Theo Điều 57 của Nghị định 98/2023/NĐ-CP ban hành 31/12/2023, quy định về mức tiền thưởng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ và về văn học nghệ thuật được là 270 lần mức lương cơ sở. Mức tiền thưởng Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ và về văn học nghệ thuật được là 170 lần mức lương cơ sở.
Theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP của Chính phủ, từ ngày 1/7/2024, mức lương cơ sở là 2,34 triệu đồng/tháng vì vậy tiền thưởng dành cho các cá nhân được xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật và Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ; Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật và Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ có sự thay đổi tương đổi lớn.
Cụ thể, số tiền thưởng mà các cá nhân được xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh sẽ là 631,8 triệu đồng; số tiền thưởng dành cho cá nhân được xét tặng Giải thưởng Nhà nước sẽ là 397,8 triệu đồng. Nếu so với tiền thưởng Giải thưởng Hồ Chí Minh lần thứ 6 năm 2022 (kỳ xét tặng gần nhất), khi mức lương cơ sở còn ở mức 1,490 triệu đồng/tháng thì số tiền thưởng đã tăng thêm khoảng 229 triệu đồng, tương đương với 56,8%; Giải thưởng Nhà nước lần thứ V năm 2022 (kỳ xét tặng gần nhất) thì số tiền thưởng đã tăng thêm khoảng 144 triệu triệu đồng, tương đương với 56,7%.
Điều 50, 51 và 52 của Nghị định 98/2023/NĐ-CP cũng quy định rõ, quỹ tiền thưởng chi trả cho công tác xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước sẽ được trích từ nguồn ngân sách nhà nước, được hạch toán độc lập ở mỗi đợt tổ chức xét tặng theo quy định của pháp luật. Bộ, ngành được giao nhiệm vụ chủ trì công tác xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước chịu trách nhiệm chi trả tiền thưởng cho cá nhân được khen thưởng và hạch toán chi thành mục riêng.
Chia sẻ với Dân Việt, NSND Vương Duy Biên - nguyên Thứ trưởng Bộ VHTTDL, Phó Chủ tịch chuyên trách Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật cho rằng, khoảng năm 2011, khi ông còn làm Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn thì được phân công ngồi trong Hội đồng xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Lúc đó, mức lương cơ sở đang ở mức 730.000 đồng/tháng nên số tiền thưởng chưa được nhiều như bây giờ. Thời đó, đời sống của văn nghệ sĩ vẫn còn rất nhiều khó khăn và số tiền thưởng đã giúp được nhiều người in được sách, ra được CD/DVD, triển lãm tranh… Tuy nhiên, thời đó, các quy định về xét tặng vẫn chưa được chặt chẽ nên còn một số điều khiến nhiều người trăn trở.
Vẫn còn đó những trăn trở về cách trao tiền thưởng
NSND Vương Duy Biên bộc bạch, các văn nghệ sĩ và nhà khoa học nói chung, cả một đời say mê sáng tạo nghệ thuật, nghiên cứu khoa học để cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật, công trình nghiên cứu khoa học là để giúp ích cho cuộc đời, cho xã hội chứ không phải để được nhận thưởng. Tuy nhiên, Nhà nước luôn có các chính sách tôn vinh các cống hiến, đóng góp cho các tác giả - tác phẩm xứng đáng. Nhiều năm trở lại đây, việc tăng mức lương cơ bản đã giúp cho số tiền thưởng của Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước tăng lên đáng kể. Đây là điều rất đáng mừng.
"Tôi nghĩ rằng, công tác xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước ngày nay đã có nhiều thay đổi so với trước, số tiền thưởng cũng tăng lên, đây là sự tôn vinh, ghi nhận rất lớn lao đối với các văn nghệ sĩ, nhà khoa học. Tuy nhiên, việc chi trả tiền thưởng vẫn còn để xảy ra những lùm xùm không đáng có. Nên quy định rõ ràng và thống nhất một đơn vị chịu trách nhiệm chi trả tiền thưởng và chi trả trước hoặc ngay sau khi lễ trao giải kết thúc thì sẽ trọn vẹn hơn", NSND Vương Duy Biên bày tỏ.
Trao đổi với Dân Việt, bà Lê Anh Thúy - phu nhân của cố nhạc sĩ Hồng Đăng cho biết, từ ngày 1/7/2024, tiền thưởng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật và khoa học và công nghệ được tăng lên đáng kể là điều rất đáng mừng. Trước đây, do điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn nên khi chồng bà là nhạc sĩ Hồng Đăng được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt đầu tiên (2001) với cụm tác phẩm: Biển hát chiều nay, Hoa sữa, Quà tháng năm, Kỷ niệm thành phố tuổi thơ và hợp xướng Lửa rực cháy với số tiền thưởng không được nhiều như bây giờ. Tuy nhiên, thời đó, đó vẫn là số tiền lớn, giúp ông giải quyết được nhiều vấn đề trong công việc.
Năm ngoái (2023), nhạc sĩ Hồng Đăng lại tiếp tục được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật với cụm tác phẩm: Lênh đênh, Đêm hành hương về huyền thoại, Buổi tối chuyện một căn nhà nhỏ, Khao khát, Gửi một câu hát cho Tokyo nhưng gia đình chờ đợi mãi mới nhận được tiền thưởng. Không riêng gì trường hợp của nhạc sĩ Hồng Đăng mà nhiều văn nghệ sĩ ở Hà Nội được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước cũng phải chờ đợi tiền thưởng rất lâu. Tới mức, nhà văn Nguyễn Văn Thọ phải lên tiếng trên trang cá nhân về chuyện chậm trễ này, tạo nên những lùm xùm không đáng có.
"Trong kỳ xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2023 có một chuyện mà đến bây giờ vẫn có nhiều người trăn trở. Đó là trong năm 2023, mức lương cơ sở đã có hai lần thay đổi. Từ 1/1/2023 đến 30/6/2023, mức lương cơ sở là 1,49 triệu đồng/tháng; từ 1/7/2023, mức lương cơ sở là 1,8 triệu đồng. Chúng tôi không được giải thích rõ mức tiền thưởng sẽ được tính theo mốc thời gian ra quyết định trao tặng giải thưởng hay tính theo thời điểm nhận. Đa số chúng tôi đều được nhận tiền thưởng sau ngày 1/7/2023.
Thêm nữa, năm ngoái, lịch trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật bị dời đổi liên tục. Và khi kết thúc lễ trao giải một thời gian dài chúng tôi vẫn không nhận được thông báo đi lĩnh tiền thưởng hay gì cả. Không bên nào cho chúng tôi một thông báo để bớt sốt ruột, bớt thấp thỏm ngóng trông. Đến lúc các văn nghệ sĩ lên tiếng thì Bộ VHTTDL đổ cho Bộ Tài chính, Bộ Tài chính mới đổ cho Bộ VHTTDL. Điều này tôi thấy không hề chuyên nghiệp.
Vì thế, rất mong muốn, ngoài việc thay đổi các chính sách trong khâu xét tặng thì cũng nên quy định rõ cơ quan nào, đơn vị nào sẽ chịu trách nhiệm chi trả tiền thưởng cho các tác giả - tác phẩm được trao tặng giải thưởng. Số tiền thưởng ngày càng tăng lên thì quy trình trao tặng cũng nên chặt chẽ hơn, chuyên nghiệp hơn để Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước xứng với tầm vóc của nó", bà Lê Anh Thúy chia sẻ thêm.