Công văn nêu rõ: Thời gian qua, chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh theo hình thức nhỏ lẻ là chủ yếu, các biện pháp phòng bệnh chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục; việc buôn bán, giết mổ, tiêu thụ thịt lợn và sản phẩm từ lợn gia tăng; việc buôn bán, vận chuyển bất hợp pháp lợn, sản phẩm gia súc, gia cầm từ nước ngoài và các địa phương trong nước đang có dịch vào địa bàn tỉnh thông qua đường bộ, đường sông, đường sắt chưa được kiểm soát chặt chẽ, theo đó mầm bệnh có thể phát tán gây nguy cơ cao lây lan các loại dịch bệnh nói chung, dịch tả lợn châu Phi nói riêng trên đàn gia súc, gia cầm.
Bên cạnh đó, qua các đợt làm việc, kiểm tra tại cơ sở, ý kiến phản ánh từ người dân, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã phát sinh nhiều điểm, nhiều hộ có lợn ốm, lợn mắc bệnh, người chăn nuôi bán chạy, từ đó gây nguy cơ rất cao phát tán mầm bệnh, làm mất vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng không được chính quyền cơ sở, cơ quan chuyên môn phát hiện, báo cáo kịp thời.
Để chủ động ngăn chặn, ứng phó hiệu quả bệnh dịch tả lợn châu Phi, đồng thời triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1097/CĐ-TTg ngày 16/11/2023. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:
Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị chuyên môn, UBND các xã, phường, thị trấn và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về công tác ngăn chặn, ứng phó với các loại dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị chuyên môn phối hợp với UBND cấp xã kiểm tra, rà soát tình hình dịch bệnh tới tận cơ sở, hộ chăn nuôi và báo cáo ngay tình hình lợn ốm, lợn chết với lực lượng chức năng để nắm thông tin, lấy mẫu xét nghiệm; không để xảy ra tình trạng giấu dịch hoặc chậm phát hiện dịch bệnh; thực hiện quản lý, xử lý tiêu hủy lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi theo đúng quy định.
Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn về phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi: Chủ động áp dụng các biện pháp sinh học như rắc vôi bột xung quanh chuồng trại, phun thuốc tiêu độc khử trùng; không tham gia mua bán, vận chuyển, tiêu thụ lợn bệnh, lợn nghi bị bệnh, các sản phẩm thịt lợn bệnh; mua con giống rõ nguồn gốc; không sử dụng thức ăn thừa, thức ăn tận dụng chưa qua xử lý nhiệt...
Đối với các trang trại, hộ chăn nuôi lớn, tăng cường các biện pháp an toàn sinh học; khuyến khích tiêm vắc-xin phòng bệnh của đơn vị đã được cấp phép lưu hành; yêu cầu tất cả các cán bộ, công nhân kỹ thuật phải thực hiện nghiêm các biện pháp xử lý, sát trùng phương tiện, dụng cụ ra vào trang trại; có biện pháp ngăn chặn côn trùng; thường xuyên tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng khu vực nuôi, khu vực xung quanh; trên các tuyến đường trong và từ ngoài vào trang trại. Khi có lợn bệnh, nghi bị bệnh phải báo ngay chính quyền và cơ quan chuyên môn để lấy mẫu xác định nguyên nhân; không được bán chạy, giết mổ, vận chuyển đi nơi khác.
Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố thành lập các chốt kiểm dịch tạm thời, tổ kiểm soát cơ động (khi cần thiết); thực hiện kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm (nhất là lợn) ra, vào hoặc đi qua địa bàn, xử lý vi phạm, tiêu hủy động vật, sản phẩm động vật vận chuyển trái phép theo quy định...
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y nắm bắt thường xuyên, kịp thời thông tin dịch bệnh từ hộ chăn nuôi, cơ sở, trang trại, cập nhật báo cáo ngay tình hình dịch bệnh để có chỉ đạo, biện pháp xử lý kịp thời; không để tình trạng người dân bán chạy lợn ốm, lợn bệnh gây ảnh hưởng đến phát triển chăn nuôi, an toàn thực phẩm và sức khỏe người tiêu dùng; không để tình trạng phản ánh từ các nguồn thông tin không chính thống về tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.
Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về việc cập nhật, thông tin, báo cáo tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn toàn tỉnh.
Tích cực, chủ động tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh từ nay đến trước và sau tết Nguyên đán.
Tăng cường thực hiện các biện pháp chuyên môn, chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất, bảo hộ sinh học đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch bệnh. Tổ chức lấy mẫu bệnh phẩm, mẫu giám sát xét nghiệm bệnh dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm… theo hướng dẫn của Cục Thú y.
Tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra, vào địa bàn tỉnh; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng liên quan tổ chức kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán bất hợp pháp động vật, sản phẩm động vật vào địa bàn tỉnh.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chịu trách nhiệm chính trong việc ngăn chặn động vật, sản phẩm động vật nhập lậu qua biên giới vào địa bàn; chỉ đạo các đồn biên phòng, các đơn vị trong toàn lực lượng tăng cường tổ chức tuần tra, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các bến bãi, khu vực cửa khẩu, lối mòn, lối mở biên giới, chợ biên giới và phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn phát hiện, bắt giữ và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các vụ việc mua, bán nhập lậu động vật, sản phẩm động vật, không rõ nguồn gốc.
Giám đốc các sở, ngành, thủ trưởng các đơn vị liên quan căn cứ các chức năng nhiệm vụ và các kế hoạch, văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh từ đầu năm đến nay, tăng cường đôn đốc kiểm tra, phối hợp chặt chẽ với Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm nói chung và bệnh dịch tả lợn châu Phi nói riêng theo quy định.