Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong phòng chống bạo lực học đường, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội trong học sinh, sinh viên.
Theo Chỉ thị, thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về giáo dục, thời gian qua, công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội trong phòng chống bạo lực học đường, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội, bảo đảm an ninh, an toàn trường học nhằm giáo dục và bảo vệ trẻ em, học sinh, sinh viên đã được ngành giáo dục, cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo tổ chức thực hiện với nhiều giải pháp cụ thể và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Tuy nhiên, tình trạng bạo lực học đường, tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật trong học sinh, sinh viên vẫn còn diễn biến phức tạp. Hình thức bạo lực học đường ngày càng đa dạng, tình trạng sử dụng trái phép chất ma túy và các hành vi vi phạm pháp luật có xu hướng gia tăng và ngày càng trẻ hóa.
Thực trạng trên gây tác động tiêu cực đến thể chất, tinh thần, đạo đức, lối sống của thế hệ trẻ, làm ảnh hưởng đến môi trường giáo dục và gây lo lắng trong nhân dân.
Nhằm khắc phục những hạn chế, tồn tại nêu trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GD&ĐT tiếp tục quán triệt và chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định, nhiệm vụ, giải pháp về công tác phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; phòng ngừa tội phạm và phòng chống vi phạm pháp luật; giáo dục đạo đức, lối sống; văn hóa ứng xử, kỹ năng sống trong học sinh, sinh viên được quy định tại các văn bản của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ GD&ĐT. Kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các quy định có liên quan.
Yêu cầu phối hợp với Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, T.Ư Đoàn đẩy mạnh truyền thông, phổ biến, nhân rộng các mô hình phối hợp hiệu quả giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên; triển khai hoạt động tư vấn tâm lý và công tác xã hội trường học. Xây dựng tài liệu và triển khai các hoạt động giáo dục phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội phù hợp với các cấp học.
Chỉ đạo các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục chú trọng đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục kỹ năng sống; tăng cường tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên, nhân viên phụ trách công tác tư vấn tâm lý, công tác Đoàn, Hội, Đội về kỹ năng ứng xử với mạng xã hội liên quan đến bạo lực học đường, giáo dục an toàn, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội đối với trẻ em, học sinh, sinh viên.
Tăng cường kỹ năng xử lý các tình huống có liên quan tới việc phát sinh bạo lực học đường; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục với việc đảm bảo an toàn trường học do mình phụ trách.
Kịp thời tiếp nhận thông tin, phối hợp xử lý và thống kê, báo cáo về tình hình vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, các hành vi bạo lực học đường liên quan đến trẻ em, học sinh, sinh viên.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo công an các địa phương tăng cường các giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn, trật tự xã hội tại khu vực trường học. Thực hiện tốt chế độ giao ban công tác an ninh, trật tự, an toàn trường học với chính quyền và cơ sở giáo dục.
Phối hợp với ngành giáo dục, chính quyền địa phương, các ban ngành, đoàn thể và gia đình trong việc điều tra, xử lý các vụ việc liên quan đến học sinh, sinh viên mắc tệ nạn xã hội hoặc có hành vi phạm tội đảm bảo an toàn và mang tính giáo dục.
Thường xuyên kiểm tra, rà soát, phát hiện, đấu tranh, xử lý hành vi sử dụng trái phép chất ma túy tại khu vực trường học, trong các quán bar, karaoke, vũ trường; triệt phá các điểm, tụ điểm tổ chức sử dụng ma túy.
Kiểm soát, sàng lọc các phim ảnh có nội dung bạo lực trong học sinh, sinh viên để tránh ảnh hưởng tiêu cực. Tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cha mẹ học sinh và các lực lượng trong toàn xã hội.
Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng giao trách nhiệm cho các bộ ngành liên quan phối hợp có giải pháp phòng, chống bạo lực học đường, tội phạm, tệ nạn xã hội đối với trẻ em, học sinh, sinh viên; kiểm soát, sàng lọc các trang mạng xã hội có nội dung bạo lực trong học sinh, sinh viên để tránh ảnh hưởng tiêu cực.
Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh: Thực hiện tốt vai trò là tổ chức đại diện cho tiếng nói, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của thanh thiếu niên nhi đồng; phát huy vai trò giám sát, kịp thời đề xuất, kiến nghị và tham gia giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến trẻ em; phát huy vai trò của cán bộ Đoàn, Hội, Đội các cấp trong công tác ngăn ngừa bạo lực học đường, tội phạm, tệ nạn xã hội.
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam: Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ tham gia có hiệu quả các chương trình giáo dục làm cha mẹ do cấp Hội tổ chức, chú trọng các nội dung phòng ngừa bạo lực, tội phạm, tệ nạn xã hội liên quan đến trẻ em; tích cực phát huy vai trò cầu nối giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong giáo dục và bảo vệ trẻ em, học sinh, sinh viên.
Hội Khuyến học Việt Nam: Vận động và làm đầu mối phối hợp các bên liên quan trong xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho trẻ em, học sinh, sinh viên. Chỉ đạo các hội khuyến học địa phương huy động và điều phối các nguồn lực nhằm góp phần phối hợp hiệu quả giữa nhà trường, gia đình, xã hội trong phòng ngừa bạo lực học đường, ngăn ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội, hỗ trợ học bổng, tư vấn giáo dục và xây dựng các chương trình hỗ trợ nhằm bảo vệ, giáo dục trẻ em, học sinh, sinh viên.
Theo báo Tiền Phong, trước đó, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn thông tin, từ ngày 1/9/2021 đến ngày 5/11/2023, cả nước xảy ra 699 vụ bạo lực học đường liên quan đến 2.016 học sinh, trong đó có 854 học sinh là nữ. Bình quân, cứ 50 cơ sở giáo dục xảy ra 1 vụ bạo lực học đường. Trong đó, số vụ bạo lực có nhiều học sinh tham gia và số học sinh nữ tham gia bạo lực học đường nhiều hơn.
Làm thế nào để chấm dứt nỗi ám ảnh bạo lực học đường?
Trao đổi với VOV, ông Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em cho hay, vấn đề bạo lực học đường xảy ra đã lâu, mặc dù đã được tuyên truyền giáo dục rất nhiều nhưng các vụ việc vẫn liên tục xảy ra, năm sau cao hơn năm trước. Đây là vấn đề đáng lo ngại trong ngành giáo dục hiện nay.
Với kinh nghiệm nhiều năm làm trong lĩnh vực chăm sóc và bảo vệ trẻ em, ông An cho rằng, những sự việc xuất hiện trên báo chí mới chỉ là một phần nổi của tảng băng chìm, thực tế còn nghiêm trọng hơn nhiều lần. Bởi gần đây có những sự vụ bạo lực rất tàn bạo, học sinh đánh học sinh, thầy cô giáo đánh học sinh, bảo mẫu bạo hành trẻ nhỏ... Nghiêm trọng hơn, có những em nhỏ đã phải tìm đến cái chết, khi điều tra thì nguyên nhân là do bạo lực học đường, bị nói xấu, bị đe dọa trên mạng xã hội.
Ông An khẳng định, những vụ bạo lực học đường cho thấy, ngành giáo dục hiện nay chưa có chuẩn mực đạo đức học đường cho từng cấp học, cho từng lứa tuổi phù hợp.
“Việc giáo dục về tâm lý, kỹ năng sống trong các nhà trường còn hạn chế, đó là sự thiếu hụt nghiêm trọng và cần phải thay đổi; Cần tăng cường giáo dục về kỹ năng, về đạo đức, lối sống cho trẻ, không nên nhồi nhét quá nhiều kiến thức và chạy theo thành tích. Phải chăng, sự thiếu hụt trong giáo dục đã dẫn các vụ bạo lực học đường gia tăng, học trò đánh học trò, thầy cô giáo bạo hành học sinh”, ông Nguyễn Trọng An chia sẻ.
Theo ông An, để hạn chế bạo lực học đường, biện pháp đầu tiên là giáo dục gia đình. Do áp lực cơm, áo, gạo, tiền nên vấn đề giáo dục trong gia đình từ lâu đã bị coi nhẹ. Nhiều nhà phó mặc việc giáo dục con cho nhà trường, thầy cô giáo. Nhiều bậc cha mẹ không lắng nghe trẻ nói, sao nhãng việc giáo dục con, chỉ đến khi xảy ra các sự việc đáng tiếc thì mới tỉnh ngộ.
Bên cạnh đó, nhiều gia đình có quan niệm “yêu cho roi cho vọt” và thường xuyên dùng roi vọt để giáo dục con. Một đứa trẻ khi bị đánh nhiều quá sẽ trở thành một đứa bé lì lợm và xuất hiện mầm mống bạo lực. Dù ở trường hay ở nhà, đứa bé đều có thể dùng bạo lực với anh em hay bạn bè. Do đó, vấn đề giáo dục gia đình là cốt lõi.
“Luật trẻ em 2016 đã quy định là kiện toàn mạng lưới bảo vệ trẻ em 3 cấp độ. Đó là phải có mạng lưới nhân viên công tác xã hội bảo vệ trẻ em ở cộng đồng; Phải có mạng lưới công tác hội, phải có giáo viên tâm lý học đường trong các nhà trường để hỗ trợ, ổn định tâm lý cho học sinh, từ đó mới giảm thiểu được tình trạng bạo lực học đường”, ông Nguyễn Trọng An cho hay.