LCĐT - Gia đình anh Giàng Seo Phổng (thôn Lả Dì Thàng) trồng gần 1 ha cây cát cánh. Năm nay là năm thứ 2 gắn bó với loại cây này nên anh đã nắm vững kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch. Năm trước, diện tích cây cát cánh này mang về cho gia đình anh hơn 100 triệu đồng - số tiền lớn ở xã vùng cao này. Anh Phổng cho biết: Trồng cát cánh chăm sóc khó hơn trồng lúa, ngô nhưng bù lại giá trị kinh tế cao hơn nhiều lần.
Cánh đồng cát cánh ở thôn Lả Dì Thàng. |
Thực hiện chương trình phát triển cây dược liệu của huyện Bắc Hà, năm 2016, xã Tả Van Chư bắt đầu đưa cây cát cánh vào trồng thử nghiệm. Với khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp, cây dược liệu này sinh trưởng và phát triển tốt, chất lượng rễ cây cát cánh ở Tả Van Chư được đánh giá không thua kém bất cứ địa phương nào trên cả nước. Từ chỗ chỉ có 1 ha đến 2 ha vào những năm 2016 và 2017, đến nay diện tích cây cát cánh trên địa bàn đã tăng lên 65 ha, phân bố ở 6/7 thôn, trong đó thôn Lả Dì Thàng chiếm một nửa diện tích cát cánh của xã. Do không đòi hỏi khắt khe về điều kiện thổ nhưỡng nên người dân đã chuyển đổi nhiều diện tích trồng ngô và các cây trồng kém hiệu quả sang trồng cát cánh.
Ông Bùi Trọng Nam, Chủ tịch UBND xã Tả Van Chư cho biết: Điều đáng mừng là những năm đầu trồng thử nghiệm, người dân được hỗ trợ giống, phân bón, đến nay các chính sách hỗ trợ gần như đã hết nhưng người dân vẫn rất hào hứng mở rộng diện tích. Điều này xuất phát từ mối liên kết bền chặt giữa doanh nghiệp và nông dân, trong đó Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện giữ vai trò trung gian. Nhờ vậy, sản phẩm thu hoạch đến đâu được thu mua đến đó với giá ổn định.
Để hỗ trợ kỹ thuật cho người dân, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bắc Hà còn “cắm” 1 cán bộ chuyên trách theo dõi và hướng dẫn bà con trồng, chăm sóc dược liệu. Hằng năm, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cùng chuyên gia của Công ty Cổ phần Nam Dược hỗ trợ tập huấn cho người dân kỹ thuật sản xuất cây dược liệu theo tiêu chuẩn GACP-WHO.
Năm 2020, xã Tả Van Chư trồng 31 ha cát cánh, sản lượng đạt 170 tấn, giá bán trung bình 25.000 đồng/kg, người dân thu về hơn 5,2 tỷ đồng. Năm 2021, với diện tích tăng lên gấp đôi, nông dân vùng cao nơi đây hy vọng nguồn thu cũng tăng gấp đôi so với năm trước.
Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Hà, hiệu quả kinh tế của cây cát cánh mang lại khoảng 80 - 90 triệu đồng/ha, gấp 5 - 6 lần so với cây trồng truyền thống như lúa, ngô, do đó người dân rất hăng hái mở rộng diện tích. Không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao khi thu hoạch rễ, hạt, những cánh đồng trồng cây cát cánh nở hoa tím biếc vào tháng 6, tháng 7 còn trở thành điểm du lịch hấp dẫn khách du lịch. Một số gia đình nhanh nhạy mở dịch vụ cho khách du lịch vào chụp ảnh, tham quan, trải nghiệm thu được cả chục triệu đồng.
Chủ tịch UBND xã Tả Van Chư cho biết thêm: Trong định hướng phát triển cây dược liệu, xã phấn đấu đến năm 2025 đưa diện tích cây cát cánh lên 100 ha. Cùng với các cây ăn quả như mận Tả Van và lê tai nung, cây dược liệu cát cánh được xác định là cây chủ lực để người dân vùng cao nơi đây thoát nghèo, vươn lên làm giàu.