc đó, chị Thanh mới cầm chiếc xô, vờ sang phía hông nhà để lấy nước và một lần nữa trốn đi...
Ở thế hệ 7X của chị Thanh, những người trốn đi được không nhiều, thậm chí trốn đến 2 lần như chị Thanh càng ít nên câu chuyện đó vẫn được người trong làng nhắc lại. Sau đó không lâu, chị Thanh lại một lần nữa bị một người khác bắt về làm vợ. Lần này chị Thanh không trốn nữa
Tương tự, chị Hoàng Thị Khiêm, sinh năm 1991, con gái của bà Hoàng Thị Đức cũng “năm lần bảy lượt” chạy trốn khỏi các cuộc “bắt vợ” của thanh niên trong làng. Theo lời kể của bà Đức, lúc ấy chị Khiêm mới 18 - 19 tuổi, còn rất trẻ và chưa muốn lấy chồng nên luôn cố chạy trốn các cuộc bắt vợ. Sau này, chị Khiêm đi học, đi làm xa nhà và kết hôn với người con trai mà chị Khiêm yêu thương.
Theo tập tục của người Giáy, con gái sau khi bị kéo về nhà trai và ở lại qua một đêm sẽ thành người nhà của họ. Sáng hôm sau, nhà trai sẽ mời “ông mối” và chuẩn bị lễ sang nhà gái thưa chuyện cưới xin. Nhà gái khi đó sẽ bị đưa vào thế “đã rồi”, nếu không tác thành thì cô gái sẽ bị “mang tiếng”, sau này khó lấy chồng. Nhiều gia đình nhà gái cũng lấy lý do đó để thách cưới nhà trai rất cao, việc cưới xin cũng nhiều bước, nhiều loại lễ hơn so với một đám cưới thông thường... Bởi vậy, tục kéo vợ, bắt vợ tại Làng Giàng kéo theo nhiều tục lệ khác, đi ngược lại với thời đại bình đẳng, hôn nhân tình nguyện cũng như xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới tại địa phương.
Cũng vì lẽ đó, để xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể tại Làng Giàng đã chung tay vào cuộc để tuyên truyền, nâng cao nhận thức và từng bước thay đổi những tập tục không còn phù hợp. Số trường hợp kéo vợ, bắt vợ ngày càng ít dần và khoảng 10 năm trở lại đây, tập tục này dần chấm dứt.
Chị Giang Thị Sao, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã cũng là người Giáy sinh ra và lớn lên tại xã Làng Giàng. Xung quanh chị Sao có rất nhiều phụ nữ từng bị kéo về làm vợ. Trong hồi ức của chị Sao, bắt đầu từ khi thế hệ cuối 8X, đầu 9X trưởng thành, đến tuổi cập kê, tương đương với thời điểm sau năm 2010 thì sự “phản kháng” tục bắt vợ trở nên mạnh mẽ. Những cô gái trẻ không còn cam chịu bị “bắt” về làm vợ nữa, họ được đi học, đi làm và tham gia các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Thời điểm đó, hiểu biết về xã hội cũng phong phú hơn, nếp sống văn minh hơn nên từng bước thay đổi tập tục cũ. Hơn 5 năm trở lại đây, tập tục này hoàn toàn biến mất, chỉ còn trong những câu chuyện kể, chuyện vui để người dân thôn An nhắc về những ngày xưa.
Để có được kết quả đó là sự quyết liệt vào cuộc, tuyên truyền, nhắc nhở, giám sát của cả cộng đồng và hơn hết chính là ý chí, sự kiên cường và dám đứng lên để tự quyết định số phận của phụ nữ dân tộc Giáy tại xã Làng Giàng. Những thay đổi tích cực này không chỉ đến từ nỗ lực của chính quyền và các tổ chức xã hội, mà còn xuất phát từ chính nhận thức của phụ nữ - những người quyết tâm nói “không” với hủ tục và tìm kiếm hạnh phúc từ sự tự nguyện.
Không lên án, không chối bỏ, mà thay đổi dần theo xu thế chung, theo sự tiến bộ của xã hội, để phụ nữ đồng bào Giáy có quyền tự quyết định hôn nhân của mình và được thực hiện một quyền chính đáng nhất, đó là quyền “được lấy người mình yêu”.