LCĐT - Trong đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung và người Dao nói riêng, thầy cúng có vai trò quan trọng trong việc gìn giữ, bảo tồn và truyền dạy những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Một người để trở thành thầy cúng phải trải qua quá trình học hỏi, rèn luyện và tích lũy tri thức dân gian lâu dài, bền bỉ.
Ông Triệu Văn Thêu, 59 tuổi, dân tộc Dao họ, ở thôn Khe Quạt, xã Tân An (huyện Văn Bàn) là thầy cúng có uy tín trong vùng. Ông đã được công nhận là Nghệ nhân dân gian cấp tỉnh và đang trình đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Nghệ nhân dân gian cấp quốc gia.
![]() |
Ông Triệu Văn Thêu là một thầy cúng uy tín trong vùng đã đạt đến cấp bậc cao nhất – cấp tiên sinh. |
Năm 16 tuổi, ông Thêu được làm lễ lập tịch và cấp sắc 3 đèn. Từ đó, ông bắt đầu theo bố và ông nội học chữ Nôm Dao, đọc sách và tìm hiều nhiều hơn về các lễ cúng của dân tộc. Tình yêu với văn hóa dân tộc cứ thế thôi thúc ông tìm tòi, học hỏi, đọc và sưu tầm các loại sách cổ. Đến năm 22 tuổi, ông được cấp sắc 9 đèn và có thể lấy sách đi làm thầy cúng. Đến năm 32 tuổi, ông trở thành 1 trong 10 thầy cúng trong xã có cấp bậc cao nhất trong nghề - cấp tiên sinh. 15 năm kiên trì học hỏi, rèn luyện và tích lũy tri thức đã giúp ông Triệu Văn Thêu trở thành thầy cúng giỏi có tiếng trong và ngoài xã. Ông có thể đọc, hiểu và truyền dạy hầu hết các cuốn sách cổ, cũng như ghi nhớ và thực hành thuần thục các nghi lễ cúng truyền thống của dân tộc, trong đó có lễ cấp sắc và lễ cầu làng của người Dao họ (còn gọi là lễ Áy lay).
Theo ông Thêu, mỗi năm, trừ các tháng 4, 5, 9 (âm lịch) thì những tháng còn lại trong năm, mỗi tháng ông nhận lời đi làm lễ cúng cho người dân khoảng 20 ngày. Hơn 40 năm kinh nghiệm làm thầy cúng, các lễ cúng do ông đảm nhận luôn đầy đủ điều kiện theo nghi lễ truyền thống, thuần thục và nhanh gọn. Trung bình mỗi ngày ông có thể làm lễ cúng cho 2 - 3 nhà, nhưng vào các dịp như thanh minh, giải hạn, rằm tháng Bảy… 1 ngày ông có thể phải làm lễ cúng cho 7 - 8 nhà.
Ông Thêu cho biết: Trong đời sống người Dao, thầy cúng rất được tôn trọng, người ta còn gọi là “thầy làm phúc”, bởi mục đích của việc thực hiện các lễ cúng là để cầu mong những điều tốt đẹp đến cho mọi người, mọi nhà, tưởng nhớ tổ tiên, cầu sức khỏe, bình an, may mắn… Thầy cúng đi làm lễ cho các nhà cũng không vì mục đích kinh tế, mà chỉ đơn giản là cầu phúc, xóa điều xấu, mong điều lành đến với gia chủ, với cộng đồng, thôn bản. Do đó, nhà có điều kiện thì cảm ơn thầy cúng bằng đĩa xôi, con gà, nhà không có điều kiện thì mời chén rượu.
Người làm thầy cúng thường phải có 1 đến 2 hòm sách cổ chép tay. Trong các sách của thầy cúng có nhiều lĩnh vực được đề cập, như sách cúng trong tang ma, hôn lễ, làm nhà, sinh đẻ, chữa bệnh, chiêm tinh, thổ nhưỡng, âm dương, ngũ hành… Sách dạy làm người, đối nhân xử thế, răn dạy con cháu từ những việc nhỏ nhất trong sinh hoạt, sống hòa thuận, kính trên nhường dưới, đến làm kinh tế… Chính vì vậy, người nào muốn trở thành thầy cúng thì phải là người thông hiểu về địa lý, thiên văn, thuộc nhiều bài cúng, biết hát, biết múa. Thầy cúng vì thế còn được coi là nghệ sỹ dân gian tài hoa và đa năng. Nhờ đọc nhiều sách cổ mà họ có kiến thức sâu rộng về lịch sử văn hóa, các tri thức dân gian của dân tộc mình và các dân tộc khác.
![]() |
Ông Thêu truyền dạy chữ cho các “đệ tử”. |
Ông Triệu Văn Thêu cũng là một trong những thầy cúng uy tín, có “đệ tử” theo học đông nhất trong vùng, với khoảng 100 người từng theo học, trong đó khoảng 20 người đã có thể làm thầy cúng. Ông Lý Văn Toàn, 54 tuổi, Bí thư Chi bộ thôn Mai Hồng 2, xã Tân An là một trong những học trò xuất sắc của ông Thêu cho đến lúc này. Ông Lý Văn Toàn cho biết: Tôi theo học thầy Thêu từ 5 - 6 năm trước và hiện vẫn theo học đều đặn. Học làm thầy cúng không đơn giản, cần học chữ trước để có thể đọc và hiểu được sách cổ. Học làm thầy cúng vừa giúp bản thân biết làm lễ cúng cho gia đình, dòng họ, lại hiểu biết nhiều hơn về văn hóa dân tộc, có thể đem những kiến thức học giúp ích cho cộng đồng, thôn bản.
Mỗi năm, vào dịp Tết âm lịch, ông Thêu thường mở lớp dạy chữ Nôm Dao cho người dân trong thôn, ai có nhu cầu học chữ và đọc sách cổ đều được tham gia lớp học miễn phí này. Mỗi năm, lớp học chữ của ông Thêu thu hút 15 - 20 thanh thiếu nhi và cả những người lớn tuổi trong thôn tham gia. Trong 15 ngày đầu năm mới, ông cố gắng truyền dạy những chữ viết cơ bản, những điều hay, lẽ phải, nét đẹp trong phong tục, tập quán của người Dao họ được ghi lại trong các cuốn sách cổ, góp phần giáo dục các thế hệ hiểu và giữ gìn, bảo tồn văn hóa dân tộc.
Ông Lý Xuân Khởi, Phó Chủ tịch UBND xã Tân An cho rằng: Cộng đồng người Dao chiếm phần đông dân số ở xã Tân An, đặc biệt là ở các thôn Khe Quạt, Mai Hồng 1, Mai Hồng 2, Mai Hồng 3… Họ tin tưởng và chịu ảnh hưởng rất lớn từ những thầy cúng. Do đó, chúng tôi xác định cần quan tâm và nêu cao vai trò của các thầy cúng trong việc xây dựng các phong trào, hoạt động ở địa phương.