Giàu tiềm năng
Ông Nguyễn Trọng Ân, Chủ tịch UBND TX.Bến Cát, cho biết trong những năm qua, Bến Cát được xác định là đầu mối giao thông đa phương tiện ở phía Bắc của vùng đô thị trung tâm, vùng bảo vệ cảnh quan dọc sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và cảnh quan nông nghiệp ngoại vi theo Quyết định số 2076/ QĐ-TTg ngày 22-12-2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TP.Hồ Chí Minh đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, đô thị Bến Cát có vị trí trung tâm nối liền TP.Thủ Dầu Một, TP.Tân Uyên và các huyện Bắc Tân Uyên, Bàu Bàng, Dầu Tiếng của tỉnh Bình Dương.
Với sự nỗ lực trong xây dựng và phát triển, TX.Bến Cát đạt chuẩn, xứng tầm là thành phố thứ 5 trực thuộc tỉnh Bình Dương. Ảnh: QUỐC CHIẾN
Định hướng đô thị Bến Cát đến 2030 là đô thị công nghiệp - dịch vụ; đến 2040 là trung tâm đô thị có chức năng đô thị công nghiệp - dịch vụ - đầu mối giao thông, trong đó, định hướng phát triển công nghiệp theo hướng công nghiệp sạch, có công nghệ cao. Thời gian qua, dưới sự quan tâm đầu tư của tỉnh, TX.Bến Cát có hệ thống giao thông phát triển mạnh, kết nối thông suốt, đồng bộ với các tuyến đường trọng điểm đi qua địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi để thị xã dễ dàng kết nối các khu công nghiệp, đô thị phía Nam của tỉnh, kết nối với TP.Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Phước và các tỉnh Tây nguyên. Bến Cát có vai trò hết sức quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, công nghiệp hóa, đô thị hóa, bảo đảm quốc phòng - an ninh của tỉnh Bình Dương và Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam.
Ông Nguyễn Trọng Ân, Chủ tịch UBND TX.Bến Cát: Trong kế hoạch phát triển của địa phương, TX.Bến Cát đang tập trung xây dựng thế hệ khu công nghiệp thứ 3 của tỉnh với hệ sinh thái khu công nghiệp xanh, ưu tiên mời gọi đầu tư lĩnh vực công nghệ cao, ít thâm dụng năng lượng, lao động, phát triển hệ thống logistics quy mô hiện đại với mạng lưới vận chuyển đường bộ, đường sắt và cảng đường sông. TX.Bến Cát không ngừng xây dựng phát triển đô thị văn minh, giàu đẹp, nghĩa tình và trở thành một trong những đô thị đáng sống của tỉnh nhà.
Cùng với cơ sở hạ tầng giao thông kết nối, tuyến đường thủy sông Sài Gòn với cảng An Tây, đường Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh trong tương lai kết hợp với hệ thống giao thông hiện hữu sẽ là điều kiện để Bến Cát có thêm nguồn lực phát triển, nhất là với chủ trương đưa công nghiệp về phía Bắc của tỉnh, Bến Cát sẽ trở thành trung tâm logistics lớn nhất của tỉnh trong tương lai. Hiện tại, TX.Bến Cát với 8 khu công nghiệp tổng diện tích 4.030 ha, 1 khu sản xuất công nghiệp tập trung quy mô 47,7 ha, 5.985 dự án đầu tư, gồm 5.186 dự án đầu tư trong nước tổng số vốn hơn 54.895 tỷ đồng và 799 dự án đầu tư nước ngoài tổng vốn hơn 9,28 tỷ đô la Mỹ đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng chục ngàn lao động trong và ngoài tỉnh.
Ông Nguyễn Trọng Ân chia sẻ thêm, hiện TX.Bến Cát đang tập trung phát triển đô thị trên cơ sở xác định phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật là yếu tố rất quan trọng, địa phương đã huy động đầu tư từ nhiều nguồn vốn khác nhau để hướng đến đô thị hiện đại, văn minh. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đường giao thông tại các khu công nghiệp, khu dân cư, khu nhà ở cơ bản được các chủ đầu tư xây dựng hoàn chỉnh, đồng bộ. Song song đó, TX.Bến Cát cũng quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Phù hợp hiện trạng phát triển
Tại Quyết định số 1573/ QĐ-UBND ngày 1-7-2022 của UBND tỉnh Bình Dương về việc phê duyệt điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TX.Bến Cát đến năm 2040 xác định Bến Cát là đô thị công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp, đầu mối giao thông quan trọng của tỉnh và Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam. Theo đó, việc thành lập TP.Bến Cát thuộc tỉnh Bình Dương có ý nghĩa hết sức quan trọng về mặt chính trị, phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh của địa phương. Trước đó, thị xã đã được công nhận là đô thị loại III tại Quyết định số 1503/QĐ-BXD ngày 20-11- 2018 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng với 57/59 tiêu chuẩn, vượt số điểm tối thiểu theo quy định về phân loại đô thị.
Có thể khẳng định, chủ trương thành lập TP.Bến Cát là phù hợp với hiện trạng phát triển kinh tế - xã hội và quá trình đô thị hóa đang diễn ra nhanh trên địa bàn TX.Bến Cát. Đồng thời bảo đảm phù hợp với kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021- 2030, định hướng quy hoạch vùng TP.Hồ Chí Minh, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương và các định hướng quy hoạch khác đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Nhiều chuyên gia nhận xét, việc thành lập TP.Bến Cát có ý nghĩa vô cùng quan trọng, góp phần khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý hành chính trên địa bàn về công tác quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch, xây dựng, quản lý kiến trúc, cảnh quan đô thị, quản lý kết cấu hạ tầng kỹ thuật, quản lý dân cư, bảo vệ môi trường... Cụ thể, trở thành thành phố sẽ tạo cơ sở pháp lý cho việc thiết lập và tăng cường nhiệm vụ, quyền hạn trong việc tổ chức quản lý theo mô hình của chính quyền đô thị, góp phần để Bến Cát hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp cho sự phát triển chung của tỉnh Bình Dương.