Thời gian qua, khi nước ta dần thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tình hình sản xuất công nghiệp trong nước đã hồi phục khá mạnh mẽ, khắc phục từng bước và nối lại được chuỗi cung ứng trong các nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với sản lượng sản phẩm và số lượng đơn hàng mới đều tăng.
Ảnh minh họa. |
Theo đánh giá của Bộ Công thương, quy mô sản xuất tiếp tục được mở rộng với Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) bảy tháng ước tăng 8,8% so cùng kỳ năm 2021; trong đó, ngành chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng cho toàn ngành công nghiệp đạt mức tăng 9,7%.
Tuy nhiên, Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) vẫn nhận định, sản xuất công nghiệp còn không ít hạn chế, khó khăn nhất định, nhiều điểm nghẽn mặc dù từng bước được tháo gỡ, nhưng tốc độ chậm, chưa mang tính đột phá. Có thể kể đến một số điểm nghẽn cốt tử như nội lực của nền công nghiệp trong nước còn yếu, phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI); sản xuất công nghiệp chủ yếu là gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng không cao.
Trong khi đó, các công đoạn có giá trị gia tăng cao như: sản xuất nguyên phụ liệu, thiết kế, marketing vẫn chủ yếu do các doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp FDI nắm giữ; năng lực của khối doanh nghiệp nội chưa cao, sức cạnh tranh kém, khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu rất hạn chế. Mặt khác, cần thừa nhận một thực tế, do trình độ công nghệ chậm được cải thiện trong thời gian gần đây, mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp trong nước đối với cách mạng công nghiệp 4.0 vẫn còn ở mức thấp.
Ðể thúc đẩy phát triển, tăng tốc phục hồi lĩnh vực sản xuất công nghiệp trong thời gian tới, chúng tôi cho rằng, trước tiên cần xác định giải pháp trọng tâm vẫn là tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và các dự án công nghiệp lớn, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, cũng như xung đột về chính trị-kinh tế tại một số khu vực thế giới căng thẳng. Ngành công thương sớm hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Phát triển công nghiệp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, sau đó trình Quốc hội dự án luật này vào năm tới,...
Bộ Công thương với vai trò cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực công nghiệp tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được Chính phủ giao, trong đó tập trung thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bám sát tiến độ để đưa vào vận hành các công trình, dự án trọng điểm, có vai trò quan trọng nhằm tạo giá trị gia tăng cao hơn cho hoạt động sản xuất công nghiệp. Cùng với đó, khuyến khích doanh nghiệp công nghiệp tích cực phối hợp, chia sẻ thông tin, nguồn lực, thị trường và ưu tiên sử dụng các dịch vụ của nhau để thúc đẩy phát triển sản xuất nội địa.
Trước những khó khăn mà doanh nghiệp công nghiệp đang đối diện như chi phí đầu vào tăng, nhu cầu lao động trong các ngành công nghiệp chế biến, may mặc vẫn chưa được giải quyết tốt, các cấp, các ngành, các địa phương cần triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ theo tinh thần Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ. Trong đó, tập trung vào các chính sách hỗ trợ về tài chính, giảm hoặc gia hạn đối với các loại thuế, phí, lệ phí về thủ tục, hồ sơ của doanh nghiệp; tiếp tục tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp để kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc, giúp họ dễ dàng tiếp cận với chính sách của Trung ương và địa phương.