Chọn lòng đường làm ga rác
Tại khu vực gần cầu Ngòi Đum (phường Bắc Cường) vào mỗi buổi chiều, các xe nhỏ sau khi thu gom rác tại các tuyến phố trên địa bàn phường Kim Tân và phường Bắc Cường đều mang đến đây tập kết để chuyển rác lên xe chuyên dụng đưa vào bãi rác. Do là khu đô thị mới, mật độ dân cư còn thấp nên đây là địa điểm tập kết rác được chọn sau 3 lần đổi địa điểm của đơn vị thu gom.
Trước đây, công nhân môi trường chuyển rác ở đầu cầu phía phường Kim Tân, nhưng do người dân phản ánh nhiều nên họ chuyển ra đường lớn chưa có dân ở. Do mùi rác thải rất khó chịu nên không ai thích điểm tập kết rác ở gần nhà mình - Bà Nguyễn Thị Vui, người dân tổ 22, phường Bắc Cường.
Theo tìm hiểu của phóng viên, phường Kim Tân có mật độ dân cư đông, lượng rác thải sinh hoạt mỗi ngày rất lớn nhưng chưa có địa điểm bố trí ga rác. Rác thải tại phường này được thu gom rồi chuyển đến các điểm tập kết tại các phường lân cận như Cốc Lếu, Bắc Cường.
Chị Nguyễn Thu Thảo, cán bộ quản lý việc thu gom rác tại khu vực Bắc Cường, Xí nghiệp Môi trường thành phố Lào Cai cho biết: Nhiệm vụ của chúng tôi là gom rác từ các hộ, sau đó mang đến điểm tập kết. Thế nhưng, vì không được địa phương bố trí địa điểm làm ga rác nên chúng tôi phải tự tìm địa điểm, chủ yếu thực hiện ở ngã 3, ngã 4, vừa mất an toàn giao thông, vừa mất mỹ quan đô thị nhưng không còn lựa chọn nào khác. Mặc dù công nhân thực hiện rửa đường sau khi chuyển rác đi, nhưng vẫn ảnh hưởng đến môi trường.
Tương tự, tại một số phường trên địa bàn thành phố, việc bố trí quỹ đất để xây dựng các ga rác cố định gặp rất nhiều khó khăn. Ở những phường càng đông dân cư, việc bố trí địa điểm đặt ga rác càng khó, dẫn tới quãng đường thu gom, vận chuyển đến điểm tập kết rất xa. Nhiều khu vực, công nhân phải đẩy xe rác bốc mùi suốt quãng đường dài, vô hình chung tạo hình ảnh nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị.
Loay hoay tìm giải pháp
Thành phố Lào Cai mới có 6 ga rác được đầu tư xây dựng và hiện vẫn còn gần 80 điểm trung chuyển không cố định. Chị Lương Thị Hằng, quản lý việc thu gom rác tại ga rác đường Sơn Đạo, một phần thuộc phường Kim Tân và một phần của phường Cốc Lếu (Xí nghiệp Môi trường thành phố Lào Cai), cho biết: Nếu ga rác được xây dựng cố định thì công nhân có chỗ để xe thu gom, điểm sạc điện cho xe sẽ được trang bị mái che giúp chống cháy nổ. Ngoài ra, tại các ga rác này cũng sẽ có rãnh thoát nước, có hệ thống nước để vệ sinh, xịt, rửa thiết bị sau thu gom, như vậy môi trường đảm bảo hơn.
Điều 76 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định: Điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt phải có các khu vực khác nhau để lưu giữ các loại chất thải rắn sinh hoạt đã được phân loại, bảo đảm không để lẫn các loại chất thải đã được phân loại với nhau. UBND các cấp có trách nhiệm bố trí mặt bằng điểm tập kết, trạm trung chuyển đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường...
Thế nhưng, trên thực tế, việc bố trí mặt bằng để xây dựng ga rác, điểm tập kết, trạm trung chuyển tại các phường, đặc biệt là phường trung tâm thành phố còn rất hạn chế. Theo tìm hiểu của phóng viên, việc bố trí ga rác tại các khu đô thị trung tâm (đô thị cũ) gặp khó do thiếu mặt bằng, quỹ đất bởi trước đây, vấn đề này chưa được tính đến. Còn tại các khu đô thị mới, điểm trung chuyển rác đã được bố trí “trên dự án” nhưng không hiểu vì lý do gì chưa được xây dựng.
Ông Ngô Bảo Lân, Giám đốc Xí nghiệp Môi trường thành phố Lào Cai cho biết: Mỗi phường cần 2 đến 3 ga rác cố định. Thế nhưng, việc bố trí địa điểm làm ga rác tại các địa phương chưa được giải quyết, khiến doanh nghiệp rơi vào thế khó. Chúng tôi đang nỗ lực khắc phục một phần, giảm điểm trung chuyển bằng cách cơ giới hóa thu gom bằng xe điện nhưng đây chưa phải cách giải quyết cốt lõi vấn đề. “Tôi mong chính quyền các cấp quan tâm, phối hợp với doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn này” - ông Lân nói.