Tích cực chuyển đổi số để phục vụ bạn đọc

LCĐT - Chuyển đổi số trong hoạt động thư viện là nhiệm vụ cấp thiết, hàng đầu để nâng cao chất lượng, đồng thời bắt kịp với sự phát triển chung của đơn vị làm nhiệm vụ phục vụ bạn đọc và phát triển văn hóa đọc, đáp ứng nhu cầu của độc giả thời đại công nghệ số. Dù đã đạt được một số thành công bước đầu nhưng đây vẫn là nhiệm vụ còn nhiều khó khăn mà ngành văn hóa nói chung và Thư viện tỉnh nói riêng.

Công việc hằng ngày của chị Hà Thị Thu Trang, nhân viên Phòng Bổ sung, xử lý và quản lý tài liệu, Thư viện tỉnh là scan các trang sách, tài liệu liên quan đến dư địa chí Lào Cai để thực hiện nhiệm vụ số hóa tài liệu của Thư viện tỉnh. Mỗi ngày, chị Trang scan được khoảng 200 trang sách. Công việc này được thực hiện từ cách đây 8 năm.

Cách vị trí của chị Trang không xa, các cán bộ khác cũng miệt mài với các công việc, như phân loại, cấp mã số, mã vạch, ký hiệu… cho hàng trăm cuốn sách, tài liệu mới được bổ sung.

Cán bộ Thư viện tỉnh số hóa tài liệu địa chí Lào Cai phục vụ cho việc xây dựng Thư viện điện tử.
Cán bộ Thư viện tỉnh số hóa tài liệu địa chí Lào Cai phục vụ cho việc xây dựng Thư viện điện tử.

Chị Bùi Thị Lan Anh, Trưởng Phòng Bổ sung, xử lý và quản lý tài liệu, Thư viện tỉnh cho biết: Tính đến nay, chúng tôi đã số hóa được khoảng 275.000 trang sách, tài liệu, tương đương khoảng 1.000 cuốn. Tuy nhiên, các trang tài liệu đã được số hóa chủ yếu là sách, tài liệu liên quan đến lĩnh vực dư địa chí Lào Cai. Những cuốn sách thuộc các lĩnh vực khác do liên quan đến vấn đề bản quyền nên chúng tôi đang gặp nhiều khó khăn trong việc số hóa. Cùng với đó, để thuận tiện cho công tác phục vụ bạn đọc cũng như quản lý, lưu trữ thì 100% tài liệu, sách, truyện, báo, tạp chí… của Thư viện tỉnh đã được cấp mã số, mã vạch điện tử. Khi quét mã điện tử, thủ thư sẽ nắm được đầy đủ thông tin về chủng loại, số lượng, vị trí trong kho, ngày, giờ, cũng như số lần độc giả mượn - trả, địa chỉ độc giả đang mượn sách…

Hiện tại, việc cấp thẻ thư viện được thực hiện dưới cả 2 hình thức là cấp trực tiếp tại Thư viện tỉnh hoặc bạn đọc có thể đăng ký làm thẻ qua trang thông tin điện tử của Thư viện tỉnh. Mỗi thẻ được cấp 1 mã điện tử riêng, nhờ đó, khi độc giả tới tìm đọc hoặc mượn sách, truyện, thủ thư có thể xử lý nhanh chóng, thuận tiện, rút ngắn thời gian làm thủ tục mượn - trả sách thay vì phải ghi chép bằng tay các thông tin và tự theo dõi việc mượn - trả sách của bạn đọc như trước đây.

Em Đào Thanh Trúc, học sinh lớp 6, Trường THCS Nam Cường (thành phố Lào Cai) cho biết: Cháu được cấp thẻ thư viện miễn phí thông qua đăng ký làm thẻ tại trường. Trong năm học, cháu và các bạn cùng lớp tới Thư viện tỉnh mượn sách tham khảo ôn luyện kiến thức, thi thoảng cũng mượn sách về nhà đọc. Việc mượn - trả sách rất nhanh, cô thủ thư chỉ quét mã trên cuốn sách và thẻ của cháu nhập vào hệ thống là xong.

Hiện nay, mạng lưới thư viện công cộng của tỉnh có 1 thư viện tỉnh, 9 thư viện huyện, thị xã, thành phố và hơn 400 thư viện cơ sở giáo dục (tiểu học, THCS, THPT). Từ đầu năm 2022 đến nay, Thư viện tỉnh đã hoàn thành cấp thẻ bạn đọc cho 2.785 người, đạt 103,1% kế hoạch giao. Đặc biệt, trang thông tin điện tử thuvientinhlaocai.vn, fanpage và zalo Thư viện tỉnh thường xuyên cập nhật các hoạt động của đơn vị; các thư mục, thông tin chuyên đề cùng tin, bài về tỉnh Lào Cai được đăng tải thường xuyên, phục vụ nhu cầu tra cứu thông tin về Lào Cai của người sử dụng trong và ngoài tỉnh. Thư viện tỉnh cũng chú trọng xây dựng nguồn lực thông tin, đầu tư trang - thiết bị nhằm đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đến nay, tổng số vốn tài liệu có trong Thư viện tỉnh là 184.756 bản sách (trong đó có hơn 2.000 bản tài liệu dư địa chí); 322 tài liệu dạng đĩa VCD và khoảng 170 loại báo, tạp chí.

Thư viện tỉnh xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ cấp thiết, hàng đầu để nâng cao chất lượng phục vụ bạn đọc, đồng thời bắt kịp với sự phát triển chung của thư viện các tỉnh miền núi phía Bắc và cả nước, cũng như đáp ứng nhu cầu của độc giả thời đại công nghệ số. Hiện Thư viện tỉnh cùng đơn vị chủ quản là Sở Văn hóa và Thể thao đang phối hợp với các ban, ngành tích cực đóng góp ý kiến để trình tỉnh phê duyệt kế hoạch triển khai “Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Lào Cai theo Quyết định số 206 ngày 11/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ về “Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

“Việc chuyển đổi số ở Thư viện tỉnh dù “xuất phát” sớm nhưng mới đạt những kết quả ban đầu và đang chững lại ở nhiều khâu so với hành trình chuyển đổi số của thư viện nhiều tỉnh, thành phố trong khu vực và cả nước. Nguyên nhân chính là do chưa có kinh phí, sự phối hợp cũng như hướng dẫn cụ thể để thực hiện. Trước mắt, chúng tôi đang đề xuất một số giải pháp, như sử dụng hệ thống quản trị thư viện dùng chung VietBiblio cho hệ thống thư viện công cộng cấp huyện và các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh theo chương trình phối hợp với Thư viện tỉnh Bình Định. Theo đó, ngoài việc được hỗ trợ miễn phí chuyển giao công nghệ, phần mềm thì việc được tham gia hệ thống thư viện này sẽ giúp bạn đọc Lào Cai có được nguồn tài liệu phong phú, hữu ích, đáp ứng nhu cầu đọc, tìm hiểu và nghiên cứu” - bà Phạm Thị Bích Dung, Giám đốc Thư viện tỉnh cho biết.

Đứng trước yêu cầu phát triển của thời đại công nghệ 4.0 đối với ngành thư viện nói chung và sự phát triển của hệ thống thư viện công cộng nói riêng, chuyển đổi số là một nhiệm vụ cấp bách, cần sự quan tâm, phối hợp, tạo điều kiện của các cấp, ngành, địa phương, nhằm đáp ứng nhu cầu của độc giả, xây dựng văn hóa đọc và xã hội học tập.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Cuộc đua nhạc số: Được và mất

Cuộc đua nhạc số: Được và mất

Âm nhạc Việt Nam đang bước vào một giai đoạn phát triển sôi động, khi các nền tảng số như TikTok, YouTube... trở thành “sân khấu” chính cho nghệ sĩ lẫn khán giả. Mỗi tuần trôi qua lại xuất hiện một bản hit mới, một giai điệu phủ sóng mạng xã hội, hay một gương mặt nghệ sĩ trẻ bất ngờ vụt sáng. Thế nhưng, đằng sau bức tranh sôi động ấy là những trăn trở về giá trị nghệ thuật, về những tác phẩm có sức sống lâu bền với thời gian...

Ra mắt liên minh nhân lực chiến lược thực thi Nghị quyết 57-NQ/TW

Ra mắt liên minh nhân lực chiến lược thực thi Nghị quyết 57-NQ/TW

Ngày 7/5, Diễn đàn Phát triển xung lực mới cho quốc gia và Lễ ra mắt liên minh nhân lực chiến lược thực thi Nghị quyết 57-NQ/TW diễn ra tại Hà Nội. Đây là sự kiện quan trọng, góp phần phát triển nguồn nhân lực đảm bảo thực thi Nghị quyết 57-NQ/TW, do Tập đoàn FPT phối hợp các bộ, ban, ngành, đơn vị tổ chức.

Cầu nối giữa sáng kiến công nghệ với chính sách phát triển kinh tế - xã hội

Cầu nối giữa sáng kiến công nghệ với chính sách phát triển kinh tế - xã hội

Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị (Nghị quyết 57) về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã và đang được Đảng, Nhà nước, nhân dân triển khai mạnh mẽ. Nghị quyết ra đời không chỉ phản ánh tầm nhìn chiến lược mà còn định hướng bước đi cụ thể cho sự phát triển bền vững của đất nước.

fb yt zl tw