Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Thông tấn xã Việt Nam cần tiếp tục giữ vững vị thế là một trung tâm thông tin tin cậy của Đảng, Nhà nước

Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Thông tấn xã Việt Nam (15-9-1945 /15-9-2020) được tổ chức trang trọng sáng 13-9 tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia, số 5 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã gửi lẵng hoa và Thư chúc mừng kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Thông tấn xã Việt Nam (15-9-1945 / 15-9-2020), 60 năm Thông tấn xã Giải phóng (12-10-1960 / 12-10-2020) và đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Thi đua- Khen thưởng Trung ương trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Thông tấn xã Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Thi đua- Khen thưởng Trung ương trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Thông tấn xã Việt Nam.

Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng: Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng; lãnh đạo ban, bộ, ngành Trung ương; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng đông đảo các thế hệ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, công chức, viên chức, người lao động TTXVN qua các thời kỳ.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh gửi lẵng hoa chúc mừng.

* Khẳng định vai trò cơ quan thông tin chính thống, tin cậy của Đảng, Nhà nước

Trong Thư chúc mừng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhiệt liệt biểu dương, chúc mừng những thành tựu rất đỗi tự hào của TTXVN trong 75 năm qua và khẳng định: Hiện nay, đất nước ta đang bước vào thời kỳ phát triển với thế và lực mới. Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội của đất nước, nhiệm vụ của báo chí rất nặng nề nhưng cũng rất vẻ vang. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng mong muốn và tin tưởng TTXVN tiếp tục khẳng định vai trò là cơ quan thông tin chính thống, tin cậy của Đảng, Nhà nước, cung cấp nhiều loại hình thông tin trong nước và thế giới đến các tầng lớp nhân dân. Mỗi cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên TTXVN tiếp tục phát huy truyền thống của các thế hệ đi trước, luôn giữ vững bản lĩnh chính trị, tư tưởng, không ngừng nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ, chính trị, văn hoá, ngoại ngữ...; thực hiện tốt lời căn dặn của Bác Hồ: "Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ", luôn xứng đáng là người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng.

Phát biểu tại buổi Lễ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng, chia vui với các thế hệ cán bộ, nhân viên của TTXVN qua các thời kỳ; ghi nhận, biểu dương những nỗ lực, thành tích của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên, nhân viên của TTXVN qua các thời kỳ đã đóng góp to lớn cho công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc; đồng thời bày tỏ lòng thành kính, tri ân với gần 260 nhà báo liệt sĩ thông tấn (chiếm 2/3 số nhà báo liệt sĩ của cả nước) đã hy sinh anh dũng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: TTXVN ra đời ngay sau khi nước nhà giành được độc lập, trưởng thành qua các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và chiến tranh vệ quốc. Không chỉ ghi lại các sự kiện như những nhân chứng lịch sử, đội ngũ đông đảo những người làm báo của TTXVN đã thực sự là những nhà báo - chiến sĩ, mang theo trong hành trang ra tiền tuyến không chỉ là ba lô, cây bút mà cả cây súng trên tay, trực tiếp tham gia, góp phần làm nên những sự kiện lịch sử ấy. Có mặt ở hầu khắp các chiến trường, mặt trận, các cán bộ, phóng viên, điện báo viên của TTXVN đã vượt qua biết bao khó khăn, gian khổ, hy sinh, chuyển phát thông tin, hình ảnh một cách nhanh chóng, khách quan, sôi động về cuộc đấu tranh anh dũng của quân và dân ta. Những thông tin nóng hổi từ các mặt trận đã góp phần khơi dậy ý chí quyết tâm chiến đấu, chiến thắng quân xâm lược, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, tạo động lực cho các phong trào thi đua sôi nổi ở cả tiền tuyến và hậu phương, thực hiện lời Bác Hồ căn dặn: "Tin tức càng nhanh, kháng chiến càng mau thắng lợi". 

"Những thời khắc lịch sử của dân tộc, dù đau thương hay hào hùng, được bạn đọc biết đến, được thế giới biết đến và ủng hộ, cũng nhờ những thông tin mà các nhà báo - chiến sĩ của TTXVN đã ghi lại, phát đi. Nhiều bạn phóng viên đang ngồi đây sinh ra và lớn lên trong hòa bình, không hề biết đến chiến tranh. Nhưng những trang sử hào hùng, sự hy sinh anh dũng của những nhà báo thông tấn thế hệ đi trước vẫn còn lưu lại ở nơi đây, chính tòa nhà này, trên những tấm bia thờ trong nhà tưởng niệm, trên những kỷ vật trong phòng truyền thống, những bức ảnh lịch sử mà các bạn đang triển lãm dưới kia... Đinh Hữu Dư, một phóng viên trẻ tuổi của TTXVN mấy năm trước đã bị lũ dữ cuốn đi - khi đang tác nghiệp ở Yên Bái, là câu chuyện sẽ còn được kể mãi về hy vọng, về sự dấn thân không ngừng nghỉ của những người làm báo. Tôi thấy có trách nhiệm phải nhắc lại, để chính các bạn, những thế hệ tiếp nối, phải viết tiếp lịch sử phát triển của ngành sao cho xứng đáng với các thế hệ đi trước, với đồng nghiệp, xứng đáng với những người đã viết nên một "biên niên sử" báo chí về dân tộc Việt Nam, không chỉ bằng trí tuệ, sự nhiệt huyết mà bằng cả máu, bằng tấm lòng quả cảm và sự hy sinh anh dũng" - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị phát huy truyền thống vẻ vang qua 75 năm xây dựng, trưởng thành, TTXVN cần tiếp tục tiên phong trong công tác thông tin, tuyên truyền; thông tin nhanh chóng, chính xác, sinh động về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần đưa nhanh các nghị quyết của Đảng, nghị quyết của Quốc hội, các chương trình, kế hoạch hành động của Chính phủ vào cuộc sống. TTXVN cũng cần phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, kịp thời đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực, những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, nêu cao tinh thần đại đoàn kết dân tộc; phấn đấu để có ngày càng nhiều hơn những tác phẩm báo chí mang đậm hơi thở cuộc sống, những bài chính luận, bình luận sắc sảo, có sức lan tỏa mạnh mẽ, rộng khắp, góp phần định hướng dư luận xã hội; củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Nhiệm vụ trước mắt và hết sức quan trọng của TTXVN là đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, phản ánh ý kiến góp ý của các tầng lớp nhân dân đối với dự thảo các văn kiện và báo cáo trình Đại hội Đảng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, là cơ quan thông tấn đa phương tiện chủ lực quốc gia, TTXVN có con đường riêng của mình là "ngân hàng tin" cung cấp thông tin định hướng chính thống cho hệ thống báo chí, cho công chúng trong và ngoài nước, là nguồn thông tin báo cáo có giá trị phục vụ Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các cơ quan nghiên cứu. Đó là chính là bản sắc riêng, giá trị nền tảng mà TTXVN cần tiếp tục phát huy, giữ vững trong quá trình xây dựng các định hướng phát triển tương lai của ngành. Không phải ngẫu nhiên, cả nước hiện có hơn 800 cơ quan báo chí, trong đó có nhiều báo in, báo điện tử, nhiều đài truyền hình, nhưng chỉ có 1 cơ quan thông tấn. 

Giao nhiệm vụ cho đội ngũ những người làm báo thông tấn, Thủ tướng đề nghị mỗi người làm báo của TTXVN cần nhận thức rõ trách nhiệm, tâm huyết, không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, nâng cao chuyên môn, mở rộng tầm hiểu biết, nhạy bén, sẵn sàng dấn thân, làm chủ khoa học, công nghệ tiên tiến, đưa TTXVN ngày càng phát triển, xứng đáng với sự hy sinh cao cả, đóng góp to lớn của các thế hệ đi trước cho đất nước, cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Với sức mạnh, uy tín của một cơ quan thông tấn quan trọng quốc gia, TTXVN cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ về công nghệ, phát triển trở thành cơ quan truyền thông đa phương tiện, hiện đại, đi đầu trong chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ mới, trí tuệ nhân tạo, kết hợp tốt giữa nội dung và kỹ thuật công nghệ, làm tốt hơn nữa vai trò là "ngân hàng tin" của quốc gia, tiếp tục giữ vững vị thế là một trung tâm thông tin tin cậy của Đảng, nhà nước, một hãng thông tấn có uy tín trong khu vực - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc nhở. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tin tưởng với 75 năm truyền thống Anh hùng, truyền thống tiên phong trên tuyến đầu thông tin, giữ mạch nguồn thông tin luôn là dòng chảy chính thống, TTXVN sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, vươn xa. 

Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất tặng TTXVN.

* Viết tiếp trang sử vẻ vang của ngành

Đọc diễn văn tại Lễ kỷ niệm, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc TTXVN Nguyễn Đức Lợi đã điểm lại những dấu mốc quan trọng trong quá trình 75 xây dựng và phát triển của ngành Thông tấn.

75 năm trước, ngày 15-9-1945, từ Đài phát sóng vô tuyến Bạch Mai (Hà Nội), Việt Nam Thông tấn xã (nay là Thông tấn xã Việt Nam - TTXVN) đã phát ra toàn thế giới toàn văn bản Tuyên ngôn Độc lập cùng danh sách Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thông qua bản tin tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Pháp. Đây là sự kiện chính thức đánh dấu sự ra đời của cơ quan thông tấn của nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Các thế hệ làm báo của TTXVN vô cùng tự hào bởi trước đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là người duyệt bản tin đầu tiên mà còn là người đã đặt tên Việt Nam Thông tấn xã (VNTTX), TTXVN ngày nay.

Trong suốt lịch sử hình thành, phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo, những người làm báo TTXVN luôn nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thậm chí hy sinh xương máu để truyền đi dòng thông tin liên tục, thể hiện quan điểm của Đảng, chính sách của Chính phủ, nguyện vọng của nhân dân tới hệ thống báo chí và công chúng trong và ngoài nước. Có thể khẳng định trong bất cứ hoàn cảnh nào, thông tin của TTXVN luôn hướng tới mục tiêu: độc lập, tự do, hòa bình và phát triển của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân. 

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Đảng ta xác định thông tin và tuyên truyền là một trong những phương thức lãnh đạo quan trọng, VNTTX nỗ lực vừa chiến đấu, vừa xây dựng và phát triển, thực hiện tốt vai trò của một binh chủng thông tin chủ lực, xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa. 

Trong ngày 30-4-1975, VNTTX vinh dự, tự hào phát đi những dòng tin/bức ảnh lịch sử về thắng lợi vĩ đại của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, non sông về một mối, mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập, tự do, thống nhất và xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cả nước. Để có ngày chiến thắng, hòa bình cho đất nước, hơn 260 người làm báo của ngành thông tấn đã ngã xuống trong tư thế của người chiến sĩ, nhiều người để lại một phần thân thể ở chiến trường và không ít người mang trong mình bệnh tật do phơi nhiễm chất độc hóa học. 

Sau khi đất nước thống nhất, tháng 5-1976, thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư, VNTTX và Thông tấn xã Giải phóng hợp nhất thành VNTTX. Một năm sau, tháng 6-1977, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn việc đổi tên VNTTX thành TTXVN.

Trong bối cảnh mới, TTXVN đã từng bước cải tiến, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa thông tin, đáp ứng yêu cầu đa dạng hơn của các cơ quan thông tin đại chúng ở trong và ngoài nước; tiếp tục tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế. Vào những năm 80 và 90 của Thế kỷ 20, TTXVN với vai trò ngân hàng tin tức của hệ thống báo chí, đã nhanh chóng đổi mới để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thông tin trong tình hình mới. Một loạt tuần báo và nhật báo tiếng Việt và tiếng nước ngoài của TTXVN đã lần lượt ra đời và được đông đảo công chúng đón nhận như Thể thao & Văn hóa, Tuần tin tức, Việt Nam News, Le Courrier du Vietnam.

Sang Thế kỷ 21, TTXVN tiếp tục đứng trước yêu cầu đổi mới toàn diện; đổi mới phương thức tác nghiệp, tiếp cận các vấn đề của thời cuộc, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tác nghiệp, đa dạng hóa các nền tảng truyền dẫn/phát sóng, mở rộng hợp tác quốc tế được xác định là những mục tiêu phát triển bao trùm của TTXVN trong thời kỳ này.

Sự xuất hiện của báo điện tử VietnamPlus, Kênh Truyền hình Thông tấn - VNews, các sản phẩm thông tin đồ họa, 12 bản tin/ảnh song ngữ phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số, các sản phẩm thông tin tích hợp tin/ảnh hay các sản phẩm thông tin báo chí dữ liệu (megastory) được đăng phát trên các kênh truyền thống, các trang web, thiết bị viễn thông thông minh hay các nền tảng xã hội thời gian qua đã giúp thông tin của TTXVN tiếp cận kịp thời với hệ thống báo chí, công chúng trong và ngoài nước trong kỷ nguyên số.

Với vai trò định hướng của đơn vị báo chí chủ lực, TTXVN đã tiếp tục phản ánh một cách kịp thời, chuẩn xác và sinh động tình hình trong nước và quốc tế thể hiện quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, những thành tựu của công cuộc đổi mới, tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chống lại những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng và các tệ nạn xã hội.

Các đơn vị thông tin đối ngoại của TTXVN không ngừng đổi mới cả về nội dung, cách thể hiện để lan tỏa mạnh mẽ hình ảnh Việt Nam – một thành viên chủ động, tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, hoàn thành tốt nhiệm vụ của cơ quan báo chí đối ngoại chủ lực quốc gia.

Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Lợi chia sẻ, sự dấn thân của những người làm báo thông tấn, sự gắn bó mật thiết với nhân dân và địa bàn, tiên phong trong ứng dụng công nghệ thông tin vào quy trình tác nghiệp, kiên định với những giá trị cốt lõi của báo chí đã giúp TTXVN tạo ra những sản phẩm báo chí chất lượng cao, nhiều giải thưởng cao trong các Giải báo chí Quốc gia, Giải thưởng thông tin Đối ngoại toàn quốc và ở trong nước và một số giải thưởng quốc tế. Ngay trong tuần này, TTXVN đón nhận tin vui khi dự án chống tin giả đã giành chiến thắng trong khuôn khổ giải thưởng truyền thông số châu Á 2020 của Hiệp hội báo chí và các nhà xuất bản tin tức thế giới.

Ghi nhận những đóng góp to lớn của TTXVN, Đảng và Nhà nước đã trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập, danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân... Và mới đây, Chủ tịch nước đã ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Thông tấn xã Giải phóng, cơ quan phát ngôn và Thông tấn chính thức của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Những danh hiệu và phần thưởng cao quý đó là niềm tự hào, cũng là lời nhắc nhở đối với mỗi cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, người lao động TTXVN hôm nay phải nỗ lực hơn nữa để viết tiếp những trang sử vẻ vang của ngành trong thời kỳ hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế.

Với lực lượng khoảng 2.300 cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, người lao động, có mặt tại 63 tỉnh/thành phố cả nước và 30 địa bàn quan trọng ở cả 5 châu lục, 32 đơn vị, trong đó có 16 đơn vị thông tin, TTXVN hiện cung cấp hàng nghìn tin, bài, ảnh mỗi ngày cho các cơ quan báo chí trong và ngoài nước, phục vụ Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và công chúng thông qua gần 70 sản phẩm thông tin thuộc đủ các loại hình: Tin văn bản, ảnh, truyền hình, tin đồ họa, tin âm thanh. TTXVN có quan hệ hợp tác với hơn 40 hãng thông tấn, báo chí trên thế giới, đóng góp hiệu quả vào công tác tuyên truyền đối ngoại, giúp đẩy mạnh quan hệ giữa Việt Nam với các nước cũng như tiến trình hội nhập của Việt Nam với thế giới.

QĐND

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

''Cuộc cách mạng'' tinh gọn bộ máy

''Cuộc cách mạng'' tinh gọn bộ máy

Sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, phải thực hiện với quyết tâm cao nhất, hành động quyết liệt của cả hệ thống chính trị, trong đó có các cơ quan của Quốc hội.

Bài cuối: Ở đâu khó, có đại biểu hội đồng nhân dân

Dấu ấn những đại biểu dân cử nơi “tâm lũ” Bài cuối: Ở đâu khó, có đại biểu hội đồng nhân dân

Trong các bài viết trước, chúng tôi đã kể câu chuyện về những đại biểu hội đồng nhân dân như bà Trần Hoài Thu, ông Sùng A Siềng, bà Đặng Thị Sinh, họ đều là tấm gương hết lòng vì Nhân dân nơi “tâm lũ”. Trên hành trình thực hiện loạt phóng sự này, chúng tôi còn được gặp gỡ nhiều đại biểu dân cử trong vùng thiên tai. Câu chuyện từ thực tế đời sống, việc làm ý nghĩa của các đại biểu và tình cảm bà con dành cho họ đều khẳng định một điều: Ở đâu khó, có đại biểu hội đồng nhân dân.

Bài 3: Cán bộ "3 cùng" nơi "rốn lũ" Nậm Tông

Dấu ấn những đại biểu dân cử nơi “ tâm lũ” Bài 3: Cán bộ "3 cùng" nơi "rốn lũ" Nậm Tông

“Nơi chốn mình từng đi về trong suốt hàng chục năm qua bỗng một ngày tan hoang. Những người dân bản thân quen giờ chỉ có thể nhìn lại trong bức ảnh chụp vào Ngày hội Đại đoàn kết một năm về trước… Xót xa, đau lòng lắm! Mình phải biến đau thương thành hành động để giúp đồng bào” là những lời tâm sự nghẹn ngào của bà Đặng Thị Sinh, Phó Chủ tịch HĐND xã Nậm Lúc, huyện Bắc Hà về trận lũ kinh hoàng vừa quét qua mảnh đất này.

Quyết tâm chính trị cao nhất sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả

Quyết tâm chính trị cao nhất sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, việc tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng tinh gọn về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, phải thực hiện với quyết tâm cao nhất, hành động quyết liệt của cả hệ thống chính trị.

Bài 2: Người gieo khát vọng ấm no trên vùng lũ A Lù

Dấu ấn những đại biểu dân cử nơi “ tâm lũ” Bài 2: Người gieo khát vọng ấm no trên vùng lũ A Lù

Ngải Thầu tiếng Mông nghĩa là “mũi đá”, trước đây là một xã độc lập nhưng hiện nay đã được sáp nhập vào xã A Lù, huyện Bát Xát. Ở mảnh đất biên giới cheo leo trên sườn núi ấy, ông Sùng A Siềng (dân tộc Mông) là đại biểu HĐND xã A Lù, Bí thư Chi bộ thôn Phìn Chải 1 đã không quản ngại khó khăn, vất vả, tích cực tuyên truyền di chuyển các hộ ra khỏi khu vực nguy hiểm và hỗ trợ người dân vượt qua thiên tai sau cơn bão số 3.

Bài 1: Nữ đại biểu vì dân nơi "tâm lũ" Làng Nủ

Dấu ấn những đại biểu dân cử nơi “tâm lũ” Bài 1: Nữ đại biểu vì dân nơi "tâm lũ" Làng Nủ

Tôi đã ấp ủ bài viết về bà sau cuộc gặp ở Làng Nủ, xã Phúc Khánh (huyện Bảo Yên) - nơi vừa chịu bao đau thương do cơn lũ lịch sử gây ra. Người đàn bà ở tuổi 55, dáng người nhỏ bé, quần xắn móng lợn, lúc nào cũng tất tả ngược xuôi nơi “tâm lũ” Làng Nủ. Suốt 20 năm làm Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn Làng Nủ, 20 năm làm đại biểu HĐND xã Phúc Khánh, bà Trần Hoài Thu luôn được bà con quý trọng, mến yêu. Trong cơn lũ lịch sử vừa qua, người đại biểu ấy không một ngày ngơi nghỉ vì đồng bào vùng lũ.

Đại biểu HĐND 2 cấp tiếp xúc cử tri tại thành phố Lào Cai

Đại biểu HĐND 2 cấp tiếp xúc cử tri tại thành phố Lào Cai

Sáng 19/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố Lào Cai, đại biểu HĐND tỉnh và đại biểu HĐND thành phố Lào Cai có buổi tiếp xúc cử tri các phường Cốc Lếu, Duyên Hải, Kim Tân, Bắc Cường, Lào Cai và các xã Vạn Hòa, Đồng Tuyển, Cốc San. Đây là cuộc tiếp xúc trước kỳ họp thường lệ cuối năm 2024 HĐND tỉnh và HĐND thành phố Lào Cai, nhiệm kỳ 2021 - 2026.

fbytzltw