Tham dự Hội thảo về phía tỉnh Lào Cai có đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đại diện một số sở, ngành, các địa phương trong vùng phát triển dược liệu của tỉnh.
Dự hội thảo có đại diện Cục trồng trọt; Cục quản lý Y, Dược cổ truyền; Viện Bảo vệ thực vật; một số trường đại học, cao đẳngvà các đơn vị có liên quan; đại biểu các tỉnh: Yên Bái, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên; đại diện một số công ty, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh dược liệu trong và ngoài tỉnh.
Tại hội thảo, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đánh giá thực trạng phát triển ngành hàng dược liệu tại Lào Cai. Hiện Lào Cai phát triển dược liệu với 4 nhóm chính gồm: Nhóm dược liệu trồng làm thuốc; nhóm thảo dược dùng chăm sóc sức khỏe gắn với dịch vụ du lịch; dược liệu thu hái tự nhiên; cây quế và các sản phẩm từ quế.
Trong đó, nhóm dược liệu trồng làm thuốc hiện có 3.550 ha, sản lượng 18.161 tấn, giá trị bình quân cả năm đạt 390 tỷ đồng; có trên 210 ha, với 13 cây dược liệu đã được Bộ Y tế đánh giá công nhận đạt các nguyên tắc, tiêu chuẩn GACP-WHO “Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc”.
Nhóm thảo dược dùng chăm sóc sức khỏe gắn với dịch vụ du lịch gồm các sản phẩm thuốc tắm người Dao (diện tích trồng và khai thác tự nhiên trên 1.300 ha); nấm đông trùng hạ thảo (với 2 cơ sở sản xuất); các loại mỹ phẩm, chất tẩy rửa hữu cơ từ thảo dược; thảo dược dùng trong ẩm thực tương đối đa dạng phong phú.
Nhóm dược liệu thu hái tự nhiên khoảng 35.000 ha, với nhiều loài có giá trị y dược cao như: Giảo cổ lam, ngũ gia bì gai, chè dây, sâm vũ diệp, thất diệp nhất chi hoa, hoàng liên gai..; cây quế với tổng diện tích trên 57.000 ha, sản lượng hằng năm thu được trên 5.000 tấn vỏ khô, 51.000 tấn cành lá.
Diện tích liên kết tiêu thụ các loại dược liệu chiếm khoảng 40% sản lượng dược liệu sản xuất ra, số lượng còn lại người dân tự tiêu thụ trên thị trường; hiện có 25 sản phẩm dược liệu đã được chứng nhận OCOP.
Phát triển dược liệu có một số khó khăn, tồn tại như: Khâu sản xuất giống còn hạn chế, sản lượng cây giống chưa đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất; sản xuất một số loại dược liệu chính còn nhỏ lẻ, manh mún, bị động, đầu ra không ổn định. Hệ thống cơ sở hạ tầng tại của các vùng trồng cây dược liệu còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu của sản xuất với quy mô lớn, tập trung; công tác xúc tiến quảng bá sản phẩm chưa được quan tâm…
Tại hội thảo, các đại biểu đã tham luận đánh giá nhu cầu thị trường dược liệu trong và ngoài nước, đề xuất một số định hướng phát triển dược liệu tại tỉnh Lào Cai; một số kết quả nghiên cứu sinh vật hại chính trên một số loại cây dược liệu chủ lực (cát cánh, đương quy…); thực trạng sử dụng thuốc đông y tại bệnh viện y học cổ truyền; khó khăn vướng mắc, đề xuất giải pháp phát triển và sử dụng dược liệu địa phương phục vụ nhu cầu chữa bệnh cho Nhân dân trong tỉnh…
Các đại biểu cũng thảo luận, nêu rõ những những thuận lợi, khó khăn, thách thức, đề xuất một số giải pháp phát triển dược liệu bền vững tại tỉnh Lào Cai.
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh: Lào Cai đã Quy hoạch phát triển dược liệu đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030; đồng thời ban hành các nghị quyết, chương trình, đề án, kế hoạch, chính sách để thúc đẩy phát triển ngành dược liệu. Dược liệu cũng là cây trồng chủ lực trong Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai và là ngành hàng quan trọng thuộc lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh.
Mục tiêu đến năm 2025 diện tích dược liệu đạt 4.000 ha, sản lượng đạt 25.000 tấn, giá trị đạt 700 tỷ đồng và đến năm 2030 đạt 5.000 ha, sản lượng đạt 28.000 tấn, giá trị trên 900 tỷ đồng. Đến nay, sản xuất dược liệu tỉnh Lào Cai đã có sự phát triển và đạt được nhiều kết quả, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp của tỉnh.
Để phát triển cây dược liệu bền vững, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho rằng: Cần chủ động trong khâu sản xuất và cung ứng giống cây dược liệu; thường xuyên tổ chức khảo nghiệm, lựa chọn các giống dược liệu phù hợp, bổ sung chủng loại cây hằng năm phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Tập trung nguồn lực nhằm xây dựng ổn định vùng nguyên liệu gắn với sản phẩm OCOP và phát triển du lịch sinh thái; kêu gọi, thu hút nhà đầu tư chiến lược để xây dựng nhà máy bảo quản, chế biến sâu dược liệu tại vùng sản xuất cây dược liệu tập trung như Bát Xát, Bắc Hà, Sa Pa… nhằm tạo ra các sản phẩm chế biến sâu và các sản phẩm OCOP phù hợp với nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng.
Tỉnh Lào Cai đề nghị Bộ Y Tế, Bộ Nông nghiệp và PTNT tiếp tục quan tâm, ưu tiên tập trung nguồn lực cho tỉnh Lào Cai phát triển trở thành vùng trọng điểm về cây dược liệu của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ; thực hiện các giải pháp kiểm soát giá và chất lượng vị thuốc, dược liệu, nhất là vị thuốc, dược liệu nhập khẩu; đề nghị các cục, vụ, viện, các trường đại học, cao đẳng tăng cường công tác nghiên cứu khoa học và ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào phát triển sản phẩm OCOP gắn với phát triển dược liệu…
Tại hội thảo, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Lào Cai đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển dược liệu với Tổng công ty BMV Phacmar; UBND huyện Bắc Hà ký kết liên kết sản xuất dược liệu với Công ty cổ phần đầu tư Green Life và Công ty Cổ phần Vật tư Y tế Khải Hà.
Trước đó, chiều 15/7, các đại biểu đã đi thăm vùng sản xuất dược liệu của huyện Bắc Hà (ảnh trên).