Tự hào “Con Lạc cháu Hồng”
Từ trong truyền thuyết ấm áp, triết lý nhân sinh về “Bọc trăm trứng” đã lan tỏa và có sức sống trường tồn trong đời sống dân tộc. Trong cuốn sách “Truyền thuyết Hùng Vương” của nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Xương có đoạn kể: “Nàng Âu Cơ mang thai 3 năm 30 ngày. Khi sắp sinh nở, trên núi có điềm lành, đó là 5 sắc mây che, rồi nàng sinh ra một bọc trăm trứng, nở ra 100 người con trai khổng lồ tốt tươi đẹp đẽ” (Trích: Truyền thuyết Hùng Vương, Nguyễn Khắc Xương, Nxb. Văn hóa dân tộc 2009, tr16). Huyền tích ấm áp ấy đã trở thành biểu tượng cho mối quan hệ gắn kết máu mủ ruột thịt của con người Việt Nam.
Hình tượng Mẹ Âu Cơ, Cha Lạc Long Quân - Biểu tượng thiêng liêng cho cội nguồn "Con Lạc, cháu Hồng" của dân tộc Việt Nam.
Khi sinh ra và lớn lên, mỗi người dân Việt Nam luôn tự hào mình là con trong cùng “một bọc”, là nòi giống “Tiên Rồng” cao quý. Ý niệm về hai chữ “đồng bào” đã in sâu vào tiềm thức của Nhân dân, biểu hiện sinh động trong thực tiễn đời sống và trở thành sợi dây kết nối bền chặt của đồng bào 54 dân tộc trên đất nước. Bởi vậy, biểu tượng thiêng liêng cho cội nguồn dân tộc đã hội tụ ở vùng Đất Tổ Phú Thọ, nơi có núi Nghĩa Lĩnh cao sừng sững và Đền Hùng linh thiêng soi bóng xuống dòng sông Đà.
Mỗi di tích trên núi Nghĩa Lĩnh là những điểm nhấn về di sản cội nguồn như Đại môn (cổng chính), đền Hạ, đền Trung, đền Thượng, chùa Thiên Quang, giếng cổ, lăng Hùng Vương, cột đá thề, đền Giếng, đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ, đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân… Nơi đây lắng đọng hồn thiêng sông núi, hội tụ tinh hoa cội nguồn với bao truyền thuyết mang đậm triết lý nhân sinh cao đẹp trong đời sống dân tộc.
Cột đá thề trên đỉnh Nghĩa Linh, âm vang lời thề son sắt thuở xưa.
Trên đỉnh Nghĩa Lĩnh, cột đá thề vang vọng lời thề xưa của Thục Phán An Dương Vương, truyền thuyết hoàng tử Lang Liêu dâng cúng trời đất, tổ tiên bánh chưng, bánh dày, thể hiện lòng thảo thơm của muôn dân đối với công lao trời biển của các Vua Hùng, minh chứng cho sự gắn kết hài hòa giữa trời và đất, sự gắn kết cộng đồng. Từ giá trị nhân văn cao đẹp đó, nghĩa đồng bào đã kết nối thành lòng yêu nước nồng nàn và bất tử trong lòng Nhân dân Việt Nam. Để rồi, triết lý nguồn cội “Con Lạc, cháu Hồng” là sức mạnh của cả dân tộc trong hành trình vươn ra năm châu bốn bể, hội nhập với quốc tế.
Trường tồn và lan tỏa
Ông Phạm Bá Khiêm - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian tỉnh Phú Thọ khẳng định: “Giá trị của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là sự thể hiện tính cố kết cộng đồng, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” và tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Có thể coi tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là sợi chỉ đỏ kết nối quá khứ với hiện tại, là bệ đỡ tâm linh, vun bồi ý chí, năng lực nội sinh cho các thế hệ người Việt Nam”.
Sự kiện Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ" và hát Xoan Phú Thọ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là niềm tự hào không chỉ của vùng đất cội nguồn Phú Thọ mà còn sự định sức sống, giá trị và hành trình vươn ra tầm nhân loại của di sản thời đại Hùng Vương của dân tộc Việt Nam. Đồng thời, trên dải đất Phú Thọ, bên triền sông Hồng, sông Lô, sông Đà, có trên 300 di tích lịch sử gắn với tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, cấp Quốc gia.
Các Lễ hội trên vùng Đất Tổ Phú Thọ là minh chứng sinh động cho sự trường tồn và lan toả của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.
Từ Đền Hùng trên đỉnh Nghĩa Lĩnh linh thiêng, Đền Mẫu Âu Cơ nơi Hiền Lương xưa Mẫu cùng 49 người con dừng chân trong hành trình đi khai thiên phá thạch, trong các làng xã tại các địa phương, các ngôi đền, đình, miếu thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, các Công chúa, Lạc hầu, Lạc tướng, các vị tướng thời đại Hùng Vương có công lao đối với đất nước đã được Nhân dân tạo lập, gìn giữ, trao truyền và diễn xướng vào dịp lễ hội và những ngày lễ trong năm. Chính vì vậy, giá trị của triết lý cội nguồn và tục thờ cúng tổ tiên đã được hình thành, lưu giữ và lan tỏa sinh động trong đời sống cộng đồng. Đó là mạch nguồn văn hóa bền vững và giàu giá trị nhân văn cao đẹp, in sâu trong tâm thức và đời sống dân tộc.
Mỗi làng xã nơi có các di tích đều tổ chức thực hành thờ cúng Hùng Vương theo đúng nghi thức, tục lệ và bản sắc được lưu giữ từ xa xưa. Thông qua các lễ hội, sự gắn kết cộng đồng được thể hiện rõ nét. Phải kể đến như lễ hội đền Mẫu Âu Cơ, đền Chu Hưng (huyện Hạ Hòa), đền Lăng Sương, đình, đền Đào Xá (huyện Thanh Thủy), Lễ hội Vua Hùng dạy dân cấy lúa tại di tích Đàn tịch điền, Phường Minh Nông (Việt Trì), Lễ hội Trò trám tại Miếu Trò (xã Tứ Xã), Lễ hội rước Chúa Gái tại đình Cả (huyện Lâm Thao), Lễ hội đền Bạch Hạc (thành phố Việt Trì)… cùng hằng trăm lễ hội tại các di tích đền, đình trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Vào ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, các gia đình quanh vùng Việt Trì và các địa phương trong tỉnh Phú Thọ sắm sửa mâm cơm dâng cúng Vua Hùng, cúng tổ tiên là một trong những biểu hiện của nét đẹp văn hóa gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của người dân Đất Tổ.
Cư dân trong cộng đồng làng xã thành kính dâng lên các Vua Hùng và tiên tổ lễ vật thể hiện tấm lòng thảo thơm và tri ân.
Không chỉ ở địa bàn tỉnh Phú và khu vực phía Bắc, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương còn phát triển, lan tỏa mạnh mẽ về khu vực phương Nam với bản sắc độc đáo, đậm đà tính dân tộc. Đó là các ngôi đền thờ Vua Hùng được xây dựng tại các địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Cần Thơ, Nghệ An, Khánh Hòa, Đồng Nai, Kiên Giang… Trải qua năm tháng, các di tích và lễ hội tại các địa phương là những minh chứng tiêu biểu cho sức sống trường tồn của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và giá trị của các di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Đồng thời, là sự phát huy giá trị của di sản trong thời kỳ hội nhập và phát triển.
Khắc ghi lời Bác Hồ dạy
Mỗi khi về thăm Đền Hùng, du khách thập phương đều dừng chân trước Nhà bia đền Hạ, đền Giếng và Bức Phù điêu "Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên Phong" để khắc ghi lời dạy của Bác Hồ. Trong chín lần về thăm Phú Thọ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành hai lần đến thăm Đền Hùng. Mỗi lần về, Bác đã thắp hương tưởng nhớ, tri ân công đức của các Vua Hùng, trò chuyện, dặn dò cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân về việc chăm sóc, gìn giữ di tích Đền Hùng và hơn cả là ý chí bảo vệ, dựng xây đất nước.
Đền Giếng, nơi Bác Hồ ngồi nói chuyện với Đại đoàn Quân Tiên Phong ngày 19/9/1954.
Ngày 18 tháng 9 năm 1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm một đơn vị bộ đội đang đóng quân ở đồi Chò, thôn Kim Lăng, xã Chân Mộng, huyện Đoan Hùng (lúc đó là xã Ba Đình, huyện Phù Ninh). Hôm sau, ngày 19 tháng 9 năm 1954, tại đền Giếng, Bác đã nói chuyện với Đại đoàn Quân Tiên Phong trước khi về tiếp quản Thủ đô. Người căn dặn: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước".
Bức phù điêu "Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên Phong" tại ngã ba đền Giếng, nơi lưu giữ hình ảnh và lời dạy của Bác Hồ.
Lần thứ hai Bác Hồ về thăm Đền Hùng vào ngày 19/8/1962, “Người đã nhắc nhở các đồng chí lãnh đạo địa phương phải tu sửa và gìn giữ ngôi đền, gìn giữ lịch sử; dặn phải trồng cây phủ xanh các đồi trọc; xây dựng công viên lịch sử Đền Hùng, phải duy trì những giống cây quả quý của Phú Thọ như: Hồng Hạc Trì, mít, dứa Phủ Đức....” (Trích: Bác Hồ với Phú Thọ, Phú Thọ làm theo lời Bác, Nxb. Chính trị Quốc gia, 2005). Lời dạy của Bác Hồ đã thúc giục, nhắc nhở mỗi cán bộ, chiến sỹ và nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ luôn khắc ghi công lao trời biển của tổ tiên, luôn nung nấu ý chí đoàn kết để cùng gìn giữ và xây dựng đất nước phồn vinh, giàu đẹp.
Bốn phương hội tụ
Đã từ xa xưa, cư dân Phú Thọ vẫn truyền nhau câu ca: “Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày giỗ Tổ mùng 10 tháng ba” để nhắc nhở nhau rằng dù ở bất cứ phương trời nào, dù ăn đâu làm đâu, đến tháng 3 âm lịch, cũng biết cúi đầu nhớ về ngày giỗ Tổ, nhớ về nguồn cội sinh thành. Nơi đây, mỗi người dân đất Việt như được trở về vòng tay bao bọc, che chở của cha mẹ, trở về để tìm lại chính mình.
Đền Hùng là biểu tượng thiêng liêng, nơi cội nguồn đất Việt, mỗi người dân Việt Nam dù ở nơi đâu vẫn luôn đều hướng về.
Bốn phương hội tụ về Đất Tổ, mỗi người dân đất Việt được trở về ngọn nguồn đất nước, tìm lại chính mình, cảm nhận được giá trị trường tồn của dân tộc để có thêm sức mạnh trong công cuộc dựng xây đất nước. Đền Hùng và Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương là sợi dây tinh thần bền vững kết nối bao thế hệ, bao vùng miền và muôn dân đất Việt. Người Việt Nam sinh sống và lao động ở nước ngoài cũng hướng về Đất Tổ với niềm thành kính sâu sắc qua việc tổ chức các nghi lễ thờ cúng Vua Hùng vào những dịp lễ tết, Giỗ Tổ Hùng Vương.
Nơi Đất Tổ linh thiêng, không phân biệt giàu, nghèo, địa vị hay vùng miền, dân tộc, chạm bước chân, tiếng nói về miền đất cội nguồn, muôn dân như một, đoàn kết, vị tha và giàu lòng nhân ái để mỗi người luôn nêu cao ý chí, lòng yêu nước nồng nàn và khát vọng dựng xây cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Hòa mình vào không gian lễ hội, mỗi người dân đất Việt trong cộng đồng làng xã đều bảo ban nhau, cùng nhau làm nên những lễ vật thể hiện lòng thành kính, sự thảo thơm để dâng lên anh linh tiên tổ với lòng tri ân sâu sắc. Để từ đây, con người Việt Nam nhân lên sức mạnh gắn kết cộng đồng, phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc để vượt qua những khó khăn, thử thách.
Trở về nơi cội nguồn, thắp nén nhang trầm, tri ân công đức của tổ tiên là nét đẹp văn hoá trong đời sống của mỗi người dân Việt Nam.
Anh Bùi Anh Minh, kiều bào sinh sống và lao động tại Hàn Quốc chia sẻ: “Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng quê Phú Thọ, hằng năm, vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, tôi và mọi người xa quê luôn nhớ về Đất Tổ như nhớ về cội nguồn sinh thành, về ngôi nhà ấm áp che chở mình khôn lớn”.
Có thể khẳng định, Đền Hùng là biểu tượng thiêng, trường tồn cho cội nguồn, tinh hoa văn hóa và sức mạnh nội sinh của dân tộc Việt Nam. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là điểm tựa tâm linh xuyên suốt và sợi dây kết nối bền vững, làm nên sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Mỗi người dân đất Việt luôn khắc ghi lời dạy của Bác Hồ kính yêu, luôn tự hào hướng về cội nguồn và quyết tâm xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, phồn vinh.