Việc đóng cửa trường học do dịch COVID-19 chỉ là một trong những nguyên nhân của tình trạng này. Đây là kết quả cuộc khảo sát mới nhất về tiêu chuẩn học tập toàn cầu mà Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) vừa công bố.
Gần 700.000 thanh thiếu niên tại 38 quốc gia thành viên của OECD và 44 quốc gia không phải thành viên của OECD đã thực hiện bài kiểm tra kéo dài hai giờ. Bài kiểm tra được các nhà hoạch định chính sách theo dõi chặt chẽ như một phép so sánh quốc tế lớn nhất về hiệu quả giáo dục.
Kết quả khảo sát năm nay cho thấy sự sụt giảm mạnh nhất về hiệu quả học tập kể từ năm 2000, khi OECD bắt đầu tiến hành các cuộc kiểm tra đối với 3 kỹ năng đọc hiểu, toán học và khoa học của học sinh 15 tuổi.
So với thời điểm các bài kiểm tra được thực hiện lần cuối vào năm 2018, kết quả đọc hiểu của học sinh ở các nước OECD đã giảm trung bình 10 điểm và kết quả môn toán giảm trung bình 15 điểm.
Một nửa trong số 81 quốc gia được khảo sát đã ghi nhận sự sụt giảm. Trong đó, Đức, Iceland, Hà Lan, Na Uy và Ba Lan chứng kiến điểm số môn Toán giảm mạnh đặc biệt. Ở các nước OECD, trung bình cứ 4 học sinh 15 tuổi thì có một học sinh đạt thành tích kém ở môn toán, đọc hiểu và khoa học.
Điều đó có nghĩa là các em không thể sử dụng các thuật toán cơ bản hoặc giải nghĩa các văn bản đơn giản. Kết quả kém hơn có xu hướng liên quan đến tỷ lệ học sinh sử dụng điện thoại di động để giải trí cao hơn cũng như tình trạng thiếu giáo viên ở các trường học.
Ông Andreas Schleicher, Giám đốc phụ trách Giáo dục thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), nói: "Đại dịch chắc chắn đã có tác động đến kết quả học tập của thanh thiếu niên. Nhưng cũng có những lý do khác. Bạn có thể thấy sự phân tâm của các em do các thiết bị điện tử, những thiết bị kỹ thuật số".
Cũng theo kết quả khảo sát, học sinh ở Singapore đạt điểm cao nhất trong bài thi kiểm tra kỹ năng làm toán, đọc hiểu, khoa học.
Tính trung bình, một học sinh Singapore có thành tích học tập cao hơn các bạn cùng lứa ở các nước khác từ 3 - 5 năm học. Các đại diện châu Á khác nằm trong top đầu còn có Nhật Bản, Hàn Quốc, và 3 vùng lãnh thổ của Trung Quốc là Macau, Đài Loan, Hong Kong, với kỹ năng vượt trội về môn toán và khoa học.