Tuy nhiên, mặt trái của sự phát triển đô thị là việc gia tăng lượng rác thải, điều này cũng đặt ra bài toán khó cho Sa Pa khi phải loay hoay tìm địa điểm bố trí ga rác.
Trước khi được đưa về nhà máy hoặc các bãi rác để xử lý, rác thải sinh hoạt được các xe thu gom nhỏ thu về tập kết tại một điểm cố định, sau đó các xe chuyên dụng ép, kẹp rác. Bởi vậy, các doanh nghiệp thu gom, vận chuyển luôn cần một vài địa điểm cố định để bố trí làm nơi trung chuyển rác thải.
Thế nhưng, với một đô thị có mật độ xây dựng dày đặc như Sa Pa, việc bố trí điểm trung chuyển không phải chuyện đơn giản. Bên cạnh yếu tố thuận tiện, đúng quy định, các điểm trung chuyển còn phải đảm bảo mỹ quan, không ảnh hưởng đến hoạt động du lịch.
Đầu năm 2023, tại khu vực trung tâm thị xã Sa Pa, một bãi đất trống gần khu vực hồ Mắt Ngọc được bố trí làm điểm trung chuyển rác cho toàn bộ các tuyến phố lân cận. Hằng ngày, các xe thu gom nhỏ tổ chức thu gom 1 - 3 lượt (tùy tuyến phố), vận chuyển đến tập kết tại vị trí này, đợi xe chuyên dụng đến ép rồi vận chuyển đến khu xử lý. Thế nhưng, do phản hồi từ người dân xung quanh cho rằng bố trí điểm trung chuyển rác tại đây tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị nên điểm trung chuyển rác buộc phải di chuyển đến một địa điểm khác.
Địa điểm mới được bố trí (tạm thời) là một khu đất rộng khoảng 200 m2 thuộc phường Hàm Rồng (thị xã Sa Pa). Điều đáng nói là địa phương chưa thể bố trí địa điểm phù hợp để doanh nghiệp đặt điểm trung chuyển, địa điểm này cũng do doanh nghiệp phải tự bố trí, thỏa thuận, mượn của người dân.
Trung bình mỗi ngày, lượng rác thải của thị xã Sa Pa từ 28 tấn - 30 tấn. Vào những dịp lễ hoặc cao điểm du lịch, lượng rác trong ngày có thể lên tới 35 tấn. Trong khi đó, cả thị xã chỉ có 1 ga rác. Điều này đặt ra cho các ngành và địa phương bài toán khó trong giải quyết dứt điểm vấn đề bố trí địa điểm phù hợp.
Tính từ năm 2018 đến nay, doanh nghiệp phụ trách thu gom rác thải sinh hoạt tại thị xã Sa Pa đã 3 lần phải thay đổi địa điểm đặt ga rác, do đặt ở địa điểm nào cũng gặp nhiều bất cập cũng như phản đối của người dân. Không chỉ khó khăn trong việc chọn địa điểm, mà việc phải thay đổi địa điểm đặt ga rác liên tục cũng gây lãng phí trong đầu tư, xây dựng các ga rác tạm thời. Trung bình mỗi lần chuyển địa điểm, doanh nghiệp tốn hơn 100 triệu đồng để xây dựng các bãi tập kết, trung chuyển tạm thời.
Ông Bùi Tuấn Dương, Giám đốc Xí nghiệp Môi trường Sa Pa cho biết: Đất được bố trí làm điểm trung chuyển rác hiện nay là doanh nghiệp đang mượn của người dân. Việc không có một địa điểm cố định nên doanh nghiệp cũng không thể yên tâm bởi khi người dân cần đến, chúng tôi lại phải dọn ngay để trả đất. Chúng tôi mong được bố trí một địa điểm cố định để đầu tư xây dựng, sử dụng lâu dài, đồng thời yên tâm, tập trung vào nhiệm vụ chính của mình thay vì luôn phải lo lắng “nay đây, mai đó”.
Địa phương đang rà soát các quy hoạch phân khu, trong vùng lõi để có thể bố trí các vị trí điểm tập kết, làm điểm trung chuyển rác thải.
Sa Pa đang hướng đến là trung tâm du lịch sinh thái, văn hóa và nghỉ dưỡng núi đặc sắc hàng đầu Đông Nam Á. Bên cạnh phát triển các sản phẩm du lịch thì việc xây dựng một Sa Pa sạch, đẹp cũng rất cần được quan tâm. Xây dựng một ga rác đáp ứng nhu cầu phát triển của Sa Pa là một trong những vấn đề cần được ưu tiên.
Ngày 19/5/2023, UBND tỉnh có Quyết định số 16 ban hành Quy định một số nội dung về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
Theo đó, với nội dung về điểm tập kết chất thải rắn sinh hoạt, vị trí được lựa chọn phải hạn chế ảnh hưởng giao thông, mỹ quan môi trường xung quanh và phải cách xa nơi kinh doanh thực phẩm, cổng bệnh viện, trường học, cơ quan hành chính, các điểm giao lộ.
UBND cấp huyện chủ trì, phối hợp với đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt để xác định vị trí, quy mô tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt tại điểm tập kết phù hợp, đảm bảo an toàn giao thông…